Ngôi nhà thờ tự

17/05/2015 - 11:27

PNO - PN - Họ là năm anh chị em. Ngoài tên khai sinh, họ còn được cha mẹ đặt cho những cái tên dễ gọi: Một, Hai, Ba, Bốn, Năm. 39 năm trước, cha mẹ họ lần lượt qua đời, đẩy các con vào tình cảnh côi cút. Út Năm khi ấy mới 12 tuổi. Là chị cả trong nhà, Một trở thành trụ cột, chăm sóc chu toàn cho các em. Tuy nghèo khổ nhưng họ sống rất chan hòa, thương yêu nhau trong ngôi nhà rộng 21m2 (nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM) do cha mẹ để lại. Ngày út Năm tròn 18 tuổi, Một tổ chức cuộc họp gia đình, nói với các em rằng ngôi nhà cha mẹ không để lại di chúc nên nó là món quà chung, tuyệt đối phải trân trọng, giữ gìn và làm nơi thờ tự. Một đứng ra đại diện đi khai báo di sản thừa kế. Theo đó, ngôi nhà do cả năm anh chị em đồng đứng tên sở hữu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thời gian trôi. Một, Ba, Bốn lần lượt lập gia đình, ra riêng. Hai và Năm còn độc thân, đến nay vẫn sống trong ngôi nhà nói trên, hàng ngày lo hương hỏa cho cha mẹ, họ tộc. Năm 1999, ngôi nhà có dấu hiệu hư hỏng, Một về tự bỏ tiền sửa chữa với tổng chi phí khoảng 60 triệu đồng, tương đương 12 lượng vàng khi ấy.

Mọi chuyện đang yên ổn thì bất ngờ, năm 2010, một bữa Ba về yêu cầu được giữ mọi sổ sách, giấy tờ có liên quan. Ba muốn rao bán ngôi nhà để… chia năm. Bị phản đối, Ba lập tức viết đơn khởi kiện, yêu cầu được chia tài sản chung do cha mẹ để lại. Mọi người kháo nhau, Ba vốn không phải vậy, là do Ba nghe theo “giật dây” của vợ.

TAND Q.5 thụ lý vụ kiện, hòa giải nhiều lần nhưng không thành.Tòa tiến hành định giá ngôi nhà để đưa ra xét xử. Theo đó, ngôi nhà được định giá hơn 1,9 tỷ đồng, trong đó có 12 lượng vàng chi phí sửa chữa năm xưa tính theo trượt giá khoảng 400 triệu đồng. Tháng 10/2014, trong phiên sơ thẩm, TAND Q.5 tuyên xử năm anh chị em họ mỗi người được 1/5 trị giá định giá của ngôi nhà, đồng thời các em phải có trách nhiệm thanh toán cho Một mỗi người 1/5 chi phí sửa chữa tính theo trượt giá. Tuy vậy, Một trình bày rằng không muốn mất đi ngôi nhà ngày xưa đêm nào ngủ, mấy chị em cũng nằm “xếp lớp” nghe cha mẹ kể chuyện; cộng với việc nếu nhận khoản tiền chia ít ỏi, Hai và Năm không thể mua cho mình chỗ ở mới. Một đề nghị sẽ là người thối lại phần được chia cho Ba, nhằm giữ lại ngôi nhà. Tòa ghi nhận ước muốn của Một.

Cuộc chia tách đau lòng tưởng đã yên. Nào ngờ, Ba kháng cáo, bảo rằng không đồng ý với giá trị định giá của tòa sơ thẩm, bản thân Ba tự định giá “sơ sơ”, ngôi nhà được bán mức thấp nhất cũng hơn hai tỷ đồng. Ba yêu cầu bán đấu giá ngôi nhà để đạt mức lợi nhuận cao nhất. Trong phiên phúc thẩm diễn ra tại TAND TP.HCM ngày 2/4, Ba đi cùng vợ. Trước tòa, Ba khẳng định ngôi nhà có vị trí “đắc địa”, tuy diện tích không lớn nhưng “lọt thỏm” trong khu… nhà giàu, vì thế giá trị tăng theo từng tháng, từng năm. “Nói đâu xa, từ phiên sơ thẩm đến nay gần năm tháng, giờ nếu rao bán ngôi nhà cũng phải được giá cao hơn vài trăm triệu đồng. Vì thế, tốt nhất mang ra đấu giá để ai nấy đều có lợi” - Ba dõng dạc.

Ngoi nha tho tu

Tuy vậy, Ba không chứng minh được thủ tục định giá của TAND Q.5 không công tâm hoặc sai sót điểm nào; lẫn không chứng minh được giá trị… “thực” của ngôi nhà mà Ba khẳng định, nên tòa tuyên bác kháng cáo của Ba, giữ nguyên quyết định của tòa sơ thẩm.

Tòa bế mạc, mọi người ra về, riêng vợ chồng Ba nán lại níu tay vị kiểm sát viên giữ quyền công tố trong phiên tòa hỏi thủ tục “giám đốc thẩm”. Ba nói không cam lòng với bản án, vì Ba sẽ rất thiệt thòi nếu không được bán đấu giá để chia năm. Vị kiểm sát viên nghe vậy, chùng giọng: “Tôi thực buồn cho ông. Ông đã có nhà cửa, hà tất phải tranh giành, cướp của một người anh và một đứa em (là Hai và Năm - NV) một chỗ ở.

Trên cả, là người ngoài, tôi còn thấy ngôi nhà có giá trị tinh thần không vật chất nào sánh được. Đó là nơi cha mẹ ông từng ở, để lại cho các con và còn là nơi thờ tự. Bao nhiêu kỷ niệm gắn bó, ông không thấy sao? May mà chị ông đã cố gắng giữ lại. Việc giữ lại đó, tôi tin rằng còn cho cả ông luôn chứ không ai khác”. Vợ Ba cắt ngang: “Nhưng nếu để ngôi nhà lại cho bốn người họ sở hữu, vài năm nữa giá trị tăng thêm vài tỷ thì có phải chúng tôi rất thiệt không?”. Vị kiểm sát viên chỉ biết thở dài…

***

Tôi theo Hai và Năm về nhà. Hai (57 tuổi, sống bằng “nghề”… ai kêu gì làm nấy) bảo: “Không biết Ba nghĩ sao mà thay lòng đổi dạ chứ nhiều năm trước đây, trong ngày giỗ ba mẹ, chính Ba tuyên bố là ngôi nhà này hư đâu sửa đấy, có chết cũng phải giữ cho ba mẹ vui. Ba còn nói, ba mẹ không để lại di chúc có nghĩa muốn nó mãi mãi là của chung của năm chị em, không có sự phân chia tranh chấp”. Còn Năm (bán tạp hóa trước nhà) thở dài: “Từ độ đòi rao bán ngôi nhà, gần như ảnh không thèm nhìn mặt chúng tôi nữa, cũng chẳng về đốt cho ba mẹ nén nhang”.

Lẽ thường, bất kể vụ tranh chấp nào cũng có kẻ thắng người thua, kẻ được người thiệt. Nhưng, sau cuộc phân chia này, cả năm người họ, dường như đều thất bại bởi tất thảy cùng mất đi điều quý giá, lớn lao nhất là mối thâm tình, ruột thịt.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI