Chạy đua tiến độ, tai nạn lao động tăng

09/01/2019 - 10:00

PNO - Số ca tai nạn lao động cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tăng từ 30-50% trong vòng một tháng qua.

Thông tin từ các khoa cấp cứu của một số bệnh viện tại TP.HCM cũng cho biết, thời điểm cuối năm, số ca tai nạn lao động tăng cao. Nguyên nhân do người lao động chạy đua nước rút để kịp hoàn thành tiến độ công việc.

Nhẹ thì tật nguyền, nặng là cả mạng sống

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sử - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, khoảng một tháng nay, có ngày khoa tiếp nhận cấp cứu cả 10 ca tai nạn lao động, trong khi ngày thường khoảng từ 3-5 ca. Tai nạn lao động chủ yếu xảy ra đối với những ngành nghề như xây dựng, hàn, điện, cơ khí…

Chay dua tien do, tai nan lao dong tang
Đừng vì tiến độ mà bỏ lơ an toàn lao động

Một ca tai nạn thương tâm vừa xảy ra hôm qua. Anh T.V.L., 30 tuổi, công nhân tại xưởng cán tôn nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay trái. Theo lời kể của đồng nghiệp, khi thao tác trên máy ép tôn, do thiếu tập trung nên L. đã bị máy cuốn luôn bàn tay vào. Trường hợp này các bác sĩ không thể bảo tồn, đành phải cắt bỏ hết phần tay dập nát, hoại tử.

Cách đây một tuần, anh P.A.T., 30 tuổi, làm việc tại công trình xây dựng tại Q.Bình Thạnh đã được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu vì ngã từ giàn giáo xuống đất. Anh T. bị bốn thanh sắt xuyên thấu vùng bụng và đùi.

Ước tính mỗi năm cả nước có gần 1.000 người tử vong vì tai nạn lao động, trên dưới 2.000 người lao động bị thương khi làm việc. 

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ không thể gỡ bỏ thanh sắt ra, phải dùng cưa để cắt. Bệnh nhân được xác định thủng ruột, gãy xương sườn, xương đùi. Sau khi sơ cứu, anh T. được chuyển lên Khoa Ngoại để tiến hành phẫu thuật. Hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Anh N.Đ.D., 25 tuổi, làm thợ hồ được đưa tới cấp cứu vào giữa tháng 12/2018 không được may mắn như anh T. Trong quá trình trộn bê tông đổ móng cho nhà dân tại Q.Bình Thạnh, anh D. bị điện giật. Khi nạn nhân được đưa vào bệnh viện thì bác sĩ xác định đã tử vong trước đó.

Ngoài ba trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng vừa nêu, bác sĩ Sử cho biết, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định thường xuyên tiếp nhận các ca tai nạn lao động như: rách da, chấn thương phần mềm. 

Đừng vì áp lực tiến độ mà bỏ lơ an toàn

Chay dua tien do, tai nan lao dong tang
Khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 2 cũng cảnh báo bệnh nhân tai nạn lao động đang ở mức báo động. Trong tháng 12/2018, Khoa Cấp cứu của bệnh viện này ghi nhận 118 trường hợp tai nạn lao động, trong đó 11 ca tử vong. Cách đây hai ngày, một thợ hàn đang làm việc tại công trình nhà dân ở Q.2 bị điện giật. Nạn nhân được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng bệnh nhân đã tử vong trước đó.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sử, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn lao động đa phần do sự chủ quan của con người. Cụ thể như: không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn; không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ; vi phạm quy trình, quy chuẩn về an toàn lao động…

Qua đó, bác sĩ Sử lưu ý người lao động, đừng vì áp lực phải kịp tiến độ mà lơ là bỏ qua các quy định, quy trình về an toàn. Khi lao động nhất định phải trang bị đồ bảo hộ. Đôi khi chỉ vì làm nhanh hơn một chút, nhiều hơn một chút để hoàn tất công việc mà sẽ ân hận cả đời. Tai nạn lao động rất thảm khốc, để lại những di chứng vĩnh viễn, nhẹ thì tật nguyền, nặng là đánh đổi bằng mạng sống. Trong khi đó, nhiều người lao động là trụ cột trong gia đình, một khi rủi ro xảy ra thì tổn thất sẽ rất lớn.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI