Hiểu để yêu hơn

23/05/2014 - 17:35

PNO - PN - “Chừng nào lớn, ba cho con theo chú Tân đi biển một chuyến nha ba!”. Trong bữa cơm tối, cả nhà đang lặng yên hướng mắt lên màn hình ti vi, xem chương trình thời sự thì Khoa - cậu con trai đang học lớp 9 của tôi lại nhắc về mong...

edf40wrjww2tblPage:Content

Những ngày này, khi Biển Đông dậy sóng, tôi biết trong lòng con cũng trỗi dậy nhiều cảm xúc đan xen. Ước mơ được một lần đi biển đã theo con trai tôi từ khá lâu rồi. Đó là năm con học lớp 2, một bữa, Tân - người em họ của tôi mang từ biển về một vỏ sò, và “xạo” sự: “Cháu đưa lên tai sẽ nghe được tiếng sóng”. Ước mơ ấy lớn dần trong con, theo những câu chuyện đẹp như… cổ tích Tân kể cho nghe từ hàng ngàn chuyến đi biển hay qua những món quà em mang về từ biển. Nào là đêm nằm trên ghe, giữa mênh mông biển nước ngắm trăng tìm chị Hằng; nào là nước ngoài khơi trong xanh nhìn thấy được cá tôm, phải tận mắt chứng kiến mới biết được… Tân chỉ đồng ý cho con tôi theo đi biển năm con tròn 18 tuổi.

Mỗi chuyến đi của Tân kéo dài khoảng một tháng. Đợt này, Tân đi mới hai tuần, chiều nào con cũng chạy sang hỏi thím - vợ Tân, bao giờ thì chú về. Con tin rằng chỉ Tân mới giải đáp hết những thắc mắc của mình trong vấn đề Biển Đông. Thử vào Facebook của con, tôi quá đỗi bất ngờ trước bức tranh bài thơ “Nam quốc sơn hà” được vẽ bằng thư pháp rất đẹp trên nền cờ đỏ thắm mà con sử dụng làm avatar. Bài thơ khiến tôi nhớ cách đây hai năm, khi con học lớp 7, cô giáo dạy văn dặn học trò tìm hiểu kỹ bài thơ để tiết sau cô giảng dạy. Con trai nhờ tôi giải thích câu “Rành rành định phận ở sách trời”. Tôi nói rằng đó là cách ví von của sự phân định về vị trí địa lý, chủ quyền từng quốc gia trên thế giới, trong đó có Tổ quốc mình. Nay trước tình hình Trung Quốc gây hấn, xâm phạm vùng lãnh hải nước ta, bản tuyên ngôn đầu tiên của nước Việt được con trang trọng đưa lên làm hình ảnh đại diện, cho thấy tinh thần và tấm lòng con đối với Tổ quốc thiêng liêng.

Hieu de yeu hon

Con thắc mắc điều gì, tôi không ngần ngại giải đáp

Gia đình tôi bao lâu nay luôn giữ nếp sinh hoạt là giải đáp một cách nghiêm túc các câu hỏi của nhau, nếu không biết sẽ hẹn dịp trả lời. Tùy lứa tuổi, khả năng nhìn nhận của mỗi người mà có cách giải thích riêng, phù hợp. Ngày con còn nhỏ, tôi không ngại mất thời gian giúp con hiểu vì sao có trứng nở được thành con gà, có trứng bị ung thối; thời tiết khác khí hậu ra sao… Con lớn lên, lượng kiến thức tiếp nhận càng nhiều, những câu hỏi cũng… hóc búa dần, đôi khi, chúng tôi phải chịu khó “chạy” theo con, tìm hiểu, tham khảo nhiều thông tin mới có thể giải đáp. Xem chương trình tư liệu, con hỏi thế nào là chiến tranh lạnh, lệnh cấm vận hoặc vì sao Phú Khánh tách ra thành hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, chúng tôi cũng phải tìm hiểu để trả lời.

Có lần, đưa con đến thăm người bạn làm nhiệm vụ giữ rừng đầu nguồn, lắng nghe những nguy hiểm trong câu chuyện chống lâm tặc, con bất ngờ chen ngang: “Sao chú không làm việc khác để bớt nguy hiểm?”. Bạn tôi bật cười: “Vì chú yêu rừng”. Trên đường về, tôi lật lại câu hỏi để con hiểu cặn kẽ thêm, rằng đất nước cần những người như chú ấy, bảo vệ rừng sẽ hạn chế thiên tai, đó chẳng những một công việc mà còn là nhiệm vụ... Ngược lại, chúng tôi cũng thường đặt những câu hỏi để con có thể tìm hiểu, tự trả lời. Chở con đi trên QL1A, tôi hỏi con có biết vì sao gọi đây là con đường huyết mạch? Còn trong những ngày này, biết con, như bao người Việt Nam khác đang hướng mắt về Biển Đông, tôi hỏi con vì sao ngư dân ta quyết tâm bám biển, mà chú Tân là một điển hình.

Gieo vào lòng con tình yêu quê hương, đất nước, để hai tiếng Tổ quốc ghi khắc trong tim, với tôi, trước hết phải để con hiểu rõ từng sự việc, bản chất của vạn vật trường tồn xung quanh. Hiểu để yêu hơn!

NGUYỄN ĐÌNH DUY (Phú Yên)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI