Thu tiền tác quyền nhạc đối với rạp phim: Có sự ngộ nhận về luật?

25/07/2013 - 05:08

PNO - PN - Sau một tháng gửi công văn “đòi tiền”, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và các rạp phim vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Sự việc càng phức tạp hơn khi công văn đó của VCPMC được xem như bị ngộ...

Thu tien tac quyen nhac doi voi rap phim: Co su ngo nhan ve luat?

Trong công văn “đòi tiền”, VCPMC đề nghị thu tác quyền nhạc mà rạp phim phát tại sảnh chờ, lúc giải lao và nhạc nền trong phim. Trong ba “khoản” này, nhạc phim là “khoản” khiến các rạp phim phản ứng nhiều nhất. Đó là chưa kể, việc này còn ảnh hưởng đến việc phát trailer phim tại sảnh chờ cũng như vào đầu giờ chiếu phim chính thức bên trong rạp.

Theo bà Phạm Thanh Thủy - Giám đốc phía Bắc của VCPMC, sự việc phức tạp là do thiện chí giữa các bên chưa có, gây nên những hiểu lầm về các khoản thu. Theo bà, việc thu tác quyền này được chia làm hai loại: nhạc độc lập với phim và nhạc nằm trong phim. Theo đó, nhạc độc lập với phim (phát tại sảnh chờ, giờ giải lao) là vấn đề không cần bàn cãi, vì đã được quy định rõ trong luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và VCPMC cũng đã tiến hành thu tiền nhiều năm qua với các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn… Riêng nhạc nằm trong phim, VCPMC sẽ không can thiệp đến các ca khúc do nhà sản xuất đặt hàng tác giả (thường là theo thỏa thuận độc quyền), mà chỉ đề cập đến những ca khúc đã công bố trước đó được nhà sản xuất đưa vào phim. Các ca khúc trong trường hợp cuối cùng này hầu hết đã được nhà sản xuất trả tiền cho VCPMC, nhưng nếu hợp đồng giữa VCPMC và nhà sản xuất có giới hạn về không gian và thời gian thì VCPMC phải thu tiền một lần nữa nếu phim được chiếu ngoài phạm vi “lãnh thổ” trong hợp đồng. Điều này không chỉ được áp dụng với các ca khúc trong nước mà còn với ca khúc nước ngoài, nằm trong hệ thống quản lý của VCPMC theo ủy thác từ phía nước bạn. Trong trường hợp rạp phim cho rằng tại sảnh chờ của mình chỉ phát trailer phim mà không sử dụng nhạc độc lập, rạp không phải trả tiền tại sảnh chờ, VCPMC sẽ có bộ phận đi kiểm tra điều đó.

“Trường hợp giữa các nhạc sĩ và VCPMC có ký hợp đồng ủy thác, thì việc VCPMC yêu cầu các rạp phim phải đóng tiền tác quyền khi rạp có phát nhạc ở sảnh chờ và giờ giải lao là phù hợp với pháp luật, được quy định tại điều 33 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009 và điều 35 Nghị định 100/2006/NĐ-CP”, luật sư Lê Quang Vy của văn phòng luật Việt Long Thăng nhận định. Thực tế, đây gần như là điều hiển nhiên, và đây cũng không phải là điều mà VCPMC bị phản ứng, không chỉ từ các rạp phim, dù các rạp vẫn cho rằng cần phải xem xét việc trả cho ai, trả như thế nào với khoản này. VCPMC hiện cũng bị phản ứng về việc thu tiền nhạc trong phim từ giới luật, bởi, việc thu tiền này không phải đối với nhà sản xuất - đối tượng đã trả tiền tác quyền cho VCPMC khi sản xuất phim, mà là đối với đơn vị phát hành. “Họ chỉ sử dụng tác phẩm điện ảnh - một tác phẩm hoàn chỉnh, được luật bảo hộ. Tách rời các phần tạo nên sự hoàn chỉnh đó để thu tiền là vô lý. Một tòa soạn báo mua ảnh từ nhiếp ảnh gia để minh họa cho bài báo của họ, và bây giờ những người bán báo trên các sạp kia phải trả một lần tiền nữa cho nhiếp ảnh gia? Hay như NXB Trẻ xuất bản một cuốn sách và Công ty Fahasa phát hành cuốn sách đó, vậy thì Fahasa chỉ có giao dịch kinh tế với NXB Trẻ mà không thể bảo Fahasa phải trả thêm tiền cho tác giả", một luật sư chuyên về SHTT tại Đại học Luật TP.HCM cho biết.

Xét những diễn biến hiện tại, việc thu tiền rạp phim của VCPMC sẽ gặp không ít phản đối. Tuy nhiên, với những phản đối từng có trong quá trình hoạt động của VCPMC, điều đối mặt của VCPMC lần này không phải là thói quen của người dùng Việt Nam, mà ở các điều khoản luật còn cần hai bên làm rõ. Nếu dựa vào điều 20, điều 21 và điều 19 của Luật SHTT (ban hành năm 2005 và sửa đổi năm 2009), cán cân pháp lý đang nghiêng về rạp phim, dẫn đến câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng VCPMC đang ngộ nhận các điều khoản luật, dẫn đến sự tận thu vô lý? Cho đến thời điểm này, đơn vị này vẫn bảo lưu quan điểm của mình, và cho biết sẽ kiên trì đòi như bao năm qua đã kiên trì thu tiền nhiều nơi. Thế nhưng, câu trả lời của một số rạp phim là phớt lờ yêu cầu trả tiền nhạc trong phim, không tranh cãi và sẵn sàng hầu tòa.

Với một biểu giá không nhỏ, 30 triệu đồng/tác phẩm/bộ phim điện ảnh, trong khi số lượng ca khúc trong một bộ phim điện ảnh là không ít, việc thu tiền này quả là cần được làm rõ hơn.

 Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI