Người chú kết nghĩa

19/03/2015 - 15:57

PNO - PN - Chú không là máu mủ, ruột thịt, cũng không họ hàng với nhà tôi. Chú là em kết nghĩa của bố tôi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bố tôi gặp và quen chú khi cùng cảnh “người ngay gặp nạn” nên dễ đồng cảm và quý mến nhau. Mãn hạn tù, bố trở về trong vòng tay chào đón của người thân, còn chú thì chẳng có nơi nào để đi. Bố mẹ chú đều đã mất. Chú có vợ và một đứa con gái nhưng khi chú bị bắt giam, người vợ ôm con bỏ đi biệt xứ.

Thương hoàn cảnh của chú, bố tôi mời chú về ở cùng. Chú từ chối nhưng bố tôi cứ nài nỉ nên chú đành chấp nhận ở tạm một thời gian.

Tôi nhớ như in buổi chiều chú xuất hiện ở nhà tôi. Chú mặc chiếc quần ghi bạc màu, lông mày xếch lên, nơi đuôi mắt có một vết sẹo dài. Tôi thấy sợ. Có lẽ bố cũng nhận ra nỗi sợ hãi nơi tôi nên trấn an: Trông chú vậy nhưng hiền lắm.

Từ ngày bố về, mẹ tôi mở quầy bán hàng khô thành đại lý bán buôn. Mẹ có duyên bán hàng, lại nhiệt tình, chu đáo nên đông khách. Khách ở tỉnh xa đặt hàng, mẹ cho người mang tận ô tô ký gửi. Bố tôi sau khi ở tù ra bị đau cột sống nên công việc bê vác ở quầy hàng khô của mẹ mỗi mình chú xốc vác. Về nhà, chú cũng không nề hà việc gì, từ lau nhà, dọn kho, cho thỏ ăn...

Nguoi chu ket nghia

Chú ít chữ nhưng có khiếu kể chuyện tiếu lâm rất hay. Tôi quấn chú cũng bởi cái khiếu hài hước đó. Có lần nghe chú kể chuyện, tôi bò lăn ra cái phản gỗ cười đau cả bụng. Vài lần, tôi nói dối bố mẹ để đi chơi, sợ bố mẹ phát hiện nên tôi cầu cứu chú. Chú “che chắn” cho tôi nhưng sau đó lại phạt tôi tự véo vào tai mình thật đau. Sợ đau, tôi cũng chừa tật nói dối.

Chú nói muốn đi tìm vợ con nhưng lại không dám quay về quê. Những khi đó, mắt chú rơm rớm. Nhiều lần, tôi thấy chú mở ba lô lén xem một vật gì đó, thấy tôi nên lại cất vội đi. Mãi về sau, tôi mới biết đó là tấm hình đen trắng nhỏ xíu chụp con gái chú ngày thôi nôi. Bố mẹ tôi thương chú, đã nhờ người dò la nhưng không có manh mối. Chú trở nên ít nói cười hơn, có bữa đang ăn tự nhiên chống đũa, mặt buồn rượi.

Một bữa đang đêm, cả nhà tôi hoảng hốt khi nhận được tin dữ: dãy hàng khô ngoài chợ bị cháy. Bố mẹ tôi và chú cùng lao đi nhưng bố cản mẹ ở lại. Mẹ con tôi ở nhà nôn nóng ngóng bố và chú.

Gian hàng khô của mẹ chỉ bị thiệt hại một ít, nhưng chú thì phải nằm viện vì xông vào cứu kho hàng nên khí độc ngấm vào phổi. Mẹ trách bố: nguy hiểm thế mà cũng để chú lao vào.

Bố lặng im rồi cất giọng buồn buồn: Tôi cản chú ấy không nổi. Chú ấy còn nói: Em có chết thì cũng chẳng vướng bận gì ai, anh còn cả một gia đình.

Mắt mẹ rưng rưng. Chú ở viện về, chưa khỏe hẳn đã đòi ra chợ phụ bố mẹ. Chú nói với tôi: suýt chút nữa chú bị “bà hỏa” thiêu, nợ con nửa câu chuyện chưa kể hết…

Rồi chú lại bắt đầu những câu chuyện tiếu lâm vui nhộn.

Khi đã thực sự gắn bó, cả bố mẹ và tôi đều không nỡ rời xa chú. Ngày chú đoàn tụ với vợ con, bố mẹ tôi vui mừng trào nước mắt:

- Dù chú sống ở đâu, nơi đây vẫn là nhà của chú. Bất cứ lúc nào chú cũng có thể về, cửa nhà vẫn luôn rộng mở.

Còn tôi, dẫu rất nhiều quyến luyến nhưng vẫn vui vẻ vẫy tay tiễn chú lên tàu, để “trả” chú về với đứa trẻ mà bao năm chú khắc khoải trông ngóng, mong chờ.

 THU ĐÚC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI