Bố bị con 'đá văng' khỏi Facebook

17/06/2017 - 06:30

PNO - Thay vì lên án một hành động ngớ ngẩn của con, sao không thử một lần... ngớ ngẩn cùng nó để hiểu được lý do dẫn đến việc ngớ ngẩn ấy là gì.

Điểm tin buổi sáng, vô tình nhặt được bức ảnh chụp màn hình đoạn chat này trên mạng, tôi bật phì cười suýt văng cả cà phê lên “xì mát phôn”. 

Bo bi con 'da vang' khoi Facebook

Và đây là nội dung đoạn chat:

Em: Em tìm được face của bố rồi
(Một đường link dẫn đến tài khoản facebook của một ông bố)

Chị: Ngon =))
Em: Em block rồi

Em: Chị block đê
Chị: Ok =))))

Em: Thế nha
Chị: Oke

Cứ tưởng tượng vẻ mặt của ông bố “số nhọ” khi biết được câu chuyện này, sẽ ra sao nhỉ? Tôi không hình dung ra được. Tôi đang mải cười và cám cảnh cho thân phận làm bố của mình. Lại là bố của một cô con gái đang độ tuổi ẩm ương nữa mới chuẩn. 

Trong một suy nghĩ thoáng qua đầu, tôi không khỏi chạnh lòng tự hỏi, liệu có bao giờ chính mình cũng đang bị “kỳ thị” bởi đứa con gái “dở hơi không thèm biết bơi” của mình hay không? Dễ lắm chứ. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng từng méo mặt rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Có anh còn bảo rõ là biết nick facebook, email và số điện thoại của con, nhưng tìm banh mắt trên facebook cũng không tài nào “lùng” ra được hắn. Chỉ còn cách lập một nick ảo thì may ra mới leo tường vào tài khoản của hắn để đọc mọi suy nghĩ thầm kín mà hắn viết cho cả thế giới đọc, trừ mình.

Hay thật, rõ ràng mình là bố của hắn, giấy khai sinh có tên mình, sơ yếu lý lịch có tên mình, mọi thể loại đơn từ, giấy tờ, thậm chí là thiệp báo hỷ sau này của hắn cũng có tên mình, thế mà friend list của hắn lại... không hề có tên mình. Thiệt nhục! 

Còn nhớ trong một lần trà dư tửu hậu, tôi hỏi hắn:

- Bọn trẻ bây giờ có những cái khó hiểu lắm nhé, bố không lý giải được, đành phải mang ra hỏi con.

- Ô kê, bố cứ tự nhiên.

- Như cái chữ “gì” í, sao bọn con cứ phải ghi là “j”? Rồi hằm bà lằng các ký tự viết tắt như vk, ck, qtqđ, cmnr, omg... đọc cứ như mã code í. Bố là bố dị ứng các kiểu viết như vậy lắm đấy. 

Mặt con bé tối sầm lại:

- Bố có biết tại sao người ta hay bảo “khoảng cách hai thế hệ không”? Là vì giữa cha mẹ và con cái không có được tiếng nói chung. Nếu thực lòng muốn làm bạn với con mình, thì cha mẹ phải hiểu con như chính đứa bạn thân của nó vậy.

Như chuyện này, bố có thể hỏi rằng vì sao bọn con hay dùng ngôn ngữ teencode, để hiểu lý do, thay vì khẳng định là bố dị ứng với nó. Bố đã dị ứng thì làm sao con có thể nói về nó một cách bình thường được?

Tôi giật mình nhận ra mình đã lỡ lời. May mắn là con bé “phổi bò” cũng không để bụng. Và nhờ vậy tôi mới hiểu lý do các bạn teenager thường sử dụng ngôn ngữ teencode. Đó chẳng qua là ở thời đại truyền thông, tốc độ soạn thảo văn bản luôn phải chạy đua với tốc độ tiếp nhận thông tin, và các con chọn cách viết tắt cũng là để chuyển đi những thông điệp của mình nhanh nhất đến người tiếp nhận.

Thú vị hơn là lý do chữ “j” được thay thế cho từ “gì”, bởi trong bộ chữ cái có sẵn trên bàn phím, J là ký tự ít được sử dụng nhất. Vì vậy cái phím có chứa chữ J lúc nào cũng mới keng xà beng, hoàn toàn lạc lõng với những phím khác.

Thế là các teenager đã nghĩ ra cách này để chữ J cũng được “đồng bộ hóa” với bạn bè xung quanh. Khi biết được điều này, tôi đã không khỏi giật mình, hóa ra bọn trẻ đâu có nhạt và vô cảm như báo chí vẫn hay cảnh báo?

Nhắc lại câu chuyện này, là bởi sự việc hai chị em nhà nọ chặn facebook của bố, khiến tôi nhớ đến “khoảng cách hai thế hệ” mà cô con gái đã từng thẳng thắn góp ý với mình. Muốn làm bạn với con và lọt vào friend list của nó, mọi ông bố bà mẹ phải học cách lắng nghe để thấu hiểu, như đứa bạn thân mà nó vô cùng quý mến vậy.

Và thay vì lên án một hành động ngớ ngẩn của con, sao không thử một lần... ngớ ngẩn cùng nó để hiểu được lý do dẫn đến việc ngớ ngẩn ấy là gì. Biết đâu bạn sẽ lại tiếp nhận thêm một điều thú vị, và ồ lên thích thú: hóa ra người ngớ ngẩn từ trước đến nay là mình mới phải. 

Bố Teen

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI