Từ Mozart nhìn ra... nhạc sĩ Việt

12/05/2018 - 12:59

PNO - Ở Việt Nam, áp lực bài 'hit' đang đè lên 'ca sĩ', 'nhạc sĩ' và rồi những câu chuyện 'tố' nhau đạo nhạc kéo dài không dứt.

Dốc hết tâm sức cho âm nhạc, để rồi ở tuổi 35, Mozart qua đời trong lạnh lẽo và bạc bẽo. Còn ở Việt Nam, đến hơn ba thế kỷ sau, nhiều người mang danh “nhạc sĩ” vẫn không ngừng tranh cãi, rỉa róc nhau vì nghi “thuổng” vài câu hát nhạt. 

Trong tuyệt tác điện ảnh Amadeus của đạo diễn Milos Forman, chân dung nhạc sĩ thiên tài người Áo hiện lên vô cùng sinh động. 

Nhờ vào vai Wolfgang Amadeus Mozart mà Tom Hulce đã có màn hóa thân thành công nhất trong sự nghiệp, với đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của Oscar 1985. Nhưng bộ phim đoạt tới 8 tượng vàng Oscar này không chỉ có nhân vật Mozart gây ấn tượng mạnh. 

Tu Mozart nhin ra... nhac si Viet

Hình tượng Mozart trong Amadeus

Song hành cùng Mozart còn có một người sáng tác nhạc khác, đó là Antonio Salieri, vai diễn giúp nam diễn viên Murray Abraham giành chiến thắng thuyết phục ở hạng mục Nam diễn viên chính của mùa Oscar năm đó. 

Đây là cái tài của đạo diễn Milos Forman khi đưa vào bộ phim mang tên Mozart một nhạc sĩ khác ở thế đối đầu, họ là tri âm nhưng mãi mãi không bao giờ trở thành tri kỷ của nhau.

Sở dĩ nói điều này là bởi dù cùng sáng tác nhạc nhưng tài năng và số phận của Mozart và Salieri hoàn toàn trái ngược. Dù là thần đồng âm nhạc, chơi nhạc không sai một nốt khi 4 tuổi và sáng tác những bản nhạc đầu tiên khi 5 tuổi, cho đến khi chết, Mozart vẫn không được trọng dụng như kẻ ưa luồn lách Salieri.

Trớ trêu thay, dù luôn sống trong đố kỵ nhưng Salieri gần như là người duy nhất hiểu được tài năng và không khỏi sửng sốt mỗi lần nghe Mozart.

Oái oăm hơn, nếu như đương thời vở Axur của Salieri được công diễn 100 lần, so với 5 lần được diễn với vở nhạc kịch Don Giovanni và 9 lần cho Đám cưới Figaro của Mozart, thì ngày nay mấy người biết Salieri là ai. 

Xem Amadeus, khán giả không khỏi xót xa nhưng cũng có thể vỡ òa sung sướng vì nhận ra khác biệt của những giá trị thực và ảo, giữa cái vô giá và nhất thời, giữa “tiếng ồn” và “âm nhạc”, giữa nhạc sĩ thực thụ và người chép nhạc khôn lỏi…

Ở thời Mozart, vị nhạc sĩ cung đình Salieri biết mang đến khẩu vị phù hợp với công chúng và ngược lại: nhạc sĩ nào, công chúng ấy. Âm nhạc khi đó còn như thứ mua vui, chỉ để làm vừa lòng những người có đôi tai hạng xoàng như vua Joseph.

Đó chính là lời giải cho cảnh phim ấn tượng cuối cùng, Salieri hoàn toàn mất trí, được đẩy đi giữa đám người điên loạn. 

Giá trị của bộ phim Amadeus và câu chuyện xa xưa còn nguyên giá trị với hiện thực hôm nay. Bước ra khỏi kinh thành Vienna của nước Áo, chúng ta có thể thấy nhân vật Salieri dường như quá quen thuộc ở “làng nhạc Việt”.

Chỉ có khác biệt khá rõ là vô số người được gọi là “nhạc sĩ” ở ta, nếu so về năng lực, thì khó bằng Salieri, cứ xem và nghe những tác phẩm của Salieri được biểu diễn ngay trong phim sẽ rõ.

Hơn nữa, nếu gọi Salieri là “nhạc sĩ” hay “nhà soạn nhạc” vì những bản thính phòng, nhạc kịch ông ta viết cũng không quá nghịch tai; còn đây, nhiều người viết ca khúc, thậm chí chỉ cần viết mấy vòng hòa âm quen thuộc trên phần lời đơn giản hoặc mua “beat” trên mạng rồi đặt lời đã tự coi mình là “nhạc sĩ” và được tung hô như… ngôi sao.

Nhìn ra thế giới, khi nói đến những ca khúc do Adele, Beyoncé hay Taylor Swift… thể hiện, mấy người để tâm ai là tác giả hoặc nếu có thì họ được gọi là “songwriter” (người viết bài hát) nhiều hơn là “nhạc sĩ” (musican hay composer).

Giải Grammy chỉ có hạng mục Bài hát của năm (Song of the year) trao cho tác giả một bài hát đơn nào đó, chứ không có giải Nhạc sĩ của năm

Ở Việt Nam, áp lực bài “hit” đang đè lên “ca sĩ”, “nhạc sĩ” và rồi những câu chuyện “tố” nhau đạo nhạc kéo dài không dứt.

Mới đây, trước nghi vấn bài Đừng như thói quen có phần giống hai bài khác của Trịnh Thăng Bình, nhạc sĩ Dương Khắc Linh nói: “Những ca khúc ballad có vòng hòa âm như vậy rất dễ giống nhau ở giai điệu. Quan trọng là lời khác, cách hát khác, người khác hát là đã thành một bài mới”.

Miễn bàn có chuyện “đạo” hay không, mà thấy rõ một thực tế ở đây: viết bài hát, làm nhạc như thế không khó, có thể sản xuất hàng loạt. Hay nói như nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Khi viết bài hát, chẳng lẽ lại gọi hành động đó là... đi cày, thì thôi cứ gọi là nhạc sĩ cho vui. Quan trọng là chữ gì đứng sau danh xưng ấy, chẳng hạn như Phạm Duy hay Đỗ Nhuận...”.

 Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI