Giữ chút 'ngày xưa' cho lũ trẻ

26/02/2019 - 06:00

PNO - Đối với nhiều đứa trẻ bây giờ, phải là cao ốc mát rượi máy lạnh, rạp phim hoành tráng, khu vui chơi nhiều máy móc, game thì mới là “chuẩn không cần chỉnh”.

Hôm ấy, tôi có dịp đi biển với đồng nghiệp. Ở cái xóm chài nhỏ, nơi người ta đi thuyền về và tập trung ở đó gỡ lưới, từng con cá lớn bé được bỏ vào thau, bán mớ rất rẻ. Ngay lúc đó, tôi nghĩ tới con mình, tiếc nuối vì tụi nhỏ không có cơ hội được xem những thứ hay ho này. Bao nhiêu cá tôm quen lạ khác nhau, mà đâu phải lúc nào, trong chợ hoặc siêu thị người ta cũng có dịp nhìn thấy chúng còn sống, bơi lội tung tăng thế này. 

Giu chut 'ngay xua' cho lu tre
Ảnh minh hoạ

Tôi cũng như nhiều ông bố bà mẹ khác, thấy cái gì hiếm hoi, là lạ đều mong chia sẻ khoảnh khắc lý thú ấy với con mình. Thế nhưng, đã bao giờ bạn cảm thấy tràn ngập thất vọng khi đang lái xe qua cây cầu xây cao đẹp đẽ, cảnh vật hùng vĩ bao la hoặc xanh rì cây cối chưa? Đó là lúc bạn hào hứng bảo con “hay quá kìa, các con tranh thủ ngắm đi!” thì chúng thờ ơ trả lời “có thấy gì hấp dẫn đâu mẹ”.

Đối với nhiều đứa trẻ bây giờ, phải là cao ốc mát rượi máy lạnh, rạp phim hoành tráng, khu vui chơi nhiều máy móc, game thì mới là “chuẩn không cần chỉnh”. Còn lại, những thứ thuộc về thiên nhiên thì quên đi nhé, nếu không muốn bị con cái càu nhàu, cười cợt là cha mẹ lẩm cẩm.

Tuổi thơ bây giờ khác nhiều lắm rồi, mà chúng ta, những bậc cha mẹ của thời xưa, cứ muốn nhắc nhớ hoài về cái thuở mình bé nhỏ. Sống ở quê. Có sông có cánh đồng. Có ổ gà đang ấp, nở ra bầy con nhỏ xíu, êm mượt như nhung, vàng óng ánh. Có đom đóm lập lòe những đêm đầy sao, chi chít những mơ mộng ngớ ngẩn tận thiên hà. Bầu trời rất cao, xanh ngắt, họa hoằn có một chiếc máy bay ngang qua, xa tít mù trong ao ước khát khao “biết đến khi nào…”.

Bây giờ, làm siêng mà kể với con, chính là bắt chúng “chịu đựng” ngồi nghe về mấy cái nhà chòi, về chơi đồ hàng hay đá cỏ gà, hái bông súng, rau dừa, cái bắp chuối… Tất cả đều lạ lẫm. Hình như có vẻ… chẳng thật lắm về cá lóc, cá rô nhoi lên bờ sau mấy trận mưa đầu mùa. Về tép trấu, tép rong có thể dễ dàng xúc được ở mương rạch gần nhà, nhiều vô kể, nhảy tanh tách hồn nhiên.

Có một lần, cô bạn gái trẻ chung cơ quan tôi ngạc nhiên hỏi rằng, mộng dừa là cái gì vậy? Ăn được ư, có ngon không, sao chưa gặp ai bán bao giờ? Cô ấy được sinh ra và lớn lên ở thành phố, quanh quẩn mấy tòa cao ốc nên chả trách cô chưa từng thấy trái dừa khô nảy mầm, với cái mộng dừa trắng muốt ngọt lịm nằm bên trong quả. Ngay cả con vịt, con bò cũng chỉ thấy… còn sống trên ti vi hay sách báo. Thậm chí đừng ngạc nhiên đến bật cười khi còn có đứa trẻ tả con gà đang nằm trên dĩa, bóng lưỡng, căng tròn, mỡ màng nữa kìa.

Giu chut 'ngay xua' cho lu tre
Ảnh minh hoạ

Cuộc sống hiện đại lắm rồi, chẳng còn đâu đó bà già tên Chè ở quê, bán bánh kẹo, tạp hóa, tưởng như gian hàng ấy chẳng thứ gì là không có. Thêm cuốn sổ ghi nợ và cả những hàng phấn trắng chi chít trên cửa trên vách. Giờ từ tuổi thiếu niên thôi, bọn trẻ đã biết đặt hàng online, mua quà vặt trên ứng dụng và xài đồ công nghệ nhoay nhoáy. Biết ngôi sao nào đang nổi, cô gái nào xinh đẹp “hot” trên mạng xã hội và những đồ đạc phục sức gì nhất định phải khoác lên người… Còn lại, ấu thơ vỏn vẹn trong cái thiết bị thông minh, mấy quán cà phê sân vườn cuối tuần, dăm đợt dã ngoại trong năm cha mẹ cố gắng thu vén cho con. Rồi vùn vụt qua nhanh trong nuối tiếc của người lớn, chứ không phải của lũ nhóc ấy...

Để khi đứng ở một mảnh vườn, khúc ký ức thân thương nào đó dẫu chẳng còn vẹn tròn, ông bố bà mẹ nén tiếng thở dài, không biết mình phải làm sao để nâng niu, níu giữ chút ấu thơ “ngày xưa” cho lũ trẻ nhớ rằng cuộc sống đã từng... 

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI