Vẽ lại chân dung Nhạc sư Nguyễn Quang Đại

20/04/2018 - 11:45

PNO - Lần đầu tiên hình ảnh của Thầy Ba Đợi - người có công lớn trong quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của sân khấu cải lương - sẽ được các hậu bối vẽ lại trên sân khấu bằng sự bay bổng của trí tưởng tượng.

Thầy Ba Đợi (ĐD: NSUT Triệu Trung Kiên-  Lê Trung Thảo) - vở cải lương kết hợp hơn 60 nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc đang ở giai đoạn tập luyện nước rút chuẩn bị cho suất diễn đầu tiên vào tối ngày 28/4.

Vở diễn khắc hoạ một giai đoạn lịch sử của dân tộc và nhân vật nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), người có công lớn trong quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của sân khấu cải lương. Lần đầu tiên hình ảnh của Thầy Ba Đợi sẽ được các hậu bối vẽ lại trên sân khấu bằng sự bay bổng của trí tưởng tượng.

Ve lai chan dung Nhac su Nguyen Quang Dai

Thầy Ba Đợi của NS Quang Khải

Sẽ có 4 nghệ sĩ cùng đảm nhận vai Thầy Ba Đợi là NSƯT Xuân Vinh, NS Quang Khải, NSƯT Lê Tứ và NSƯT Thanh Tuấn.

Lý giải cho sự  chia vai này, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết: “Nếu cần có một sự đồng nhất về hình ảnh của Thầy Ba Đợi chúng tôi sẽ chọn một nghệ sĩ đảm nhận vai diễn này và điều này cũng không khó khăn, không nằm ngoài khả năng của các nghệ sĩ. Nhưng ở đây chúng tôi muôn 4 nghệ sĩ khác nhau cùng tham gia để thể hiện nhân vật Thầy Ba Đợi ở 4 giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Mỗi giai đoạn cách nhau khoảng một tập kỷ.

Cũng theo ông, 4 nghệ sĩ trên sẽ không phải "gò" theo một phong cách thống nhất khi thể hiện nhân vật mà sẽ thể hiện với 4 sự mường tượng của người hậu thế khi nghĩ về nhạc sư Trần Quang Đại. Tuy vậy, 4 sự mường tượng này sẽ phải đảm bảo khả năng có nhiều khả năng tái hiện đúng nhất hình ảnh của ông.

Ve lai chan dung Nhac su Nguyen Quang Dai

ĐD - NSƯT Triệu Trung Kiên và NSƯT Quế Trân

Cùng với 4 chân dung khác nhau về nhân vật Ba Đợi và sự phối hợp của các nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc, Thầy Ba Đợi còn hứa hẹn nhiều sự thú vị khi các nghệ sĩ sẽ hoá thân thành nhân vật theo đúng theo những gì được ghi chép trong tài liệu. Nghệ sĩ sẽ ca, thoại lời bằng đúng ngôn ngữ vùng miền của nhân vật chứ không đơn thuần chỉ là ca, thoại của bằng giọng miền Nam.

Ví dụ vào vai Công Tằng Tôn Nữ Thị Phượng, là người gốc Huế, NSND Vương Hà phải học ca, học thoại bằng giọng Huế. NS Quang Khải đảm nhận vai Thầy Ba Đợi lúc vừa vào miền Nam, anh cũng phải tập quên giọng Bắc quen thuộc, quên luôn giọng miền Nam mà anh đã dày công tập luyện để bắt đầu với giọng nói, tiếng ca của người ở Cố đô.

Thầy Ba Đợi sẽ có hai suất diễn tại Nhà hát Bến Thành lúc 20g ngày 28/4 và 1/5, suất diễn tại Long An diễn ra lúc 20g ngày 29/4 tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An.

Ve lai chan dung Nhac su Nguyen Quang Dai

NSND Vương Hà

Cũng trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, sáng ngày 28/4 còn có Hội thảo khoa học: Một thế kỷ hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lươngở Việt Nam:Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội Sân Khấu TP.HCM- NSND Trần Ngọc Giàu, dự kiến chuỗi hoạt động Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương do Sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp tổ chức sẽ diễn ra trong tháng 11-12/2018. 3 hoạt động chính trong đợt này gồm Tổ chức Giải thưởng Trần Hữu Trang, dàn dựng vở diễn quy tụ những nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu cải lương và giới thiệu lại những kỹ xảo, kỹ thuật, hiệu ứng của sân khấu cải lương trước năm 1975.

         Thảo Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI