'Công chúa chăn dê'

07/02/2015 - 11:41

PNO - PN - Đó là biệt danh của cô gái Tày Vi Thị Thủy mà các anh bộ đội thuộc Trung đoàn 174 hồi còn đóng quân tại bản Mạ, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) 30 năm trước thường gọi. Bây giờ 48 tuổi, đã lên chức bà ngoại,...

edf40wrjww2tblPage:Content

“GIÀU NUÔI CHÓ - KHÓ NUÔI DÊ”

Căn nhà sàn rộng thênh thang nằm ngay dưới chân núi, cạnh bờ suối nhỏ, suốt đêm thình thịch tiếng chày giã gạo bằng cối nước. Chẳng riêng gì nhà Thủy, cả bản Mạ hồi trước “đổi mới” đều còn nhiều khó khăn. Mười bốn tuổi, Thủy đã cùng mẹ bới cơm mang theo, leo núi từ 5g đến 9g mới tới nơi phát nương tỉa ngô, trồng lúa. Người xưa bảo: “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, hết nghề nuôi ngỗng”. Hồi đó trong nhà có nuôi bốn con dê, ngày nào Thủy cũng xua chúng ra ven suối hoặc ven đường đất.

Giống dê mau sinh sản, chỉ ba tháng là có một lứa. Dê lớn ít khi dám mổ ăn, mà bán cho đơn vị bộ đội đóng quân cạnh bản. Các anh mỗi khi đến mua dê, nhìn thấy cô thiếu nữ Tày váy đen, áo xanh xinh tươi, hai má lúc nào cũng đỏ hồng, thì vui miệng gọi Thủy là “công chúa chăn dê”. Có anh lính trẻ còn ngỏ ý muốn đưa “công chúa” về xuôi làm vợ. Ít lâu sau, đơn vị bộ đội chuyển vào phía Nam. Đàn dê cũng không có nơi tiêu thụ nhiều, nên thưa thớt dần.

Tới năm Thủy 18 tuổi, đám cưới xong theo chồng về Bảo Hà thì đàn dê tan dần. Bà mế ở nhà bán nốt con dê cuối cùng ở phiên chợ huyện. Chồng Thủy, một chàng thợ mộc khéo tay, vui tính, cái miệng ngọt như mía lùi, quanh năm suốt tháng rong ruổi trên các nẻo đường núi lên tới bản Muối của người H’mông, bản Thác của người Dao… khi thì dựng nhà, khi đục cái cối giã gạo, lúc sửa bàn ghế, đóng thêm cái chuồng gà. Thủy một mình với trăm công nghìn việc từ nhà ra nương, từ nương tới vườn, trồng ngô lúa, bí bầu, nuôi con gà, con lợn. Trong trí nhớ của cô sơn nữ, thi thoảng hiện lên hình ảnh đầy bụi mù, tiếng dê be be rộn rã, ánh mắt tươi cười của người lính năm nào.

'Cong chua chan de'

VƯỢT QUA GIAN KHÓ

Khi đứa con thứ hai ra đời, Thủy mới hai mốt tuổi, cũng là lúc người chồng lang thang tận xứ nào, ít khi về nhà, rồi đi hẳn theo một người đàn bà góa chồng có quán tạp hóa ở ngoài phố huyện. Con bồng, con bế, chẳng làm được gì nuôi nhau, Thủy ôm cả hai con đi tìm chồng, van vỉ anh hãy thương con mà trở về. Người đàn bà bán tạp hóa cong cớn: “Nó đi làm xa rồi, ai biết ở đâu mà nhắn nhủ cho mẹ con cô”. Ba mẹ con đùm túm trở về nhà mẹ đẻ. Thủy chăm thêm vườn rau cải, vun mấy luống khoai lang, làm lại từ đầu. Lúc đó, câu tục ngữ “… khó nuôi dê…” hiện lên trong đầu. Thủy bán đôi bông tai vàng, mua được đàn dê tám con về nuôi. Chặt cây bương, một mình đóng cọc rào làm một cái chuồng tạm. Hàng ngày, lưng địu con nhỏ, tay dắt con lớn, Thủy theo đàn dê luồn lách qua từng vạt lau ven núi.

Giống dê dễ nuôi bởi cây lá gì chúng cũng ăn được. Đắng như lá xoan, lá nhội mà chúng cũng ăn. Nửa năm sau, đàn dê tăng “quân số” lên 21 con, những con đầu đàn đã có thể bán được rồi, nhưng Thủy tự nhủ gắng ăn uống cực khổ cho đến hết năm, khi đàn dê lớn đều thì bán cả loạt, có tiền làm nhà mới. Nhưng số phận như đùa giỡn chị, khi đàn dê đang lớn như thổi, con nào con nấy lông mịn màng, béo tốt thì hơn nửa đàn lăn đùng ra chết. Ba mẹ con ngồi khóc hết nước mắt. Dê sống bán được năm mươi ngàn một ký, giờ đã chết thì vừa năn nỉ vừa bán rẻ mười lăm ngàn cho mấy người nấu thắng cố. Sau này, người mua dê nói lại rằng chúng không bị bệnh, mà do tham ăn quá, ăn cả những túi ni lông chứa phân bón hóa học nên bị sình bụng mà chết. Những con còn lại, chị hết sức thận trọng khi chọn bãi chăn thả, đi kèm đàn để trông nom, mỗi tối về còn cho dê uống nước muối pha loãng để phòng ngộ độc.

Đàn dê đã giúp Thủy nuôi hai đứa con ăn học suốt nhiều năm. Cô con gái lớn giờ đã lấy chồng, cậu thứ hai đi nghĩa vụ quân sự. Một mình với đàn dê, cuộc sống của chị đã thay đổi nhiều lắm. Ngôi nhà cấp bốn lợp ngói theo dưới xuôi xây bên cạnh căn nhà sàn truyền thống của mẹ, trong nhà bàn ghế, giường chiếu, ti vi, tủ lạnh đều có cả. Bốn mươi tám tuổi, đã lên chức bà ngoại rồi mà Thủy vẫn phải đối diện với nhiều người đàn ông đến ngỏ lời sống chung. Đôi lúc buồn, cô đơn, chị muốn ngả lòng theo, nhưng nghĩ đến người chồng phụ bạc, chị lại "sợ" đàn ông. Buồn, chị gửi mẹ trông giúp đàn dê, ngồi xe ôm lên thăm cháu ngoại ở trên bản Dao.

MÃI LÀ “CÔNG CHÚA CHĂN DÊ”

Nghề chăn dê của chị Thủy đang gặp thời. Giá thịt hơi là 70 ngàn đồng/ký, người ta tới tận nhà bắt dê, không còn mỗi ngày vài con như thời trước. Trải qua 20 năm nuôi dê, chị Thủy có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, chữa bệnh cho dê nên đàn dê ngày càng đông, có lúc hơn một trăm con. Thị trường tiêu thụ thịt dê nay càng mở rộng, khi người tiêu dùng đã coi thịt dê là “đặc sản”, nhất là dê núi.

Một chuyện bất ngờ xảy ra khiến chị Thủy thấy vui buồn lẫn lộn. Đó là cuối năm ngoái, trong dịp 22/12 kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, có mấy người cựu chiến binh tìm về thăm nơi đóng quân cũ của trung đoàn, trong đó có anh lính trẻ ngày trước từng ngỏ lời với chị. Anh nhận ra chị ngay, còn chị thì ngỡ ngàng trước người đàn ông già nua, cụt một bên chân phải chống nạng. Anh nói, hồi đó vào chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam, bị thương nằm viện mất nửa năm nên không liên lạc được với chị.

Sau này anh về quê phục viên rồi lấy vợ, an phận cuộc sống của người thương binh, dần quên kỷ niệm cũ. Về thăm chốn cũ, được Hội Nông dân xã giới thiệu tham quan gia đình điển hình nuôi dê thành công, không ngờ hai người gặp nhau. Món quà của chị tặng người lính năm xưa là cặp dê giống. Quê anh ở miền đồi núi trung du, có thể phát triển kinh tế gia đình bằng nghề này. Anh chỉ biết nắm chặt tay chị, miệng nói: “Cám ơn công chúa…”.

 HOÀNG THỤY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI