Sinh viên sư phạm phải hoàn trả học phí: Có chắc không 'đem con bỏ chợ'?

08/07/2019 - 07:18

PNO - Ngày 4/7, Luật Giáo dục 2019 được công bố, trong đó có điểm mới về chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, đối chiếu với thực tiễn đã có không ít điểm “vênh”.

Ngày 4/7, Luật Giáo dục 2019 được công bố nhằm thay thế cho Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Trong đó có điểm mới về chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, những quy định mới này khi đối chiếu với thực tiễn cơ chế, chính sách trong ngành giáo dục đã thể hiện không ít điểm “vênh”.

Sinh viên sư phạm bất an về việc làm

Cụ thể, luật quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ sau hai năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách miễn học phí của sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục trước đây. Tuy nhiên, những quy định mới này khi đối chiếu với thực tiễn cơ chế, chính sách trong ngành giáo dục đã thể hiện không ít điểm “vênh”.

Thầy Hoàng Văn Đồng, giáo viên Trường THCS Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng chính sách hỗ trợ học phí cho thấy sự ưu tiên ngành sư phạm với mục đích thu hút người giỏi phục vụ cho ngành. Tuy nhiên, trong tình hình nền giáo dục vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn chưa được giải quyết suốt nhiều năm qua khiến chính sách ấy không đủ hấp dẫn.

Số liệu thống kê từ các trường đào tạo ngành sư phạm cho thấy rõ thực tế sinh viên hiện nay ngày càng không mặn mà với nghề giáo. Lý do, ngoài vấn đề lương bổng, áp lực thì vấn đề việc làm sau khi ra trường khiến phần lớn sinh viên bất an. Bởi trường học cứ đào tạo, nhưng thực tế chỉ tiêu tuyển dụng rất ít, mặc dù có nhiều nơi thiếu giáo viên.

Sinh vien su pham phai hoan tra hoc phi: Co chac khong 'dem con bo cho'?

Nhu cầu ứng tuyển giáo viên luôn ở mức cao. Ảnh: Các ứng viên trúng tuyển viên chức năm 2018 được Sở GD-ĐT TP.HCM phân công nhiệm sở.

Tốt nghiệp loại giỏi ngành sư phạm ngữ văn và được hầu hết giảng viên đánh giá là năng lực tốt, dạy hay, nhưng ra trường một thời gian, thầy Trần Hoài Tuấn (hiện là giáo viên Trường dân lập Lê Lợi, tỉnh Bình Thuận) vẫn không được bố trí giảng dạy vì không có chỉ tiêu. 

Chỉ đến khi được một giảng viên có uy tín giới thiệu, thầy Tuấn mới có hạnh phúc được làm giáo viên. Thầy Tuấn cho biết, mình là giáo viên trẻ hiếm hoi của trường, bởi trường chỉ mời các giáo viên có thâm niên và uy tín hiện đang dạy tại các trường công lập lớn trên địa bàn thỉnh giảng để tạo niềm tin cho phụ huynh. Do đó, có nhiều bạn cùng khóa ra trường cách đây hai năm nhưng vẫn thất nghiệp.

Theo thầy Đồng, bên cạnh chính sách hỗ trợ học phí, điều cần quan tâm trước tiên là tạo cơ hội cho sinh viên ra trường được đi dạy. “Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn từ năm 2009, nhưng bản thân tôi phải lang thang đủ nơi, làm đủ việc, bởi hồ sơ xin giảng dạy nộp đến nơi nào cũng chỉ nhận được câu trả lời: không có chỉ tiêu tuyển dụng.

Mãi mấy năm sau, tôi thử tìm kiếm cơ hội tại TP.HCM mới may mắn được làm đúng chuyên ngành, là giảng dạy tại một trường tư thục ở Q.Gò Vấp. Do đó, nếu luật đưa ra quy định hoàn trả học phí mà không tạo cơ hội để sinh viên ra trường được làm đúng chuyên môn của mình thì thiệt thòi cho các sinh viên quá”, thầy Đồng băn khoăn.

Sắp xếp lại trường sư phạm trên cơ sở cung - cầu

hời gian qua, nhiều trường sư phạm mới được mở ra, các trường không phải là sư phạm cũng thành lập khoa sư phạm, các trường cao đẳng thì nâng lên đại học sư phạm nên đã khiến nguồn cung ngày càng thừa, nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, học sinh yếu… 

Cô Phạm Hồ Hoàng Điệp (hiện là giáo viên Trường quốc tế Canada) cho rằng, để điều luật trên đi vào thực tiễn, ngành giáo dục nên chú trọng hơn đến vấn đề chất và lượng trong đào tạo sư phạm. Cụ thể là phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, không nên đào tạo tràn lan trong khi nhu cầu thực tế về việc làm không đáp ứng kịp. Bên cạnh đó, các trường cũng nên hướng đến vấn đề kỹ năng thay cho chương trình học nặng tính lý thuyết như lâu nay vẫn làm. 

Là giảng viên Trường đại học Quy Nhơn, làm việc trực tiếp với nhiều lứa sinh viên sư phạm trong điều kiện ra trường xin việc “khó như lên trời”, thạc sĩ Lê Minh Kha không khỏi trăn trở: “Nếu đã hai năm chạy ngược chạy xuôi mà vẫn không có chỗ dạy, không có cơ hội để đứng lớp thì quy định này không khéo sẽ trở thành thứ thòng lọng khiến bao sinh viên sống dở chết dở, hoặc nó sẽ bất khả thi trên thực tế”. 

Do đó, theo thầy Kha, biện pháp chế tài hoàn trả học phí là điều cực chẳng đã mới áp dụng và chỉ nên áp dụng sau khi cử nhân sư phạm đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để có chỗ làm. Nếu không, ngành giáo dục vẫn mãi không tránh khỏi vòng luẩn quẩn “đem con bỏ chợ”. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI