Góc nhìn khác về đề tài đồng tính

19/02/2016 - 16:50

PNO - Khai thác những góc khuất, trăn trở của người đồng tính, hai vở Một nửa đàn bà và Một nửa đàn ông có góc nhìn nhân văn về giới tính thứ ba.

“Đã khá lâu, sân khấu mới có những vở diễn đề tài đồng tính không bị sa đà vào mảng miếng, tiếng cười, ít nhiều đã chạm được vào cảm xúc của người xem. Khai thác những góc khuất, trăn trở của người đồng tính, hai vở Một nửa đàn bà và Một nửa đàn ông có góc nhìn nhân văn về những người thuộc giới tính thứ ba. Sân khấu đang rất cần những vở diễn mang hơi thở cuộc sống như thế”. Đó là nhận xét của đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc - thành viên hội đồng phúc khảo (Sở VH-TT TP.HCM) về hai vở diễn mới của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi.

Vài năm trước, sân khấu Hồng Vân khá thành công với Chuyện của sao - vở diễn sâu sắc, ý nghĩa về người đồng tính. Nhưng những vở tiếp theo về đề tài này như Xóm trọ 3D hay mới nhất là Cà phê 3D lại chưa “đắt” nên chưa để lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Goc nhin khac ve de tai dong tinh
Một nửa đàn bà và Một nửa đàn ông có cách nhìn mới và nghiêm túc về người đồng tính

Đi sau, “bà bầu” Trịnh Kim Chi tỏ ra khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của người xem. Một nửa đàn bà “hé mở” một phần thế giới nội tâm của người chuyển giới và bi kịch họ phải hứng chịu trong cuộc sống. Họ cũng như những người bình thường, cũng khát khao yêu thương và được yêu thương, nhưng hạnh phúc với họ chỉ như những chiếc bong bóng xà phòng, dễ vỡ.

Họ bị kỳ thị, khinh miệt ngay trong chính gia đình, bị xã hội xa lánh, bị những kẻ được cho là những người bình thường lợi dụng cả tình lẫn tiền… Bế tắc, không lối thoát nhưng từ trong bóng đêm họ vẫn mạnh mẽ đứng lên.

Một nửa đàn ông là bi kịch của một gia đình, khi người chồng phát hiện thứ tình cảm rất khác lạ của mì nh với chàng thanh niên miền sơn cước. Người đàn ông tưởng đang hạnh phúc với cảm giác sắp được làm cha phải trải qua tháng ngày đau đớn, dằn vặt với câu hỏi phải sống sao để không làm tổn thương những người mì nh yêu thương, nhưng vẫn được là chính mình.

Hai vở khá thành công khi khai thác được sự giằng xé trong lòng người thân của người đồng tính. Người xem rơi nước mắt trước nỗi khổ của người mẹ khi phải chứng kiến hai con cấu xé nhau, vì người con có học thức, địa vị xã hội không chấp nhận mối quan hệ khác thường của em trai. Đó còn là cảm giác chới với, thảng thốt của người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng khi biết tình địch của mình là một người đàn ông.

Không sử dụng những câu thoại ngoa ngoắt, kiểu đi đứng ngúng nguẩy... của những người thuộc thế giới thứ ba như thường thấy ở nhiều vở đề tài đồng tính, hai vở diễn này được dàn dựng đậm phong cách tâm lý xã hội, với nhiều đoạn diễn làm người xem rưng rưng. Những lớp hài chỉ điểm xuyết cho tổng thể giúp vở diễn nhẹ nhàng dễ xem hơn.

Một nửa đàn ông có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ gồm Tấn Thi, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Tú Sương, Tấn Nhã… nhiều kinh nghiệm diễn xuất, thể hiện tâm lý nhân vật đầy đặn, giàu cảm xúc. Một nửa đàn bà với hầu hết nhân vật người chuyển giới do chính những người chuyển giới đảm nhận.

Trong đó, vai chính được giao cho Ngọc Trần - một trong những tên tuổi của cộng đồng LBGT (cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới), người sáng lập nhóm ICS (tiền thân của trung tâm ICS) và hiện điều hành một diễn đàn dành cho người chuyển giới. Có lẽ vì vậy, người xem cảm giác các diễn viên đang kể lại câu chuyện của chính cuộc đời mình.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI