Mùi của tết

09/02/2018 - 15:30

PNO - Chỉ cần một vài mớ mùi già cắm vào chiếc lọ Bát Tràng, người ta đã có một bình hoa giản dị mà sang trọng, ấm áp mà thơm tho, đẹp lộng lẫy chẳng kém gì những thứ hoa Tây khác.

Mùi của tết là mùi gì? Mùi khói pháo trong những cái tết thời thơ ấu; mùi no đủ của cái chạn đầy ứ thức ăn; hay là mùi hồ trên những nếp quần áo mới tinh, còn nguyên nếp gấp, mà mỗi bước đi lại loạt soạt như tiếng cười thầm; hay đó chính là mùi của hương trầm vấn vít trên bàn thờ suốt ba ngày tết?

Mui cua tet

Với tôi, mùi của tết đích thị là mùi của những bó mùi già. Chẳng hiểu sao, cứ khi nào ngửi thấy cái mùi nồng nàn của hoa mùi già, của nước mùi già, là tôi lại thấy tết sực nức lên, hấp dẫn và cuốn hút hơn bất cứ thứ nước hoa nào. Cái mùi ấy đầy hương vị tết, khiến ai nấy đều phải ngẩn ngơ.

Cứ độ 28-29 tết, mấy bà bán hàng rong, đi bộ quanh ngõ, cất tiếng rao: “Ai mùi không…”. Thoạt nghe là lạ, chẳng hiểu bà ấy rao gì; nhưng ngẫm ra, cái thứ mà bà bán, nó chỉ xuất hiện vào cuối năm, khi tiết trời rét lạnh của mùa đông sắp chuyển sang xuân, đó là thứ lá mà người ta thường dùng để tắm.

Trong những thứ bận rộn đến quay cuồng của các buổi chiều cuối năm, cũng đôi lần, tưởng như bỏ quên nhiều thứ. Rồi trên đường đi, bỗng vô tình gặp một bà cụ, tay cầm mớ mùi, đi từ chợ về. Chẳng thể nào không ngoái lại nhìn, rồi tự vấn: “Nhà mình đã có mùi chưa? Đã ai mua chưa? Khéo lại quên”.

Ừ thì tắm, thế nhưng, tắm cuối năm, cũng phải đặc biệt, cũng như người ta phải đi cắt tóc cuối năm, cứ như cắt đi cái vận hạn, cái xui quẩy hay những nỗi buồn của năm cũ sẽ rơi lả tả như mớ tóc cuối năm. Rồi sau bao nhiêu tất bật, cuối cùng cũng đến phút người ta chăm sóc chính mình. Chẳng biết từ bao giờ, tắm lá mùi cuối năm đã trở thành một tập tục chẳng thể thiếu được với người Hà Nội.

Năm nào mà cô gái trót quên không tắm lá mùi, cảm giác như thiếu sót ghê gớm, chẳng khác gì chưa rũ bỏ, chưa tẩy được những bụi bặm của năm cũ, mùa cũ, những nỗi buồn cũ, người cũ, tình cũ…

Cô gái gọi bà cụ quay lại để mua lá mùi. Cái thứ lá có hình hơi tròn, phía trên chia thành những thùy hình sợi nhỏ và nhọn. Nhẹ lật mớ mùi, chỉ có thế thôi, mà mùi hương của lá đã tỏa trong không trung, làm cho ngày cuối năm bỗng nhiên nhẹ lại. Ai mà ngờ, cái thứ cây dễ mọc ngoài đồng, ngoài ruộng, ngoài bờ bụi, lại có thể thân quen thế với người Hà Nội.

Mui cua tet
Mùi già

Chúng mang trong mình tất cả hương đồng gió nội, sương lạnh mùa đông, mà với khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc, cây mùi bé nhỏ vẫn cứ mọc một cách âm thầm. Chúng là loài cây khiêm nhường - chẳng được biết đến nhiều, chẳng ồn ào, chẳng tỏa hương quyến rũ thật sốc, chẳng vẻ yêu kiều, mà cứ đúng cái vẻ “nhà quê”: giản dị, thơm thanh thanh và đáng yêu.

Hoa mùi xinh lắm, bé xíu, màu trắng hơi hồng; cho dù chúng có túm tụm với nhau thì cũng chẳng có cảm giác “lớn” tí nào. Trông chúng vẫn xinh xắn, mong manh như thế, li ti như thế thôi. Chỉ cứ độ tết về và cái lạnh se sắt, hay cái nồm giời ẩm ướt đến khó chịu, lúc ấy, người ta chăm mua nhiều lá mùi già, phần để tắm, phần để… cắm.

Chiều 30, sau khi nhà cửa gọn gàng, giá sách đã sạch bụi, cơm nước đã xong xuôi, cô gái bắt đầu rửa sạch mùi già, và cho mùi vào đun. Nước chưa sôi, nhưng sao mùi của lá mùi mãnh liệt thế! Thật hiếm có thứ cây, thứ lá nào sở hữu một thứ mùi đặc trưng như vậy. Nó có sức mạnh của sự tẩy trần - tẩy trần trong không gian, bằng thứ mùi vô hình, len lỏi trong nhà, ra ngoài ngõ, nhẹ nhàng ngấm vào mũi người, thấm lên óc, để rồi phải thốt lên: “Thơm quá!”. Mùi của đồng quê phảng phất quanh đây.

Rồi trong cái giá lạnh đến 12oC, buồng tắm bỗng thoảng làn khói nhè nhẹ, hương và mùi cũng nhè nhẹ, thoang thoảng. Cả phòng tắm đang được ướp mùi. Cô gái khoan khoái ngâm mình trong bồn tắm. Giờ là lúc được thảnh thơi, được thư giãn. Còn gì vui sướng hơn khi vừa ngâm mình trong lá mùi vừa đọc mấy trang sách trong trẻo, không phiền muộn. Da thịt ngấm thứ tinh dầu của lá mùi, cọng mùi, rễ mùi; tóc vương vấn hương hoa mùi. Lúc ấy, bao ưu phiền sẽ tan biến. Cô gái như được trở về với sự nguyên sơ bản năng của chính mình.

Có tiếng nhạc từ nhà hàng xóm vẳng sang: “Anh đến thăm em đêm 30. Còn đêm nào vui bằng đêm 30. Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”. Tiếng hát tình cảm quá. Trễ nải, nhưng da diết, nghe yêu thương đến quặn lòng, gợi lên một giao thừa lặng lẽ: “Tay em lạnh, để cho tình mình ấm/ Môi em mềm, cho giấc ngủ em thơm/ Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan/ Trời sắp tết, hay lòng mình đang tết”.

 PAM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI