Ước mơ có nhà không dột của những đôi chân đau

17/07/2019 - 07:30

PNO - Chị nghiêng người nhấc chân đau bước lên thềm gạch. Thấy tôi đưa máy ảnh, chị nheo mắt cười, khoe: “Bữa nay được nhận tiền làm nhà, bảy chục triệu, số tiền quá lớn đối với tui. Tui cảm ơn vô cùng”.

Chị nghiêng người nhấc chân đau bước lên thềm gạch. Thấy tôi đưa máy ảnh, chị nheo mắt cười, khoe: “Bữa nay được nhận tiền làm nhà, bảy chục triệu, số tiền quá lớn đối với tui. Tui cảm ơn vô cùng”.

Tôi sắp có cái nhà không dột thiệt rồi!
Chị là Trần Thị Cẩm Lệ, 51 tuổi, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, H.Cần Giờ, bị loãng xương, thoái hóa cột sống và rối loạn tiền đình. Chị nói, mình đang cạn dần sức làm việc mà kinh tế gia đình thì quá khó khăn. Ruộng lúa mỗi năm một vụ, chẳng thu được mấy đồng. còn chồng chị, anh Trần Văn Tiệp, 55 tuổi, làm phụ hồ, bữa đực bữa cái. Vợ chồng cậu con trai lớn sang Đồng Nai xin làm công nhân, bỏ lại đứa con nhỏ cho chị chăm bẵm từ lúc mới lọt lòng. Con trai thứ hai vừa đi nghĩa vụ quân sự về, đang tính đường học nghề. 

Uoc mo co nha khong dot cua nhung doi chan dau

Chị Trần Thị Cẩm Lệ nhận tiền tài trợ làm nhà

 

Căn nhà của chị Lệ đang trú ngụ xây từ năm 2005 với bốn bức tường gạch nay đã cũ nát, mái tôn mục thủng lỗ chỗ, mỗi khi trời mưa, nước đổ xuống khắp nhà. Chị mơ ước có một căn nhà… không dột, nhưng ước mơ cứ tan dần theo bệnh tật ngày càng nặng và thiếu thốn triền miên.

“Mọi chi tiêu, thuốc men của ba ông bà cháu đều dựa vào đồng lương phụ hồ của ổng. Mấy hôm nay, bàn tay phải của ổng bị xi măng ăn quá, đến vặn cái nút chai cũng không nổi. Còn tay phải của tui khi không nhức buốt vô xương, giờ cầm nắm cũng khó. Nhưng thương nhất vẫn là đứa cháu nội, mới 28 tháng tuổi mà phải chịu cảnh mưa gió bão bùng. Vào những ngày mưa, tui phải bọc nó vô áo mưa cho đỡ ướt để ngủ” - chị Lệ chia sẻ. 

Thứ Bảy, 13/7 vừa qua, Hội Phụ nữ Công an TP.HCM và Trường đại học Y dược TP.HCM đã phối hợp về Bình Khánh thực hiện ngày hội “Vì nhân dân phục vụ” và trao tiền hỗ trợ làm nhà cho chị Lệ. Chị rưng rưng: “Vợ chồng tui mừng quá, mấy đêm nay chẳng chợp mắt được. Tôi sắp có cái nhà không dột thiệt rồi”. 

Những đôi chân đau đi tìm bác sĩ
Trải qua hai chặng xe buýt, bà Bùi Thị Mười, 66 tuổi, mới tới được Nhà Sinh hoạt văn hóa ấp Bình Lợi, xã Bình Khánh - nơi các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Bà nói: “Tui ráng tới làm thủ tục để được cấp giấy căn cước công dân và nhờ bác sĩ đo tim với coi cái cẳng giùm. Năm ngoái, đầu óc choáng váng, tui bị té, bàn chân trái vẹo hẳn sang phải”. Hỏi đi bệnh viện lần nào chưa, bà cười: “Chưa cô ơi, cái cẳng trái nhức từ gối xuống, tui lê lết miết thôi. Mấy nay khó ngủ quá, cảm giác mệt tim và hồi hộp, ăn cũng không vô”. 

Sau khi được bác sĩ khám, bà Mười ngồi bệt xuống bậc thềm, nheo mắt đọc chẩn đoán của bác sĩ và săm soi bịch thuốc mới nhận rồi tặc lưỡi: “Bị tim, hạ canxi, đau nhức xương. Nhiều bệnh quá. Chữa chắc cực lắm đây. Nhưng tui uống bịch thuốc này đã rồi tính”. 

Uoc mo co nha khong dot cua nhung doi chan dau

Bà Bùi Thị Mười

 

Cũng đến với sự kiện “Vì nhân dân phục vụ” để được khám bệnh và làm căn cước mới, chị Sok Dâu, người Khmer, ở ấp Bình Lợi, xã Bình Khánh phải tìm chỗ cao ngồi để duỗi thẳng chân cho đỡ đau. Trước đây, chị theo nghề làm móng dạo, suốt 16 năm ròng ngày nào cũng lội bộ hàng chục cây số từ sáng đến tối. Đến năm 2015, chị được Hội Phụ nữ địa phương hỗ trợ vốn, được dạy nghề và tặng máy may, nên chuyển sang nghề may gia công quần áo và thú nhồi bông, kiêm bán trứng vịt lộn, nước giải khát tại nhà, chồng đi phụ hồ, kinh tế gia đình nhờ vậy mà dễ thở hơn.

Nhưng chị không hiểu đôi chân của mình vì sao ngày càng đau, bả vai ngày càng nhức. Nghe tin có đoàn y bác sĩ về xã khám bệnh, chị đã sắp xếp công việc gia đình để đến gặp bác sĩ. Khám xong, chị Sok Dâu hớn hở: “Bác sĩ nói bệnh mình không nghiêm trọng, chỉ cần nghỉ ngơi nhiều chút là được”. 

Sẽ có thêm nhiều Ngày hội “Vì nhân dân phục vụ” 
Đoàn công tác của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM về Bình Khánh lần này có nhiều bác sĩ chuyên khoa dày dạn kinh nghiệm như bác sĩ Phạm Văn Tấn - Phó giám đốc bệnh viện, bác sĩ Vũ Hồng Thịnh chuyên khoa tiết niệu, bác sĩ Huỳnh Nghĩa khám các bệnh về máu, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam khám những triệu chứng về đau tức ngực, bác sĩ Phạm Anh Tuấn khám về thần kinh… Khu vực khám bệnh, cấp thuốc mỗi lúc một đông. Sau khi khám, một số bệnh nhân còn được nhận thêm sữa.

Uoc mo co nha khong dot cua nhung doi chan dau
Làm thủ tục cấp giấy căn cước cho người dân

Bác sĩ Phạm Văn Tấn bộc bạch, 2019 là tròn 30 năm các thế hệ bác sĩ của bệnh viện tham gia những hoạt động thiện nguyện vì sức khỏe người dân. Ông hy vọng sắp tới sẽ có dịp phối hợp cùng Hội Phụ nữ Công an TP.HCM thực hiện thêm nhiều ngày hội “Vì nhân dân phục vụ” như thế này nữa.

Ngày hội “Vì nhân dân phục vụ” đã làm thủ tục cấp 60 căn cước công dân; khám bệnh và cấp phát thuốc cho 150 người; trồng 100 cây xanh; tặng 2 xe đạp, 50 nón bảo hiểm và ba-lô cho các em học sinh; trao 200 áo phao cho người dân; tặng 50 phần quà cho các gia đình chính sách… Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 230 triệu đồng. 

MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI