Thà rằng làm mướn…(*)

20/03/2013 - 16:30

PNO - PN - Kính gửi chị Hạnh Dung!

Em đã 42 tuổi, đôi lúc nghĩ lại cuộc đời mình, không muốn mà nước mắt cứ trào ra. Em thương anh từ lúc 26 tuổi, hai đứa có một lễ cưới sơ sài rồi em về nhà anh làm dâu.

Tha rang lam muon…(*)

Em ít học, chỉ có nghề làm tóc, nên nhà chồng biểu sao làm vậy, cũng không đăng ký kết hôn. Một năm sau, chưa có con thì anh vướng vào một vụ đánh lộn. Người bị đánh là hàng xóm, chết trong bệnh viện. Em trai anh lãnh án hai năm tù, còn anh đứng ra nhận tội thay cho em trai nên lãnh án chung thân. Từ đó em sống trong nhà chồng như người thừa. Em gái chồng mượn em số tiền lớn, hẹn một tuần mười ngày trả nhưng rồi không trả. Em đòi một lần, hai lần không được, có nói với ba má chồng thì cả nhà chồng xúm lại mắng mỏ em, đuổi ra khỏi nhà. Em về nhà mẹ ruột ở. Trước đây, khi ở nhà chồng, một tuần em thăm nuôi chồng em một lần. Từ khi về nhà mẹ ruột, em giận nhà chồng nên không đi thăm nuôi nữa. Em có kể với chồng chuyện tệ bạc của nhà anh thì anh nói “anh coi cha mẹ như đầu, anh em như tay chân, vợ như quần áo”. Em rất buồn. Số tiền em dành dụm, họ lấy không của em, giờ em phải tự bươn chải kiếm sống. Con cái thì không có, em nuôi chồng trong trại đã 13 năm rồi, không muốn nuôi thêm 18 - 20 năm nữa rồi đến lúc ra tù về lại gia đình chồng, ở với những người đã đối xử với em quá bạc. Em cũng muốn tìm hạnh phúc của mình, muốn xin đại ai đó một đứa con để hủ hỉ cho vui lúc tuổi già, nhưng lại sợ mình ăn ở vậy không phải đạo. Mong chị cho em lời khuyên.

Trần Thị Thương (Thốt Nốt)

Em Thương mến,

Phụ nữ mình thường nặng tình nặng nghĩa, như em đã mang cái gánh nặng ấy suốt mười mấy năm qua. Hạnh Dung nghĩ, lẽ ra trước một tấm chân tình như em, người chồng trong trại giam kia phải hạnh phúc lắm, phải cố giữ cho bằng được người vợ thảo hiền, cố gắng tu dưỡng tốt để sớm trở về với em. Câu “vợ như quần áo” cũng đã nhiều người nói, nhưng trong hoàn cảnh này, nói vậy thì em còn biết trông cậy vào đâu được nữa.

Em và chồng không đăng ký kết hôn, thời gian sống chung ngắn, nay lại sống ở nhà mẹ ruột, những mâu thuẫn trong thời gian qua cho thấy gia đình chồng không hề thông cảm với em, dù em đã dành hết cả thời xuân sắc để làm tròn phận sự dâu con. Khoản tiền cho em chồng vay mượn, em cứ từ tốn nhưng thẳng thắn nhắc nhở, đừng nổi nóng gây gổ. Đòi lại được thì tốt, nếu không đòi được, em cũng đừng tiếc tiền đến nỗi phải trở lại nhà chồng làm dâu, hay gây gổ quậy phá. Mình làm ra tiền được, mất tiền có thể coi như một sự hy sinh của mình. Ở đời có vay có trả, em cũng nên tin vào sự công bằng của lẽ đời, một lúc nào đó, họ sẽ phải thấy điều đó, em ạ…

Em đã thiệt thòi nhiều quá nên Hạnh Dung có lời góp ý, đúng sai tùy em cân nhắc. Em tự hỏi lòng mình có còn thương chồng trong trại hay không? Còn thương thì có chờ đợi được không? Ra tù về rồi có ở riêng với nhau làm ăn được không? Hiện tại có ai để ý, thương em thật lòng không? Em có thương người ta không? Xin một đứa con là xin của ai, như thế nào? Liệu rồi mình có chịu được điều tiếng, có làm đủ tiền để mẹ con sống hay không? Nếu có ai thương mình, em cũng nên cân nhắc. Em hiện giờ không bị ràng buộc gì, hoàn toàn có thể tự do quyết định cuộc đời mình.

Một khả năng nữa là mình có thể thay đổi môi trường sống và làm việc. Em có thể đi xa, lên thành phố tìm việc làm. Em đã có nghề làm tóc, có thể tự lập được. Nhiều khi thay đổi cũng là một bước ngoặt mở ra cho mình nhiều cơ hội mới, giải phóng mình khỏi những buồn tủi đã qua. Chuyện “ăn ở phải đạo” ở đời, cũng không nhất thiết là phải tự ràng buộc mình vào những nghĩa vụ nặng nề, trong một hoàn cảnh không lối thoát. Hạnh Dung không quyết định thay em được. Tự em phải suy nghĩ tích cực lên và tự quyết định đời mình trên đường đi tìm hạnh phúc. Chúc em dũng cảm vượt qua những rào cản.

Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)

(*) Thơ Hồ Xuân Hương: “Thà rằng làm mướn, mướn không công”

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI