Trong văn hoá dân gian, chó vừa là bạn vừa là thần

13/02/2018 - 16:20

PNO - Thời gian qua, không chỉ xuất hiện trong tranh của nhiều hoạ sĩ, hình ảnh con chó trong văn hoá dân gian, đặc biệt là tục thờ chó một lần nữa được khẳng định có thật trong lịch sử.

Tục thờ chó trong tín ngưỡng

Sau nhiều tranh luận về tục thờ chó trong tín ngưỡng của người Việt cách đây một thời gian, nhân dịp Tết Mậu Tuất, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian khẳng định lại tục thờ chó là có thật.

GS.TS Kiều Thu Hoạch cho biết: “Thời điểm nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, có hiện tượng hiểu lầm trong giới khoa học, nghiên cứu. Lúc bấy giờ, chính quyền của quận Ba đình xây lại đền Cẩu Nhi, ở hồ Trúc Bạch, tức đền thờ chó trong chính sử có ghi, tuy nhiên giới khoa học cho rằng thuyết này không tồn tại vì dấu tích để lại không rõ ràng. Nhưng, tôi khẳng định, tục thờ chó là có thật. Truyền thuyết học là môn khoa học và tôi không nói điều mình không có cơ sở”. 

Trong van hoa dan gian, cho vua la ban vua la than
GS.TS Kiều Thu Hoạch

“Vua Lý Công Uẩn tuổi Giáp Tuất. Trong thần tích, thần phả đều nói quê ông ở Bắc Ninh. Một hôm mẹ của ông nằm mơ thấy chó đá. Theo giấc mộng, có chó mẹ và chó con lội qua sông, con chó con màu trắng trên lưng có chữ "vương". Lúc Lý Công Uẩn lên ngôi, ứng với điềm của người mẹ, có bạch cẩu trôi sông đến nời vua ở. Do vậy, ông cho xây đền Cẩu Nhi để thờ chó con còn chó mẹ thì xây đền ở trên núi. Về sau, đền thờ trên núi bị tàn phá chỉ còn lại đền Cẩu Nhi”, GS.TS Kiều Thu Hoạch khẳng định.

Ông cũng nói thêm, hiện nhiều người vẫn cãi nhau về tục thờ chó vì những dấu tích để lại không còn rõ ràng nhưng ở nhiều làng quê miền Bắc, vẫn tồn tại nhiều đền, miếu thờ chó: “Trước đây, tôi đến khảo sát vùng Đan Phượng thuộc Hà Nội. Ở đây có một địa điểm nền đất cao, trên đó có thờ con chó đá rất to và 16 con chó con. Người ta thắp nhang ở đấy. Về nguyên tắc nghi lễ tôn giáo mà nói, chỗ nào có đàng thờ như thế và có bát hương thì chỗ đó có thần. Khi sang kinh Bắc, tôi cùng giáo sư Trần Lâm Biền đến kho của Bảo tàng Bắc Ninh thấy có hàng trăm con chó đá. Trên tượng nhiều con có chữ "Bạch cẩu", "Thần tử" ứng với điềm của mẹ vua Lý Công Uẩn”.

Ngoài lấy truyền thuyết để khẳng định tục thờ chó có thật, PG.TS Kiều Thu Hoạch dẫn chứng thêm trong cuốn Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài, nhà văn có nói về hiện tượng chó thờ ở cổng nhà, cổng làng. “Bây giờ tôi đi, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy một số cổng làng, cổng nhà còn thờ chó như một linh vật trấn giữ làng, giữ nhà. Tại Vĩnh Phúc và một số tỉnh khác ở miền Bắc, tục thờ chó hiện diện nhiều nơi. Có truyền thuyết về con chó của vua Lê Lợi. Vua huấn luyện cho chó để đi theo bên cạnh mình”, PG.TS Kiều Thu Hoạch nói.

Trong van hoa dan gian, cho vua la ban vua la than
PGS.TS Phan An

Đồng tình với GS.TS Kiều Thu Hoạch, PGS.TS Phan An chia sẻ: “Từ xưa đến nay, chó là con vật có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của người Việt. Chó giữ nhà, bắt chuột, là người bạn trung thành và sống rất có tình. Trong những con vật được thuần hoá thì chó là loài vật đầu tiên sống cầu cạnh con người. Trên hình ảnh trống đồng đầu tiên khi người Việt làm nên, hình ảnh con người và chó đã được khắc lên để thể hiện, chó là loài vật mà con người trân trọng. Do vậy, việc thờ một con vật như vậy là điều hết sức bình thường”.

“Ở Hà Nội, đền thờ Cẩu Nhi vẫn còn hiện hữu và hàng năm, những người hiếm muộn vẫn đến đây để cầu con cái vì họ cho rằng truyền thuyết chó mẹ sinh chó con trên đường theo chân vua là có thật. Trong tín ngưỡng dân gian, chó là một con vật thiêng được thờ cúng trong nhiều đình, miếu. Ở một số cổng làng ở miền Bắc, người dân không thờ con nghê hay hổ mà đều thờ chó vì chó là con vật thiêng và có ý nghĩa với đời sống của người nông dân. Đối với người dân tộc Tày, Dao họ xem chó là linh vật và thờ cúng thành kính để cầu bình an”, PGS.TS Phan An nói thêm.

Chó lên tranh của hoạ sĩ

Ngoài chuyện khẳng định tục thờ cúng chó có thật của một số nhà nghiên cứu văn hoá, thời gian gần đây, nhiều hoạ sĩ liên tục ra mắt tranh vẽ về chó như một cách chào đón tết Mậu Tuất.

Trong van hoa dan gian, cho vua la ban vua la than
Bức Tình xuân của hoạ sĩ Hồ Hưng

Tranh về chó được tổng hợp để tổ chức thành triển lãm Cờ hó ngó cờ tây (cờ hó là chó, cờ tây: lối nói lái cầy tơ) của nhóm hoạ sĩ người Huế do Đặng Mậu Tựu – chủ 1 phòng tranh khởi xướng, triển lãm Mừng Xuân Mậu Tuất 2018 do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức…

Ngoài ra, dù không tổ chức thành triển lãm nhưng nhiều hoạ sĩ cũng vẽ về con giáp thứ 11 như một cách chào đón năm mới: hoạ sĩ Hồ Hưng với tác phẩm Ngày nắng ấm, hoạ sĩ Đào Thế An với Trước hiên nhà, Hồ Huy Hùng với Tình xuân, Hoàng Phi Hùng với Du xuân

Trong van hoa dan gian, cho vua la ban vua la than
Bức Ngày nắng đẹp - hoạ sĩ Hồ Hưng 

Năm nay, hoạ sĩ chuyên vẽ tranh về con giáp - Đỗ Phấn cũng cho ra mắt hơn 70 bức tranh vẽ chó và hầu hết trong số đó đã được mang tặng bạn bè, được mua lại. Hoạ sĩ Đỗ Phấn là gương mặt quen thuộc với người yêu hội hoạ khi dịp cuối năm ông sẽ cho ra mắt hàng loạt tranh về con giáp mới.

Trong van hoa dan gian, cho vua la ban vua la than
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thái

Trong hầu hết tranh vẽ, các hoạ sĩ đều thể hiện nét hiền lành, dễ thương của chú chó khi nằm sưởi nắng xuân, chó vui đùa với trẻ con, gia đình nhà chó chờ năm mới… Theo quan niệm xưa, ngoài là con vật trung thành, sống tình cảm, chó là con vật mang tới may mắn cho gia chủ, như câu tục ngữ: “Mèo đến nhà thì khó/Chó đến nhà thì giàu”. Do vậy, treo tranh chó trong nhà như một một cách gián tiếp mang may mắn về nhà.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI