Vết sẹo nhân cách

05/09/2014 - 10:07

PNO - PN - Xã hội đã phải hơn hai lần can thiệp hành chính vào cuộc đời riêng của một thanh niên 18 tuổi. Lần thứ nhất, khi mới 14 tuổi, đi làm thuê cho một trại tôm giống, cậu bé bị vợ chồng chủ trại ngược đãi, hành hạ. Hình ảnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vet seo nhan cach

Hào Anh sửa sang nhà cửa đón mẹ trở về

Luật pháp can thiệp và cậu được giải thoát, được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, đôi vợ chồng kia chịu án tù. Xót xa trước tuổi thơ bị hành hạ, ngược đãi, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp cho cậu một số tiền, không lớn lắm, nhưng khi đủ 18 tuổi, cậu bé được dùng số tiền ấy mua nhà cửa, sắm đồ đạc. Cậu đã kịp có cả người yêu, và có cả mối quan hệ tình - tiền phức tạp. Mới đây, dư luận xôn xao cậu thanh niên ấy đã đuổi mẹ ruột ra khỏi nhà.

Theo lời kể, cậu còn có biểu hiện xài phí, nóng tính, đập phá đồ đạc. Công an tỉnh Cà Mau đã phải can thiệp. Người ta còn biết thêm, trong suốt quá trình sống với gia đình tại địa phương, công an cũng đã có lần can thiệp, minh oan cho cậu khỏi tiếng trộm cắp. Hào Anh, cậu bé ấy đang trở thành một ca khó đối với truyền thông và lòng từ thiện xã hội. Không phải vì cậu tiếp tục khó khăn, bị hành hạ, mà vì như thể cậu đang ngược đãi lại chính những tấm lòng đã xót thương, nâng đỡ cậu, đã chìa tay xoa dịu những vết thương bất hạnh của thuở thiếu thời.

Tuy nhiên, nếu nói tất cả là lỗi của cậu thì không hoàn toàn đúng. Gánh nặng tai họa cũng nặng trĩu như gánh nặng của vinh quang, không dễ gánh chịu đối với phần lớn con người. Giở lại những trang báo cũ, sẽ thấy cái thiếu thốn lớn nhất trong đời cậu bé này không phải là tiền, mà chính là tình yêu thương. Gia đình tan vỡ, mẹ đi bước nữa, anh em mỗi đứa một nơi, bản thân đi làm thuê cho một chủ trại không có tình người… Trong một gia đình đã đổ vỡ, những mảnh ghép nhân cách khó mà liền lặn được.

Ai đó hẳn nhớ rằng khi vụ án Hào Anh 14 tuổi được đưa ra xét xử, có người đã trách mẹ của cậu bé ấy sao nỡ đem con mình cho đi làm thuê ở trại tôm giống mà suốt hai năm trời không biết con mình sống ra sao, ăn ở thế nào, để đến nỗi nó bị hành hạ dã man như thể một đứa trẻ vô thừa nhận. Sự thiếu thốn tình thương không thể biện minh bằng cái nghèo. Nên khi những vết thương dần kín miệng, năm tháng qua dần, sự thiếu thốn ấy đã thành một vết sẹo nhân cách, khiến đứa trẻ lớn lên về mặt thể xác nhưng nhân cách không vẹn toàn.

Cậu than thở: “Giờ con muốn làm người tốt cũng khó quá! Con không ăn trộm cũng bị cho là ăn trộm. Giờ con đi đâu, xin việc gì cũng có người nói ra, nói vào. Con nhuộm tóc, con đeo bông tai cũng bị để ý. Trong khi con làm những việc tốt, thì chẳng được ai quan tâm, động viên…”. Nghe qua, lời thở than này cũng có chút hơi hướng trách móc. Sẽ khác đi nếu Hào Anh được dạy rằng trong đời vốn vẫn vậy, làm “việc tốt” là bởi vì nó phải đúng là như thế, chứ không phải làm vì sẽ được “quan tâm, động viên”.

Tiền và lòng xót thương không mang lại hạnh phúc, bình yên cho một con người, nếu không đi kèm với một quá trình giáo dục và lao động để hiểu được giá trị của những gì mà cuộc sống này mang lại. Lao động và học tập mang lại sự trưởng thành khác với việc người ta sở hữu một khối tài sản mà sự hành hạ và lòng xót thương mang lại. Cái khác cơ bản nhìn thấy ngay được là khối tiền đã làm lạnh tình người, khi người ta tưởng chừng thoát khỏi địa ngục và từ nay an vui, hạnh phúc.

Thử đặt mình vào vị trí của người thanh niên ấy, đương nhiên cách hiểu dễ dàng nhất là: khối tài sản này là của người ta cho tôi, để bù đắp những ngày tôi đã bị hành hạ, vậy nên tôi toàn quyền sử dụng nó. Điều mà cậu thanh niên 18 tuổi có thể chưa hiểu hết, là cái bù đắp ở đời không phải theo kiểu đắp tiền vào nhân cách hay đắp tiền vào vết thương… và thực sự thì tiền chẳng bù đắp được nhiều nhặn gì như người ta vẫn tưởng.

Chạm mốc 18 tuổi với một nhân cách vẫn còn bị rối loạn, khoản tiền đợi sẵn sau cột mốc ấy đã làm cậu thanh niên choáng ngợp. Có thể coi khoản tiền ấy là một gia sản thừa kế - thừa kế của lòng xót thương và của xã hội, nhưng khoản thừa kế vật chất đã không song hành với sự trưởng thành về tinh thần, do đó, nó gây hại còn lớn hơn cả khi không có gia tài thừa kế nào.

Nếu nói theo ngôn ngữ hơi “cổ tích” một chút, câu chuyện của cậu bé này có thể được kết theo kiểu: điều ước đã được ban, nhưng gã ăn mày đã không thể thành hoàng tử.

 Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI