Bác sĩ riêng

29/01/2015 - 19:29

PNO - PN - Có cách nào để có một bác sĩ (BS) “riêng” không? Dễ mà không dễ! Thường chỉ khi đau ốm hoặc bệnh đã nặng rồi thì người ta mới vội vàng chạy kiếm BS, may nhờ rủi chịu. Đặc biệt với người già hay đau yếu bệnh hoạn,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thật không may nếu gặp một BS “lạnh lùng”, thiếu tâm lý chăm sóc người cao tuổi, thích hù dọa, thích bày vẽ làm cho hoảng sợ thêm, hoặc dụ dỗ mê tín vào một thứ thuốc tiên, thuốc thánh, một thứ máy móc tân kỳ “nhảm nhí” nào đó… trong khi vấn đề chính của người già khi đau ốm là sức khỏe tâm thần - bên cạnh thể chất đương nhiên đã phải suy yếu theo thời gian. Cách nào để có một BS “riêng” cho người già trong nhà là vấn đề nên nghĩ tới sớm. Ngày nay, nhiều BS chịu đến nhà, nhiều phòng khám cử người đến chăm sóc người bệnh tại nhà. Đây là một điều tốt. Vấn đề là chọn BS.

BS “riêng” ở đây phải là một BS thân quen gần gũi với gia đình, gắn bó lâu năm - có khi qua nhiều thế hệ - được sự tin cậy của gia đình chớ không phải bất cứ BS nào. Vị BS đó không chỉ biết rõ bệnh tật mà còn biết rõ tâm tính, hoàn cảnh… từng người trong gia đình, đặc biệt với người già. Họ không chỉ chữa trị các bệnh thông thường (đến 90% các trường hợp) mà còn quan tâm đến sức khỏe thể chất, tâm thần, cảm xúc… của từng thành viên. Và khi cần, chính họ sẽ giúp có những quyết định đúng đắn hoặc gửi đến chữa trị ở một chuyên khoa sâu nào đó để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Bac si rieng

Nếu đến lúc có bệnh rồi mới chạy đôn chạy đáo đi tìm BS, nhắm mắt đưa chân thì không hay. Có một BS “riêng” như vậy thì ta có thể yên tâm, không bị động. Đặc điểm của BS “riêng” là sự gần gũi, tin cậy, chớ không phải chỉ gọi khi ốm đau để rồi “hết bệnh quên thầy”!

BS “riêng” của gia đình không phải là BS gia đình. BS gia đình là một ngành y học mới phát triển gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện, chăm sóc ban đầu (primary care) rất thịnh hành ở các nước phát triển và cũng đã bắt đầu hình thành gần đây ở nước ta.

Với những tiến bộ của y học, ngành y có khuynh hướng chia bệnh tật con người thành những chuyên khoa sâu, manh mún, quên đi con người là một tổng thể hài hòa, và sức khỏe không chỉ là không có bệnh hay tật, mà là sự sảng khoái (well-being) cả về thể chất, tâm thần và xã hội như đã biết. BS gia đình do đó cần đáp ứng toàn diện nhu cầu này.

Các nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân chính là một “phương thức trị liệu” hiệu quả nhất. Sự tin tưởng giúp giảm bệnh đi một nửa, đồng thời giúp người bệnh tuân thủ điều trị nửa còn lại kia nên dễ thành công.

BS “riêng” nên là một BS tổng quát, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, giải thích đầy đủ và dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm… Họ biết quan tâm tới nỗi khổ bên cạnh nỗi đau của bệnh nhân. BS “riêng” cũng là một BS tư vấn, tham vấn cho gia đình chứ không chỉ can thiệp khi có bệnh tật.

Có người chọn một BS “mát tay” qua lời giới thiệu của bạn bè, có người chọn một BS “hạp tuổi”, có người lại tình cờ mà gặp trong một buổi họp mặt, một tiệc cưới rôm rả nào đó…

Và dĩ nhiên cần có thời gian để mối giao tình trở nên thân thiết và tin cậy.

 Bác sĩ

ĐỖ HỒNG NGỌC

Già nhưng vẫn khỏe, vẫn vui; già nhưng không ai dám bảo mình già. Những chia sẻ thú vị, dí dỏm được nhìn dưới góc độ nhân văn và khoa học của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong chuyên mục mới Một tuổi già hạnh phúc sẽ mang đến cho bạn đọc cách nhìn, cách nghĩ mới về những người-không-chịu-già. Bạn đọc có thể gửi thắc mắc của mình để được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời về bí quyết già mà vui, khỏe qua địa chỉ: tuoigiahanhphuc@baophunu.org.vn.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI