"Căn bệnh Minamata" - Nỗi đau dai dẳng 60 năm

27/04/2016 - 14:09

PNO - “Căn bệnh Minamata” là cách người dân Nhật Bản gọi tên cơn ác mộng dai dẳng, đã đeo đuổi số phận hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người dân nước này.

60 năm trước, lần đầu tiên người dân sống ở khu vực vịnh Minamata, tỉnh Kumamoto, thuộc đảo Kyushu hiểu tường tận khái niệm “nhân tai”. Khác với thiên tai, nỗi đau do “nhân tai” gây ra không dừng lại ở thời điểm khắc phục, mà như kéo dài bất tận…

Tập đoàn hóa chất Chisso hoạt động từ năm 1908, ban đầu sản xuất phân bón, sau dần mở rộng quy mô sang nhiều mặt hàng hóa chất. Trong quá trình sản xuất, Chisso âm thầm thải ra môi trường một hóa chất vô cùng độc hại là metyl thủy ngân (thủy ngân ở dạng lỏng), mầm mống gây ra thảm họa cho người dân sống ở vịnh Minamata. Mãi đến năm 1956, nạn nhân đầu tiên của Chisso mới được phát hiện, mở ra sự thật về những điều khủng khiếp giấu kỹ trong lớp vỏ bọc hoàn hảo của một tập đoàn làm ăn đang lên.

Bà Shinobu Sakamoto tích cực xuất hiện ở các hội nghị quốc tế về môi trường để lên tiếng cảnh báo về hiểm họa độc tố thủy ngân - Ảnh: Hiroyuki Kikuchi

Tháng 4/1956, một bé gái năm tuổi sống ở làng chài, Minamata phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt nặng. Em không thể đi lại, nói năng, toàn thân co giật. Hai ngày sau khi em phát bệnh, em gái của em cũng gặp những triệu chứng tương tự. Đầu tháng 5/1956, bệnh viện đang điều trị cho hai em phải ra thông báo phát hiện hiện tượng lạ gây tổn hại đến hệ thần kinh trung ương sau khi có thêm nhiều trẻ nhập viện.

Cuối tháng 5/1956, chính quyền địa phương và các chuyên gia y tế đã lập Ủy ban đối phó bệnh lạ. Trong quá trình điều tra, họ phát hiện những con mèo hoảng loạn, co giật, bất tỉnh rồi chết; những con quạ từ trên cao đâm đầu xuống đất chết, xác cá nổi lềnh bềnh trên mặt biển, trong khi dưới đáy biển rong cũng chẳng còn. Đến tháng 10/1956, số người mắc bệnh lạ lên đến 40, trong đó 14 người đã tử vong.

Tháng 2/1959, nhóm điều tra công bố kết luận gây sốc: hầu hết sinh vật biển sống ở khu vực gần vịnh Minamata đều nhiễm độc thủy ngân và lượng thủy ngân tập trung nhiều nhất ở gần nhà máy của tập đoàn Chisso. Vì lợi ích kinh tế, tập đoàn này ra sức ém nhẹm thông tin. Năm 1968, 12 năm kể từ thời điểm phát hiện bệnh nhân đầu tiên, chính phủ Nhật Bản mới tuyên bố kết luận nhiễm độc thủy ngân ở vịnh Minamata là do nhà máy của Chisso xả thải. Nhiều chính trị gia và nhà hoạt động xã hội ở Nhật Bản tại thời điểm đó đã nỗ lực yêu cầu hỗ trợ nạn nhân, kiểm tra sức khỏe đối với 470.000 người dân sinh sống ở khu vực biển gần nơi đặt nhà máy Chisso, nhưng yêu cầu này bị bác bỏ.

Hiện chỉ có 3.000 người được xác nhận là nạn nhân ngộ độc thủy ngân do Chisso gây ra, trong lúc 33.540 người khác vẫn tiếp tục hành trình đòi công lý. Những ngày tháng cuối đời trước lằn ranh sinh tử, họ vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi. Bà Yoshiko Shiotani, chính trị gia đấu tranh vì quyền lợi nạn nhân trong thảm họa Minamata cho biết: “Cơn địa chấn Minamata xảy ra ở giai đoạn Nhật Bản tập trung phát triển kinh tế, không quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Cái giá quá đắt và đến hôm nay, hệ lụy vẫn còn. Có những nạn nhân 60 năm trước nhiễm độc thủy ngân khi mới là bào thai trong bụng mẹ, nay vẫn như một đứa trẻ sống dặt dẹo”.

Một trong những nạn nhân của thảm họa Minamata được chú ý nhiều nhất là bà Shinobu Sakamoto (60 tuổi). Vì bị nhiễm độc từ trong bào thai nên bà bị tổn thương não bẩm sinh. Chị của bà chết khi mới bốn tuổi do ăn cá bị nhiễm độc. Bà Shinobu Sakamoto xuất hiện ở rất nhiều hội nghị quốc tế để minh chứng cho cơn ác mộng Minamata đã đeo bám suốt cuộc đời bà. Năm 16 tuổi, bà cùng mẹ xuất hiện trong một hội nghị của Liên Hiệp Quốc diễn ra ở Thụy Điển bàn về vấn đề môi trường. Nhìn thân hình biến dạng của bà, mọi người chỉ có thể nín lặng… Gạt bỏ mọi mặc cảm về hình hài, bà dũng cảm xuất hiện vì muốn mọi người hiểu về hiểm họa “nhân tai” đeo đẳng nạn nhân thế nào.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI