'Người lạc giới': mong manh đường về - Bài 1: Nỗi đau kỳ thị

09/06/2015 - 07:40

PNO - PN - “Khi phát hiện nó yêu con trai, bố chửi mắng nó thậm tệ, rồi lôi xoành xoạch lên căn phòng ở tầng bốn, xích nó lại. Mỗi sáng thức dậy, nó nhận được một bát cơm cùng nước mắm và một can nước lọc, kèm với nhiều trận...

edf40wrjww2tblPage:Content

'Nguoi lac gioi': mong manh duong ve - Bai 1: Noi dau ky thi

Jessica sau khi sang Thái phẫu thuật

Chuỗi ngày bi kịch

Sau nhiều lần dời hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng được trò chuyện với Jessica (tên thật là Nguyễn Hữu Toàn, 28 tuổi, nhà ở Q.6, TP.HCM). Ngồi trước chúng tôi là cô gái có má lúm đồng tiền xinh xinh đầy tự tin, chủ của một cửa hàng thời trang và là nơi giúp đỡ, hỗ trợ việc làm cho một số em có hoàn cảnh tương tự. Ít ai biết rằng để có được nụ cười tươi như hôm nay, Jessica phải trải qua biết bao tủi khổ, đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.

Thấy nó xúng xính trong bộ áo đầm mà tôi chết nghẹn. Hàng xóm… xúm lại coi nó như đi xem hát bội. Phải chi tôi biết nắm lấy tay con để nói với nó rằng dù con là ai, má vẫn thương con lắm, thì con tôi đã bớt đau khổ hơn.

Nhìn những ngón tay thon, Jessica nhớ lại: “Em đã từng chán ghét đôi tay thô kệch, cái ngực bằng phẳng, bởi ngay từ lúc dậy thì em phát hiện mình chỉ thích mặc đầm, cột tóc và thích ngắm các bạn trai. Lúc đó em nghĩ mình bị bệnh, em không dám nói với ba mẹ vì sợ bị la rầy. Mãi đến khi tốt nghiệp THPT, đêm ba mẹ ngủ, em lén tìm đọc các trang mạng, sách báo về tình trạng giới tính và em dần nhận ra rằng: thân xác này không thuộc về mình. Những lần trải lòng với ba mẹ đều không được chấp nhận.

Thay vào đó là những lần họ dẫn em đến các bệnh viện, thậm chí thầy bùa để chữa bệnh, trừ tà ma, bởi ba mẹ không muốn tin em lệch lạc như thế. Nhưng khát khao trở thành con gái cứ đeo bám. Em thi đậu hai trường cao đẳng của TP, cũng vào học, cũng có bạn bè, nhưng khi họ xem blog thấy em khác thường, đăng toàn ảnh giả gái, họ tách em ra khỏi các cuộc chơi. Em không chịu nổi áp lực nên nghỉ học, tự nhốt mình trong phòng hàng tháng ròng”.

19 tuổi, Jessica bước ra khỏi gia đình, tự bươn chải để được sống với con người thật của mình. Đó là những lần đẩy xe trái cây dạo, là những tối phải cố hết sức hát ở đám ma, đám cưới hay vùi đầu trong các tiệm làm tóc, trang điểm, tiệm may mà vẫn không đủ sống. Chịu không nổi với cuộc sống khắc nghiệt, cô uống thuốc tự tử, nhưng được bạn bè cứu. Thoát chết, cô lên chùa nương náu, được vài tháng lại ra khỏi chùa và tiếp tục bươn chải kiếm sống.

“Gia đình xót con nên kêu em về nhưng rất miễn cưỡng. Ban ngày, em đẩy xe trái cây bán dạo, tối lại đi hát, phụ làm tóc, trang điểm. Ba mẹ vẫn giấu kín em, tiệc tùng hai bên nội ngoại em ít có mặt, khách đến nhà chơi, em trốn biệt trong phòng, nhưng em vẫn vui vì chí ít được tung tẩy trong những bộ đồ đầy nữ tính mỗi khi đêm đến để dần thuyết phục ba mẹ chấp nhận”, Jessica tâm sự.

Chuẩn bị cho mình một cái tên thật mượt mà, nữ tính, Jessica khoe với chúng tôi: “Nếu pháp luật công nhận người chuyển giới, điều đầu tiên em làm là thay đổi tên trong chứng minh nhân dân thành Nguyễn Huỳnh Tố An để thuận tiện trong việc làm giấy tờ bảo hiểm, đi máy bay hay vay ngân hàng…”.

Tại một quán cà phê nhỏ ở Q.1, TP.HCM, cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm (tên thật là Phạm Văn Hiệp) gặp chúng tôi trong bộ váy trắng tinh, xinh xắn. Cô nghiêng người hỏi nhẹ: “Chị có thấy em đẹp không?”.

Nhìn Trâm hớn hở vui tươi, ít ai mường tượng được cô đã trải qua một quãng đời dài đầy nước mắt vì nỗi niềm “lạc giới”. Là con trai út trong gia đình có đến chín anh chị em ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, tuổi thơ của cậu bé Hiệp là một chuỗi ngày khát khao cháy bỏng được làm con gái.

Lúc dậy thì, thay vì bể giọng như các bạn cùng giới tính thì giọng Hiệp cứ trong veo. Điều này khiến cho bạn bè trêu chọc. Con trai không chơi chung, con gái thì suốt ngày chế giễu Hiệp. Tám anh chị cuộc sống khó khăn nên mỗi người đều bận bịu mưu sinh, không ai chia sẻ với Hiệp. Cậu càng trở nên cô độc, thu vào “vỏ ốc” của riêng mình.

Trâm nhớ lại: “Hồi đó, khuya nào ba má cũng dậy sớm đi bán ở chợ huyện. Nhiều lúc ba má đi rồi, tôi cũng thức luôn. Thức để nghĩ coi mình là ai? Tại sao mình lại thành một thằng không giống ai như vậy? Không trả lời được, tôi tự gạt nước mắt, lấy tập vở ra học, nghĩ phải học giỏi để bù vào khiếm khuyết của mình. Phải học giỏi để rời quê, sống đúng bản thân mình”.

Chuỗi ngày bi kịch thật sự của Hiệp bắt đầu từ năm 16 tuổi. Hiệp yêu thầy giáo dạy toán. Mỗi ngày đi học, Hiệp đều chạy theo xe thầy; trên lớp, Hiệp tìm mọi cơ hội tiếp cận thầy để rồi được thầy… thương như một đứa học trò giỏi, ngoan. Cái ngày hay tin thầy có người yêu, nhìn thầy hẹn hò… cho đến lúc hay tin thầy đã gửi thiệp cưới cho bạn bè, đồng nghiệp, không đêm nào Hiệp không khóc và cứ muốn chết cho xong. Nhưng may mắn cho Hiệp, ngày thầy cưới vợ, cũng là ngày Hiệp nhận tin đậu vào đại học nên nỗi buồn vơi đi nhiều.

'Nguoi lac gioi': mong manh duong ve - Bai 1: Noi dau ky thi

Cô giáo Trâm đang dạy học trò

Con đau một, mẹ đau mười

Hôm nay cô giáo Trâm đã mua được nhà ở Sài Gòn và rước mẹ cùng các cháu lên chung sống. Nhìn con gái út hân hoan với cuộc sống mới, mẹ Trâm nghẹn ngào: “Tôi cứ tưởng mình phải “thí” nó mất rồi. Đẻ một đứa con không giống ai, lúc nào cũng ám ảnh mình mắc tội lớn lắm. Nhìn con đau, mẹ đứt ruột chứ có thua gì! Chỉ có điều… tiếc là ngày trước, mình nhà quê, không biết cách cư xử. Nó chịu thiệt thòi đủ đường.

Năm 2006, sau những ngày phẫu thuật ở Thái Lan trở về, hay tin ba hấp hối, nó vội vã bắt xe về Bình Phước. Đến đầu ngõ, nó tần ngần không dám vô nhà. Thấy nó xúng xính trong bộ áo đầm mà tôi chết nghẹn. Hàng xóm… xúm lại coi nó như đi xem hát bội. Phải chi tôi biết nắm lấy tay con để nói với nó rằng dù con là ai, má vẫn thương con lắm, thì con tôi đã bớt đau khổ hơn”.

Chị Lê Thị Th., một giáo viên tiểu học có con đồng tính ngậm ngùi: “Đêm hôm đó, vợ chồng tôi thức trắng khi phát hiện thằng Đ. yêu đàn ông và hay chát chít với những người lạ. Chưa bao giờ chồng tôi uống rượu nhưng lần đó ổng đã say. Còn tôi chỉ biết đuổi theo những dòng suy nghĩ miên man.

Tại sao lại xảy ra những chuyện này? Tôi luôn đinh ninh rằng mình hiểu con nhất, nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy không hiểu được thằng bé. Lòng tôi lại đè nặng những câu hỏi lớn: Tôi phải làm gì đây? Ngày mai con thức dậy, sẽ đối mặt với con thế nào? Chẳng lẽ đánh con? Nhìn về phía chồng, tôi cũng tự hỏi lòng: Rồi ông ấy sẽ đối xử với con như thế nào?

Tôi đưa con đến các bệnh viện thử máu, xét nghiệm hormone rồi xuống tận Đồng Tháp để tìm thầy cúng “đuổi người nữ” ra khỏi thân xác con, nhưng vô vọng. Cuối cùng, chúng tôi đã hành động một cách mù quáng, để rồi con càng đau đớn. Chúng tôi hay rầy con là đồ sâu bọ. 10 năm, mẹ con tôi đã trả cái giá quá đắt khi trượt dài trên những sai lầm và chịu đựng chuỗi ngày đau khổ”.

Vẫn còn nhiều người đồng tính còn bị kỳ thị, đường đời vẫn chưa rộng mở. Trong số những em bị đẩy ra đường, có nhiều em cô đơn, trầm cảm nặng và thường tự hủy hoại cơ thể.

Chiều, khi cơn mưa đầu mùa ghé qua Sài Gòn rồi vụt tắt, xoay tách cà phê, Trần Mỹ Vy thu mình lại trong chiếc ghế salon, bộc bạch: “Cuộc đời của em có thể ngừng lúc nào không biết vì em không còn gia đình, bố mẹ đã từ bỏ và em phải kiếm sống bằng công việc tệ hại”. Vy 21 tuổi nhưng vẻ bề ngoài từng trải. “Khi bắt đầu dậy thì, em yêu anh hàng xóm và đi học chỉ thích mặc đồ bóng bẩy, bó sát nên bị các bạn nam trong lớp cô lập và chọc ghẹo.

Một lần, em mặc áo tay bồng đi học, cô giáo yêu cầu em đi thay áo cho giống các bạn nam trong lớp, nhưng em nhất quyết không nghe lời. Em không được sự đồng tình của thầy cô và các bạn nên em trốn học. Khi bố phát hiện ra chuyện nghỉ học, lôi em ra đánh thừa chết thiếu sống. Mỗi lần đánh đập, bố lại hét “Tao không chấp nhận một thằng đồng tính trong nhà, tao sinh mày ra là con trai đàng hoàng, tại sao mày lại bệnh hoạn như vậy? Mày đã làm khổ gia đình này, xấu hổ dòng họ”. Dù da thịt em đã ăn bao nhiêu vết roi nhưng em vẫn thấy thương bố vì có ai sinh con ra mà muốn con vậy đâu. Mẹ là người đau lòng nhất, thường âm thầm đi nhờ thầy cúng cho em hết “bệnh”. Ngay cả em, cũng chẳng hiểu tại sao em chỉ thích đàn ông”.

Nỗi đau mỗi lúc càng nặng nề, bị hàng xóm gọi “pê-đê” đầy miệt thị, Vy bỏ nhà vào TP.HCM. Sống lang thang trên đường phố, tối ngủ ngoài công viên, nhưng để kiếm sống mà không phải làm chuyện xấu, Vy lại lần mò đến các trung tâm tìm kiếm việc làm. Bao nhiêu thời gian và nỗ lực xin việc đều thất bại.

“Lúc đầu, em xin làm tiếp tân cho các nhà hàng, trung tâm tổ chức tiệc cưới, nhưng họ từ chối vì “nhân viên khách sạn phải có hình thức nam ra nam, nữ ra nữ". Em xin rửa chén bát ở các tiệm cơm vỉa hè cũng bị xài xể. Có người chửi thẳng vào mặt là ở đây không mướn pê-đê. Cuối cùng, em đành phải bán dâm cho đồng tính nam. Những ngày Sài Gòn trở mưa, đường phố vắng tanh, nhớ nhà, em gọi điện thoại về quê… nhưng nghe giọng em, bố gào lên “mày gọi về nữa là tao lên máu mà chết”.

Cánh cửa quê nhà hẹp lại, đêm Sài Gòn, đường phố rộng thênh thang, Vy lại lao đi trong vô định...

(Còn tiếp)

THU HỒNG - NGHI ANH - THANH KHÊ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI