NSƯT Hữu Danh: ‘Cha hát bội nhưng con tôi nói không thích nghe’

08/02/2018 - 07:11

PNO - Dòng dõi 3 đời theo gánh hát bội, NSƯT Hữu Danh không giấu được nỗi buồn khi thấy nghệ thuật truyền thống dần mai một, ngay chính con ông cũng không hào hứng với loại hình này.

NSƯT Hữu Danh là con trai của cố nghệ sĩ Hữu Thoại (1911 – 1976) – một trong những tượng đài của hát bội thuở trước. Nội ông là bầu Huê, cũng từng vang danh ở đất Nam Kỳ với tài hát bội. NSƯT Hữu Danh có anh em gồm: nghệ sĩ Hữu Nhi, Kim Nên… cũng đều hoạt động ở Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM. “Nhưng đến tôi - thế hệ thứ ba cũng là đời cuối rồi vì con tôi nó nói ba theo nghề, con ủng hộ nhưng thật sự, con không thích hát bội. Tôi không ép được, con cũng có lựa chọn riêng của nó”, nghệ sĩ Hữu Danh chia sẻ.

Vài mẩu chuyện nhắc lại đã thấy người lâng lâng

Gặp NSƯT Hữu Danh trong một triển lãm về hát bội của thế hệ 8x, 9x, ông không giấu được sự phấn khởi khi vừa chia sẻ với các em, các cháu – những khán giả lý tưởng của nghệ thuật hát bội thời điểm hiện tại, tất tần tật về loại hình mà gia đình ông 3 đời gắn bó. NSƯT Hữu Danh nói về cách vẽ mặt đại diện cho người người chính trực, kẻ gian ác, người yểu mạng… về tiếng rên “ư ử ừ ứ” ngân rung từ cổ của người diễn viên hát bội như tiếng kêu đặc trưng giãi bày mọi hỷ - nộ - ái - ố trong cuộc đời này, về phấn son thời xưa phải “chế tác” làm sao để hát chảy nước mắt mà không trôi, đổ mồ hôi mà không rát mắt…

NSUT Huu Danh: ‘Cha hat boi nhung con toi noi khong thich nghe’
NSƯT Hữu Danh (trái) trong vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ. Ảnh tư liệu của NSND Đinh Bằng Phi 

Sau khi bước xuống sân khấu, người nghệ sĩ kinh qua hơn 40 năm làm nghề tiếp tục cười ha hả, kể tiếp câu chuyện “một thời hoàng kim”:

“Hồi trước, mỗi ngày diễn tới 2 – 3 suất mà khán giả xem đông nghẹt. Có nhiều người xem 1 vở đến 10 lần mà không chán, có người chỉ cần nhìn thấy họ đến là biết đêm đó sân khấu diễn vở gì vì họ chỉ xem duy nhất 1 vở. Rồi nhiều đêm từ trên sân khấu nhìn xuống, 3 hàng ghế đầu toàn là người quen mặt, cứ bảo họ xem rồi xem lại chi nữa. Vậy mà hôm sau, họ cũng lại mò đến”.

“Anh em trong đoàn diễn mệt đến nỗi nhiều khi cứ vái trời mưa to cho khán giả đừng đến xem để được nghỉ chứ hát suốt mệt quá mệt, có đêm đặt chỉ tiêu đủ 100 người mới hát chứ 99 người cũng nghỉ hát. Anh em trong đoàn không ai hoạ mặt, cứ đếm số khán giả, chừng đến 98, 99 rồi 100 mới ù chạy đi hoá trang để chuẩn bị ra hát”, NSƯT Hữu Danh kể.

Clip NSƯT Hữu Danh kể về kỷ niệm với nghề hát bội:

 

Gánh hát ngày xưa cứ rày đây mai đó, ăn cơm “bữa đực bữa cái”, ngủ trên ghe nhưng kể lại, NSƯT Hữu Danh không khỏi xúc động: “Đó là những ngày đáng sống của anh em diễn viên, mỗi lần nhắc lại cứ thấy cảm giác vui mà đã lắm!”

“Có kỳ gánh hát xuống miền Tây, chúng tôi dựng sân khấu ở ruộng. Muỗi dữ lắm! Nhiều anh em hát xong phải vô mùng ngồi chứ muỗi bu đen tay, đen chân. Diễn viên là đóng đô trong mùng còn khán giả đứng xem thì họ đốt đuốc. Họ đi tấp nập trên ruộng nhìn như đi biểu tình mà đẹp lắm, ánh sáng đó cứ chớp nháy trong đêm. Nhiều người thương diễn viên đem theo nước đá, nước chanh, trái cây vô tận nơi hỏi: “Mấy con, mấy cháu có khát, có đói thì ăn uống cho lại sức. Hồi đó hát khổ không gì bằng mà vui cũng không gì bằng”, NSƯT Hữu Danh tâm sự.

Vậy rồi, người nghệ sĩ già cũng không quên kể về những tai nạn mà đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn sẽ nhớ. Đó là chuyến đi ra Hà Nội để tham dự Sân khấu thể nghiệm năm 2002. Chiếc xe cũ kỹ từ Sài Gòn chở hơn 40 diễn viên đâm sầm vào cầu vượt, đi Lạng Sơn chơi thì tông phải đôi vợ chồng nhưng may mắn không chết người, về lại Sài Gòn thì mất phanh khi đang trên đèo Hải Vân, đang chạy thì bánh xe nổ. Rồi chuyến đi diễn mà thuyền chở đạo cụ, hậu đài bị lật mất hết dụng cụ làm nghề, được người chủ đặt lịch hát cho không 3 suất diễn, chỉ diễn 1 suất để cúng kính ở đền.

NSUT Huu Danh: ‘Cha hat boi nhung con toi noi khong thich nghe’
NSƯT Hữu Danh chia sẻ với khán giả trong đêm khai mạc triển lãm Vẽ về hát Bội của nhóm hoạ sĩ trẻ

NSƯT Hữu Danh hồ hởi kể liên hồi về những tháng ngày ăn nằm với gánh hát tuy khổ mà vui, mà đáng sống. Câu chuyện hồi tưởng cứ kéo dài tưởng chừng không dứt ra được nhưng rồi vì nhớ ngày trước quá nên thấy hát bội “hết thời”, NSƯT Hữu Danh buồn nhiều.

Nói nghệ thuật hát Bội đã chết thì cũng không đúng!

Nghệ sĩ Hữu Danh khẳng định: “Mỗi năm, hát bội vẫn diễn được 150 suất, có năm thì 180 suất. Đó đâu phải là con số nhỏ đâu, chúng tôi vẫn còn diễn nhiều mà, chừng nào mỗi tháng diễn 1 – 2 suất thì khi đó mới gọi là có nguy cơ mất hẳn. Nhưng tại sân khấu, khán giả trẻ không thấy họ đâu cả, chỉ toàn người già hơn 40 – 50 tuổi”.

Ông tự trấn an mình bằng những con số để thấy rằng hát bội cũng đạt được chỉ tiêu trình diễn tối thiểu, nhưng thật sự với ông, đó chưa phải là niềm vui: “Giờ tìm khán giả hoài không ra, đêm nào hát mà 30 – 40 người đến là mình mừng rồi đó, thật sự có đêm chỉ hơn mười mấy người xem nhưng vẫn phải hát. Người diễn viên diễn ở trên nhìn xuống thấy khán giả đông đúc trong lòng phấn khởi hát rất hay. Còn nhiều khi nhìn xuống khán giả được vài người thì mình cũng hát nhưng hát cho xong, buồn lắm chứ!”

NSUT Huu Danh: ‘Cha hat boi nhung con toi noi khong thich nghe’
NSƯT Hữu Danh buồn vì hát bội đã qua thời hoàng kim

Nhưng NSƯT Hữu Danh không đổ lỗi cho người trẻ, theo ông, lớp trẻ sinh ra ở thời kỳ khác với đầy đủ những loại hình giải trí tân thời, xuất hiện khi hát bội rệu rã, cải lương dần vắng bóng thì biết đòi hỏi gì hơn. Ngay đến 2 người con của mình, NSƯT Hữu Danh cũng cười hề hà: “Tụi nó nói tụi nó không thích xem hát bội, nói ba theo nghề thì tụi con ủng hộ nhưng tụi con không thích xem. Nhiều lần ở nhà, tôi ca mấy bài nhạc buồn buồn thời trước, cũng là âm nhạc chính thống mà nó đi ngang nói ba hát chi cái nhạc nghe chán quá rồi lên lầu mở nhạc hip – hop ì đùng để nghe. Chúng tôi khác nhau nhiều, khoảng cách thế hệ xa quá!”. Có thời gian ông cũng nói con đến rạp xem ba diễn, thử đi theo gánh hát 1 lần trải nghiệm xem thì được 1 – 2 lần là con trả lời thẳng: “Con không thích”.

Ông hề hà mà sâu thẳm thì buồn, chẳng giấu được. Vì chính con mình cũng khó cảm, khó hiểu được nghề của ba thì những người trẻ khác, họ không mặn mà cũng là lẽ thường.

NSUT Huu Danh: ‘Cha hat boi nhung con toi noi khong thich nghe’
NSƯT Hữu Danh không giấu được xúc động khi có nhóm bạn trẻ có niềm yêu thích với hát bội

“Giới trẻ thích những thứ thuộc về công nghệ hiện đại còn nghệ thuật truyền thống suy cho cùng, thuyết giảng thì các em cũng chỉ ừ à vậy chứ cũng không khác hơn được. Nhà nước nếu ra lệnh để người dân đi coi, tôi nghĩ cũng không được vì thị hiếu bây giờ khác trước. Đây là một nỗi buồn lớn cho nghệ thuật truyền thống. Nếu nói gìn giữ và phát huy thì mình chỉ đang cố gắng thực hiện khâu bảo tồn, còn phát huy thì không thể làm được”, NSƯT Hữu Danh nói thêm.

“Nghệ thuật già cỗi” phải chuyển mình theo thời

NSƯT Hữu Danh kể về việc ông dùng cụm từ “nghệ thuật già cỗi” khi nói về hát bội và bị nhiều người trong nghề phản đối, cho rằng ông chê cái nghề hơn 40 năm gắn bó. “Không già cỗi sao được khi hát bội tồn tại hơn 700 năm hơn trong nền văn hoá của người Việt, yêu thương nhưng phải thực tế để nhìn nhận”, ông nói.

Cải lương xuất hiện sau hát bội, hút khách hết từ hát bội sang nhưng thời điểm hiện tại, cải lương cũng đang gặp khó thì theo nghệ sĩ Hữu Danh, hát bội mai một cũng theo quy luật chung. Nhưng ông khẳng định, thời nào cũng có người yêu loại hình nghệ thuật này: “Đó là thời kỳ của ba tôi – Hữu Thoại, thời Thành Tôn – ba của Thành Lộc và một số anh em nghệ sĩ khác: Ba Đắc, Sau Vững, Năm Đồ… nói lại, cải lương xuất hiện thì hát bội không còn đất sống nữa. Chỉ còn 1, 2 đoàn hát bội tồn tại nhưng tồn tại theo kiểu hát bội pha cải lương, thậm chí pha hò quảng để kéo khán giả tới sân khấu và có tiền nuôi quân nhưng cũng không bền. Còn nhóm hát bội của ba tôi thì yêu nghề dữ lắm, bằng mọi cách họ không hát cải lương để giữ được hát bội thuần tuý”.

NSUT Huu Danh: ‘Cha hat boi nhung con toi noi khong thich nghe’
Thông điệp hát bội được nhóm bạn trẻ lan toả

NSƯT Hữu Danh cho biết, hiện tại ông đang hướng nhiều học trò theo nghề tác giả nhưng thật sự khó vì hát bội là văn chương bác học, thể văn biền ngẫu đòi hỏi luật bằng – trắc, đối câu, đối chữ còn các em thì viết theo thể văn xuôi.

“Ví dụ: Tin ngóng tin chẳng thấy báo tin, câu dưới phải là: Đợi mãi đợi, mỏi mòn chờ đợi, để đáp ứng được thanh luật, từ đối. Còn hiện nay, tác giả đưa vô câu văn hay nhưng không đúng thể loại hát bội, ví như câu: “Kính thưa Đại Hãn, từ bờ biển Thái Bình Dương, kỵ đội ta làm trận cuồng phong tiến sang Cát Hải. Trước gió ngựa, thần chỉ thấy những kẻ thù cúi đầu sấp mặt để lại sau lưng thành quách câm lặng giữa nấm mồ hoang”. Hay đấy chứ, nhưng đó là văn xuôi không phải văn vần của hát bội”, nghệ sĩ Hữu Danh chỉ rõ.

NSUT Huu Danh: ‘Cha hat boi nhung con toi noi khong thich nghe’
Hình ảnh trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hoá cáo

Nhưng ông cho biết, theo chỉ thị hiện tại, tôn chỉ hoạt hoạt động mới của hát bội là: “Hát bội dễ hiểu, dễ nghe”. Do vậy, dù ông khó tính trong khâu viết kịch bản nhưng cũng dung hoà lại: “Đôi lúc, nhiều người thầy nói tôi đang phá loại hình nghệ thuật truyền thống nhưng nếu mình cứng nhắc thì hát bội mất thêm khán giả. Tôi giảm bớt luật bằng trắc, Việt hoá chữ Hán, viết câu mềm mượt hơn để dễ đi vào lòng người nhưng vẫn phải giữ lại lối đối giữa câu trên và câu dưới. Đôi lúc hát, tôi hay hỏi lớp trẻ có hiểu họ đang nghe gì không thì đồng loạt nói: “Hiểu”, thì đó là bước đi nhỏ để đưa hát bội gần hơn với công chúng”.     

NSUT Huu Danh: ‘Cha hat boi nhung con toi noi khong thich nghe’
NSƯT Hữu Danh cho biết hát bội vẫn có một đời sống rất khác trong thời hiện đại, dù không còn được thịnh nhưng thời gian trước

NSƯT Hữu Danh tâm sự trong tầm sức của mình, ông cũng chỉ có thể làm những điều nhỏ như thế để hằn mong giữ được hát bội trong lòng khán giả. Còn câu chuyện xa hơn, ông nói đến vai trò của Uỷ ban nhân dân, của Sở Văn hoá và Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM – các đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát bội, phải có được định hướng quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Diễm Mi

Ảnh: Vẽ về Hát Bội

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI