Liên tiếp bạo hành trẻ: Liên tiếp rút kinh nghiệm sâu sắc

09/10/2015 - 10:26

PNO - "Sự việc xảy ra vừa qua là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục"

Trong thời gian gần đây, xảy ra liên tiếp 2 sự việc nghiêm trọng tại một số cơ sở GD Mầm non (cô giáo để cho trẻ ở ngoài ăn rác tại Lạng Sơn và 3 cô giáo đánh, trói, nhét giẻ vào mồm trẻ 15 tháng tuổi ở Quảng Bình) gây rung động dư luận.

Sáng 10/8, Báo Phụ nữ TP HCM đã có cuộc trò chuyện với Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD-ĐT) - ông Nguyễn Bá Minh về hiện tượng trên.

Lien tiep bao hanh tre: Lien tiep rut kinh nghiem sau sac
"Sự việc xảy ra vừa qua là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục" - Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh nói.

PV: Thưa ông, liên quan đến 2 trường hợp bé Mầm non ở Lạng Sơn và Quảng Bình xảy ra trong những ngày gần đây, Bộ GD-ĐT đã có đánh giá ban đầu như thế nào về 2 vụ việc đã được ghi lại bằng hình ảnh phản ánh tình trạng hành hung, bỏ mặc trẻ trong cơ sở mầm non?

Ông Nguyễn Bá Minh: Ngay sau khi nhận được thông tin qua báo chí, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn và Quảng Bình báo cáo cụ thể về sự việc.

Đến nay, chúng tôi đã có các thông tin đầy đủ và chính xác về sự việc cũng như cách xử lý của sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn và Quảng Bình về vấn đề này. Theo báo cáo của sở GD-ĐT, thông tin mà báo chí phản ánh là đúng sự thật.

Vụ việc ở Lạng Sơn, chúng tôi rất lấy làm tiếc và đáng trách cô giáo mầm non đã thiếu bình tĩnh, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm và sai lầm về phương pháp xử lý tình huống, đặc biệt, việc cho cháu ra ngoài cửa, khóa lại, rồi dọa cháu. Điều đó làm cháu sợ hãi, dễ gây tổn thương về mặt tâm lý, hơn nữa không đảm bảo an toàn khi cháu ở ngoài một mình.

Thay vì dọa, cô giáo cần dỗ dành, động viên, vỗ về trẻ, hoặc hướng trẻ đến một hoạt động thú vị…. để tạo cho trẻ cảm giác gần gũi và an toàn thì cháu sẽ không khóc nữa. Nếu cháu vẫn không nín cô giáo có thể nhờ sự trợ giúp từ các đồng nghiệp trong trường, cuối cùng sẽ cần phối hợp với cha mẹ cháu.

Trong ngày đầu cháu đến lớp giáo viên cần phối hợp với cha mẹ chặt chẽ hơn bằng việc trao đổi kỹ với cha mẹ về thói quen sinh hoạt, nề nếp ăn ngủ của trẻ để giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới; đối với các cháu hay khóc vì chưa thích nghi với môi trường lạ… Nhà trường nên đề nghị phụ huynh bớt chút thời gian có mặt tại lớp để giúp các cháu làm quen với cô và bạn trong lớp.

Về vụ việc ở Quảng Bình, chúng tôi rất buồn và thực sự rất sốc với những hành động thô bạo không thể chấp nhận được của 3 cô giáo đối với trẻ. Hành động này thể hiện cô giáo không có tình yêu thương đối với trẻ.

PV: Với những trường hợp giáo viên, bảo mẫu hành xử như vậy, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Bá Minh: Đối với những trường hợp bạo hành trẻ, pháp luật đã có những quy định xử phạt cụ thể.

Đặc biệt, đối với giáo viên, hành vi này càng cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn chặn các trường hợp tương tự có thể xảy ra để đảm bảo một môi trường an toàn cho trẻ khi tới trường.

PV: Đã có không ít những sự việc đáng tiếc xảy ra tại các cơ sở trông giữ trẻ hoạt động có phép và không phép. Liệu Bộ GD-ĐT có đưa ra hướng giải quyết mạnh mẽ hơn trong công tác quản lý, hạn chế những vụ việc bạo hành trẻ như báo chí phản ánh trong thời gian tới hay không?

Ông Nguyễn Bá Minh: Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở GDMN là công việc được Bộ Giáo dục thường xuyên quan tâm chỉ đạo.

Nhằm quản lý hoạt động của các cơ sở GDMN, Bộ đã hoàn thiện hệ thống văn bản như: điều chỉnh và bổ sung Điều lệ trường mầm non với mục đích quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền và ngành giáo dục trong quản lý các cơ sở GDMN;

Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục để các địa phương có cơ sở pháp lý quản lý và hỗ trợ các trường CSGDMN tư thục; ban hành Thông tư quy định xây dựng trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích trong các cơ sở GDMN.

Mặt khác, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Đồng thời Bộ GD-ĐT thường xuyên chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những sai phạm trong quản lý việc chăm sóc và giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định. 

Lien tiep bao hanh tre: Lien tiep rut kinh nghiem sau sac

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI