Phim Đội cận vệ A6 anh hùng: Lời tri ân những người hùng thầm lặng

20/11/2017 - 16:37

PNO - Xuyên suốt năm tập phim, khán giả cũng cảm nhận được chân dung bình dị, gần gũi của đồng chí Bí thư Khu ủy T3, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định - Võ Văn Kiệt.

Tối 19/11, năm tập phim tài liệu Đội cận vệ A6 anh hùng (biên kịch: Lê Văn Duy, đạo diễn Dương Cẩm Thúy, hãng phim Hội Điện ảnh TP.HCM sản xuất) đã lên sóng tập đầu tiên trên hai đài truyền hình An Giang, Hậu Giang và ngày 20/11 sẽ bắt đầu phát trên hai kênh HTV9, THVL1.

Bộ phim kể về đơn vị an ninh chuyên trách bảo vệ, phục vụ và chăm sóc đồng chí Võ Văn Kiệt với các nhiệm vụ khác nhau trong kháng chiến chống Mỹ. Phim ra đời sau hơn nửa thế kỷ Đội cận vệ A6 được khai sinh, dẫu hơi muộn màng, vẫn đầy ý nghĩa, nhất là khi tập đầu tiên ra mắt khán giả đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa (19/11/1940-19/11/2017) và tập cuối cùng phát vào kỷ niệm sinh nhật thứ 95 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Phim Doi can ve A6 anh hung: Loi tri an nhung nguoi hung tham lang

Những chiến công thầm lặng của Đội cận vệ A6 đã góp phần vào chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta

Đạo diễn Dương Cẩm Thúy

Khó khăn nhất trong quá trình làm phim là tư liệu về đội A6 không có nhiều, bởi ngày đó công việc của những chiến sĩ cận vệ rất âm thầm, bí mật. Những người còn sống giờ cũng đã lớn tuổi, trí nhớ khó còn minh mẫn, buộc chúng tôi phải thận trọng tìm thêm nhiều nguồn để xác minh, đối chiếu.

Không một ai bị lãng quên. Không điều gì bị quên lãng, huống chi đó lại là những người hùng đã thầm lặng hy sinh cả tuổi thanh xuân để góp phần mang lại hòa bình hôm nay. Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh em nhà làm phim Lê Văn Duy - Dương Cẩm Thúy bắt tay thực hiện năm tập phim (30-35 phút/tập): Chúng tôi là chiến sĩ cận vệ, Những câu chuyện kể, Tiến lên toàn thắng ắt về ta, Nghĩa tình đồng đội, Không thể nào quên sau khi nhận được cuốn kỷ yếu A6 - Đội cận vệ anh hùng của nhà xuất bản Công an nhân dân, phát hành năm 2011.

Dòng phim tài liệu nói chung thường khô khan do những thước phim chủ yếu là hình ảnh, phim tư liệu cũ, xen kẽ với những lời kể của người trong cuộc. Đội cận vệ A6 anh hùng cũng khó tránh khỏi hạn chế đó, nhưng bù lại, phim cuốn hút người xem bằng những hồi ức hào hùng của các nhân chứng; bằng những khoảng lặng khi nhìn thấy những mái đầu bạc trắng hội ngộ trước bàn thờ đồng đội hay những đôi chân run rẩy, chậm rãi lần bước trở về những chiến trường xưa; bằng những hình ảnh khoáng đạt, yên bình của rừng cây, sông nước, ruộng đồng, trải dài từ Tây Nguyên cho đến các tỉnh miền Tây - nơi đoàn phim đi qua.

Ống kính dành nhiều thời gian bắt cận cảnh những khuôn mặt cương nghị, đặc tả những khoảnh khắc hồi tưởng đầy xúc động của nhân vật, trong đó ấn tượng nhất là đoạn kể của hai nữ giao liên Nguyễn Thị Hữu và Nguyễn Thị Bạch Tuyết.

Nếu như Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hữu khiến người xem thán phục vì sự khôn khéo, dũng cảm khi thuật lại tình huống hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không tưởng: từ một căn cứ trên đất Campuchia phải đi ngay về Sài Gòn để giao mật thư cho chủ một cơ sở cách mạng trước nửa đêm cùng ngày thì cán bộ giao liên công khai Nguyễn Thị Bạch Tuyết làm người xem nghẹn lòng khi kể về lần chị bị địch tra khảo bằng ma trắc, chích điện và phải nuốt khan nửa mẩu giấy pelure mật thư để phi tang chứng cứ.

Xuyên suốt năm tập phim, khán giả cũng cảm nhận được chân dung bình dị, gần gũi của đồng chí Bí thư Khu ủy T3, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định - Võ Văn Kiệt, và trên tất cả là cảm nhận được sức mạnh của quần chúng nhân dân giữa thời đất nước chiến tranh. Đội cận vệ A6, với hơn 100 thành viên, được lập ra để bảo vệ một người; nhưng hàng trăm, hàng ngàn người dân lại chở che, nuôi nấng họ như lời ông Trần Quốc Anh kể: có lần hành quân mệt quá, xin vào một nhà dân ngủ, thức dậy được chủ nhà dọn cơm mời ăn và hỏi ra thì biết trong nhà có người đi theo “phe bên kia”.

Tập phim cuối cùng khép lại với hình ảnh những người cựu chiến sĩ cận vệ như Huỳnh Văn Cang, Nguyễn Văn Ấm, Phạm Thanh Dân, Lê Văn Liêu, Nguyễn Thị Hữu… cùng thành kính thắp hương trước bàn thờ vị thủ trưởng năm xưa. Lời ca khúc cùng tên của phim vang lên: “Tự hào chiến sĩ Đội cận vệ A6 anh hùng. Đất nước vui thống nhất đồng đội giờ thiếu vắng bao người. Thời gian tóc sương hai màu phai nắng chiều. Cùng vang khúc ca anh hùng trong trái tim” như thay lời tâm sự của những nhân chứng lịch sử còn sống, nhắc nhớ một thời quá khứ hào hùng, khó quên. 

Xem phim, khán giả sẽ hiểu hơn những câu chuyện đằng sau các chiến tích oanh liệt: xây dựng 60 căn cứ liên hoàn ở miền Tây và Đông Nam bộ, chiến đấu qua gần 20 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 761 tên địch. Đó là 14 năm những người lính đã dành cả tuổi thanh xuân để vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất trong điều kiện ngặt nghèo, ngay giữa lòng địch, với cái giá phải trả là sự hy sinh của 12 thành viên cùng những lần đứng trước lằn ranh sinh tử vì đòn roi của địch.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI