Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam: 'Đến lúc giật mình thì di tích đã mất'

04/08/2018 - 09:30

PNO - Là người đầu tiên đưa vụ việc ngôi đình Lương Xá ra công luận, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam nói: 'Tôi không thể tưởng tượng được tại sao họ lại có thể làm như vậy'.

Ứng Hòa vốn là quê ngoại của nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam (đang công tác tại Hội Di sản Văn hóa Việt Nam). Trong một lần về quê mới đây, tình cờ anh đi ngang qua đình Lương Xá, vốn là một ngôi đình cổ, rất đẹp và rất quý, đang bị bê tông hóa.

Anh sững sờ không hiểu vì sao. Sau khi xác nhận lại vụ việc, anh đã báo cáo ngay với Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội, đồng thời, đăng tải lên Facebook cá nhân. Sự việc, ngay sau đó, gây bức xúc dư luận, buộc Sở VH-TT Hà Nội phải vào cuộc.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam, đây là một trong số những ngôi đình hiếm hoi còn lại ở Ứng Hòa nói riêng và miền Bắc nói chung vẫn còn hệ thống cánh gà nguyên bản và có từ thời khởi dựng của ngôi đình này (vào khoảng cuối thế kỉ XVII). Hiện nay, đình có hệ thống chạm kỹ và đẹp như đình này rất ít.

Nha nghien cuu Nguyen Hoai Nam: 'Den luc giat minh thi di tich da mat'
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam

Phóng viên: Qua vụ việc này và vụ chiếc cầu khủng được xây dựng xuyên lõi di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) gần đây, dường như quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cần xem xét lại?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam: Những người đang sống tại địa phương có di sản ấy chính là những người hằng ngày trực tiếp trông thấy di sản xuống cấp hay biến đổi của nó. Việc phân cấp về địa phương là điều cần thiết.

Song vấn đề của chúng ta hiện nay là phải đào tạo được đội ngũ cán bộ xã, thậm chí cán bộ thôn, có sự hiểu biết nhất định về di sản. Hiện nay, trình độ của các vị ấy đa phần chưa đáp ứng được. Tôi cho rằng, việc đào tạo kết hợp với tuyên truyền phải được làm rốt ráo hơn và phải có cơ chế thường xuyên, chặt chẽ hơn.

* Ngày xưa, văn hóa làng xã khép kín, việc giữ làng, giữ đình luôn được nhắc nhở. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, văn hóa làng xã bắt đầu có những vết rạn, phân rã, thậm chí đứt quãng. Anh có cho rằng, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc những giá trị cũ đang bị xói lở đến mức không thể cứu vãn?

- Tôi nghĩ, sự tiếp biến là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, ứng xử với các di tích văn hóa cũng như những giá trị văn hóa truyền thống không đơn giản như ứng xử với những công trình khác. Các di tích văn hóa chứa đựng trong nó các lớp thời gian, hồn cốt, kỹ thuật xây dựng của cha ông ta từ nhiều năm trước mà đến nay có thể đã thất truyền.

Đó là bằng chứng duy nhất của làng xã mà người ta có thể xác định được bề dày văn hóa của địa phương. Bởi thế, như đã nói, việc đào tạo cán bộ ở địa phương là vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ những sản phẩm văn hóa đặc biệt như thế này.

* Nhưng có vẻ như, cả những người ở cấp cao hơn cũng bối rối trong việc bảo vệ di sản?

- Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta không nên vơ đũa một nắm. Phải ghi nhận, có những vị lãnh đạo cũng có tâm. Tuy nhiên, có thể họ có những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ và quản lý di sản, nên khi có điều kiện về kinh tế, người ta cho rằng, hành động đó tốt cho di sản, mà không nghĩ hành động đó là trực tiếp hoặc gián tiếp hủy hoại di sản.

Quan trọng nhất vẫn là hiểu biết di sản cần được nâng cao. Hiện nay, theo quan sát của tôi, có rất ít người tâm huyết với di sản của cha ông. Thế hệ trẻ rất ít người còn quan tâm và có những hành động thiết thực. Những người lớn tuổi hơn một chút, do chiến tranh, chưa được tuyên truyền để hiểu di sản ở địa phương mình quý giá như thế nào. Sự cong vênh đó ảnh hưởng đến di sản, di tích ở chính quê hương của họ.

Nha nghien cuu Nguyen Hoai Nam: 'Den luc giat minh thi di tich da mat'
 
Nha nghien cuu Nguyen Hoai Nam: 'Den luc giat minh thi di tich da mat'
Đình Lương Xá bị bê tông hóa

* Bình thường, di sản không được quan tâm; đến khi vụ việc ầm ĩ lên thì mọi sự đã xong. Trách nhiệm thuộc về ai?

- Dân thôn có thể chưa hiểu hết về di sản, nhưng về lý mà nói, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phải hiểu công việc mình làm. Những câu chuyện thế này chỉ chứng tỏ rằng, người ta vẫn chưa hiểu rõ giá trị của di tích.

Khi các nhà chuyên môn nói thì bấy giờ, người ta mới nói “thế à”, nhưng đến lúc đó, di tích đã mất rồi. Những người đứng đầu chính quyền cấp thôn, xã, huyện phải là những người chịu trách nhiệm chính trong việc không quản lý, sát sao với di sản.

* Hiện nay, ngoài những di sản được UNESCO và quốc gia công nhận danh hiệu, còn rất nhiều công trình ở địa phương chưa được xếp hạng nhưng có giá trị, cần được bảo vệ. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc bảo vệ đó đang diễn ra rất lộn xộn.

- Nhà nước đang chủ trương xã hội hóa trùng tu di tích. Nói riêng ở Hà Nội, đã có gần 6.000 di tích. Với một lượng di tích lớn như vậy, khi trùng tu, cần nhiều tỉ đồng, ngân sách nhà nước không thể kham được, cũng không thể trùng tu đồng loạt được. Trong khi đó, hư hỏng hoặc xuống cấp thường diễn ra cùng một lúc.

Chủ trương xã hội hóa là đúng. Song do lượng di tích quá nhiều, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải siết lại quản lý về mặt hồ sơ, thiết kế, giám sát, thi công của những công trình như thế.

Xã hội hóa không có nghĩa là bỏ tiền ra, thích làm gì thì làm. Vẫn phải làm theo nguyên tắc tôn trọng cấu kiện gốc đã cấu thành di tích ấy. Đó mới là cách gìn giữ, giữ vững di sản.

* Cảm ơn anh.

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI