Thương lắm, tằm ơi!

02/02/2015 - 16:13

PNO - PN - Những ngày vở cải lương Nửa đời hương phấn còn đang trên sàn tập, không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại về sức khỏe của những nghệ sĩ (NS) thuộc thế hệ U70-U80 tham gia vở diễn. Lại thêm nỗi lo liệu những NS ấy có thể chinh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhưng, những gì diễn ra ngay trong suất diễn đầu tiên đã chứng minh NS lớn tuổi vẫn có một sức hút đặc biệt, vẫn đủ sức cuốn người xem dán mắt lên sân khấu (SK) để khóc cười với từng nhân vật.

Không còn vẻ đẹp rạng rỡ của những đào kép tuổi đôi mươi, nhưng các NS đã chinh phục khán giả bằng tài năng ca diễn mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó là chất giọng thổ đặc trưng và khả năng hóa thân thành gái quê, hồn nhiên, ngây thơ của NSND Lệ Thủy; là lối luyến láy đặc trưng và khả năng ca trong diễn, diễn trong ca của NS Phượng Liên; là giọng ca khỏe khoắn, lối diễn xuất trẻ trung đến bất ngờ của NSƯT Minh Vương dù ông đã hơn 60 tuổi; là duyên hài và lối ca vọng cổ ngọt đến bất ngờ của NSƯT Bảo Quốc hay chất giọng trầm buồn mà chỉ cần cất lên đã đủ khiến người nghe nao lòng của NSƯT Út Bạch Lan…

Câu chuyện tình yêu trắc trở của Hai The-Ba Tùng từng lấy nước mắt của nhiều thế hệ khán giả, nhưng trong lần tái diễn này vẫn có một sức sống riêng. Những câu thoại rườm rà, dài dòng được lược bớt để vở diễn ngắn gọn, súc tích hơn. Tiết tấu của vở cũng được đẩy nhanh hơn để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng. Nửa đời hương phấn của hôm nay vẫn làm người xem cười ngất ngư với lối diễn tung tẩy, đầy ngẫu hứng nhưng không chút cường điệu của NSND Lệ Thủy trong vai Diệu và NSƯT Bảo Quốc với vai ông Sáu - cha Diệu. Tiếng vỗ tay liên tục vang lên khi các NSND Lệ Thủy, NS Phượng Liên, NSƯT Út Bạch Lan, Minh Vương, Bảo Quốc… dứt câu vọng cổ.

Thuong lam, tam oi!

Bất chấp sức khỏe và những biến cố của cuộc sống, các NS dành trọn tâm trí, vắt kiệt sức mình cho những vai diễn - Ảnh: Nguyễn Á

Không chỉ có tài năng, các NS còn chinh phục khán giả bằng khát khao, tình yêu dành cho SK và lửa đam mê nghề bất biến với thời gian. Trong suất diễn đầu tiên của vở Nửa đời hương phấn, khán giả đã thót tim với cảm giác dường như NSƯT Thanh Sang sắp ngã quỵ trên SK ở cảnh diễn sau giờ giải lao. Diễn viên Hà Linh dù chưa tới lớp diễn nhưng đã phải chạy vội ra để đỡ NSƯT Thanh Sang và ông vẫn cố gắng nói hết hai câu thoại của mình rồi mới để Hà Linh dìu vào SK.

Khán giả hẳn đã từng rất nhiều lần nghe các NS tâm sự: “Được hát một suất cuối cùng rồi chết trên SK cũng là hạnh phúc của người NS”, nhưng có lẽ phải đến những suất diễn Nửa đời hương phấn vừa rồi khán giả mới thực sự cảm nhận được khát vọng được đứng dưới ánh đèn SK, được gặp gỡ, được hát cho khán giả nghe và được sống trọn vẹn với niềm đam mê… của những người NS.

Những ngày tập, sức khỏe của NSƯT Thanh Sang khá tốt. Ông tỏ ra rất hào hứng với nhân vật Hai Cang - vai diễn mới nhất trong cuộc đời làm nghề của mình. Mỗi buổi tập, ông luôn đến sớm và không bao giờ bỏ về trước dù cảnh tập của mình đã xong. Nhưng, trong suất diễn đầu tiên, phần vì hồi hộp, lo lắng cho vai diễn, phần vì vui mừng khi được gặp lại khá đông khán giả, ông bị tụt huyết áp. Hoa mắt, chân đi xiêu vẹo, đứng không vững nhưng NSƯT Thanh Sang vẫn ráng cho hết lớp diễn cuối cùng bằng tất cả sức lực còn lại, không bỏ sót một câu, một chữ nào dù giọng hát đã lạc đi... Có lẽ khán giả hiểu được những nỗ lực của NSƯT Thanh Sang, sau một thoáng ngỡ ngàng với những gì đang diễn ra trên SK, họ đã liên tục vỗ tay động viên khi ông chợt hụt hơi giữa câu ca. Đêm diễn vì thế có lẽ là ngoại lệ hiếm hoi của SK cải lương, để thấy rằng tài năng, sự cống hiến và nỗ lực của người NS sẽ luôn luôn được khán giả ghi nhận trân trọng, yêu thương.

Một biến cố khác mà không nhiều khán giả xem Nửa đời hương phấn biết: mẹ NS Phượng Liên mất một ngày trước khi Nửa đời hương phấn công diễn. Không thể hoãn đêm diễn vì tất cả đã sẵn sàng và cả một ê-kíp đã đổ công sức để tập luyện, chuẩn bị. Tạm gác nỗi đau, NS Phượng Liên đã sống trọn vẹn cho cô The bằng tất cả đam mê, tình yêu bà dành cho nghề hát. Vẫn biết sống chết là quy luật của tạo hóa; vẫn biết đã là NS sẽ phải chấp nhận mọi tình huống, biến cố của cuộc đời như câu chuyện nổi tiếng về anh kép Tư Bền… Nhưng nếu không có một tình yêu mãnh liệt với nghề, chắc chắn NS Phượng Liên đã không thể có một cô The đầy đặn cảm xúc để khán giả phải yêu, phải khóc và tặng thưởng những tràng vỗ tay cho một câu vọng cổ ngọt ngào. Không chỉ một đêm như thế mà NS Phượng Liên đã có đến hai đêm diễn. Đám tang mẹ vẫn đang diễn ra ở chùa, chờ xong hai suất diễn, NS Phượng Liên và gia đình mới đưa mẹ về quê ở Trà Vinh.

Hai suất diễn Nửa đời hương phấn để lại cho khán giả những cảm xúc vui buồn lẫn lộn và thêm yêu thương hơn những người NS đã và đang sống trọn “kiếp tằm đến thác vẫn còn nhả tơ”.

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI