‘Lệ Quyên hát hay, nhưng bolero phải là giọng miền Nam mới hợp nhất'

20/01/2018 - 13:54

PNO - Diễn giả của buổi nói chuyện chuyên đề 'Bolero, di sản âm nhạc trong dòng chảy văn hoá cư dân Nam bộ' đã có những nhận định về bolero và ca sĩ Lệ Quyên- người đang thành công với nhạc này.

Sáng nay (20/1), diễn giả Trần Thị Vĩnh Tường đã có buổi thuyết diễn tại trường Đại học KHXH&NV TP.HCM  với chủ đề: Bolero, di sản âm nhạc trong dòng chảy văn hoá cư dân Nam bộ. Trước buổi diễn thuyết này, bà Trần Thị Vĩnh Tường đã có 1 tháng để tìm hiểu, nghiên cứu. Bà cho biết trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển chủ đề bolero với cư dân miền Nam thành sách.      

‘Le Quyen hat hay, nhung bolero phai la giong mien Nam moi hop nhat'
‘Le Quyen hat hay, nhung bolero phai la giong mien Nam moi hop nhat'
Diễn giả Trần Thị Vĩnh Tường trong buổi giao lưu sáng nay

Về dòng nhạc bolero, bà Vĩnh Tường cho biết nguồn gốc của chúng là sự dung hoà nhiều dòng nhạc khác nhau của: Ấn Độ, châu Phi, Tây Ban Nha, Cu-ba. Tuy nhiên, khi vào đến Việt Nam, bolero đã có sự đồng hoá với văn hoá bản địa của người dân địa phương. “Theo tôi, bolero đã mang dấu ấn Việt Nam từ rất lâu rồi, ngoại trừ bài Xóm đêm. Phạm Đình Chương đã giữ được gốc của nhạc nam mỹ trong sáng tác này”, nữ diễn giả nói.

Theo bà Vĩnh Tường, bài hát Xóm đêm của tác giả Phạm Đình Chương, được kiểm duyệt ngày 12/3/1957 có thể xem là bản nhạc bolero đầu tiên ở miền Nam.

‘Le Quyen hat hay, nhung bolero phai la giong mien Nam moi hop nhat'

Về nguyên nhân miền Bắc không có nhạc bolero, diễn giả Vĩnh Tường cho biết do hoàn cảnh thực tế trước năm 1954, các nhạc sĩ chỉ được học piano, violin... nên không thể sáng tác được bolero. Phạm Đình Chương là một trường hợp tiêu biểu khi vào đến miền Nam, được tiếp xúc với các loại nhạc cụ như trống, đàn đặc trưng nên đã có sự chuyển mình.                       

Một trong những nguyên nhân được diễn giả Vĩnh Tường đưa ra cho việc để bolero tồn tại, phát triển với người dân miền Nam đó chính là chất giọng ngọt ngào, luyến láy đặc trưng và có sự mộc mạc chân, tình. Trước luồng quan điểm trái chiều, diễn giả Vĩnh Tường chia sẻ: “Có thể, đây cũng là một nguyên nhân. Chúng ta không thể tách bạch rằng chuyện luyến láy hay mộc mạc mới là yếu tố quyết định được. Chỉ có thể nói rằng ngữ điệu, chất giọng và những từ đặc trưng của người miền Nam dễ khiến cho tim người nghe “rụng tim” đi một chút”.

‘Le Quyen hat hay, nhung bolero phai la giong mien Nam moi hop nhat'
Chất giọng, văn hoá tiếp nhận của người miền Nam giúp bolero tồn tại và phát triển mạnh

Nói về thập niên 60, 70 khi bolero phát triển thịnh hành, bà Vĩnh Tường cho rằng thời điểm đó hoạt động ở các vũ trường, hay hoạt động của sinh viên là nguyên nhân chính giúp dòng nhạc này phát triển. “Muốn nhảy tango, rumba... đều phải đòi hỏi kỹ thuật. Nhưng với dòng nhạc bolero, người nghe có thể cảm mà không cần tập tành”, nữ diễn giả chia sẻ.

Giải thích về từ "sến" để chỉ nhạc bolero, diễn giả Vĩnh Tường có chia sẻ khá thú vị. Bà nói: “Các ca sĩ hát nhạc bolero của miền nam thời đó phải rên, phải nức nở, ví dụ như Thanh Thuý, trở thành một hiện tượng rất đặc biệt. Nhưng ngày đó, chưa bao giờ chúng tôi gọi là nhạc sến, chỉ là sinh viên truyền tai nhau. Sến với chúng tôi là ý chỉ sự ngọt ngào, luyến láy, điệu đà. Đó chỉ là một từ bông đùa, không mang ý chỉ trích hay xem thường ai”.

‘Le Quyen hat hay, nhung bolero phai la giong mien Nam moi hop nhat'
Ca sĩ Thanh Thuý

Chính vì thế, trên quan điểm cá nhân, bà Vĩnh Tường cho rằng, vẫn nên giữ cách gọi bolero là nhạc sến, nhưng không được tách rời với ngữ cảnh và thời điểm mà chúng xuất hiện. Có thể vài năm nữa, khái niệm này không còn. Nhưng chúng sẽ là nhãn hiệu để nhận ra nhau, đó là những người sống cùng thời kỳ, có chung một nền văn hoá.

Trong khi đó, một người thuộc cùng thế hệ với bà Vĩnh Tường là nữ ca sĩ Giao Linh, từng bị sốc khi được gọi là nữ hoàng nhạc sến, khi nghe bolero được gọi là nhạc sến. Giải thích cho sự khác biệt này, diễn giả Vĩnh Tường nói: “Tôi hiểu được ý nghĩ của Giao Linh. Cô ấy đã có một quãng thời gian đi xa, khi trở về thì khái niệm này đã bị thay đổi nên bị sốc là việc tất nhiên. Nghĩa của từ này đã bị thay đổi theo thời gian”.

‘Le Quyen hat hay, nhung bolero phai la giong mien Nam moi hop nhat'
Giao Linh từng bị sốc khi được gọi là "nữ hoàng nhạc sến"

Bolero miền Nam đã trải qua những thăng trầm nhất định, nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt. Diễn giả Vĩnh Tường cho rằng đó là do bolero là dòng nhạc dễ chơi. Bên cạnh đó, người Việt có tâm lý thích kể lể và được nghe kể lể. Và dòng nhạc bolero hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này, qua từng giai đoạn lịch sử. Chuyện của tác giả nhưng người nghe xong cũng thấy mình trong đó, thế là bolero đã thành công. “Có những tâm sự chúng ta viết 1 trang chẳng nên thân nhưng các nhạc sĩ chỉ cần 1 câu, và chúng ta thấy mình ở trong đó. Bolero tuy nhỏ nhưng chứa rất nhiều cuộc đời. Khi hiểu được trọn vẹn tiếng Việt thì mới hiểu được bolero”, diễn giả Vĩnh Tường chia sẻ.

Nói về nhạc bolero hiện tại, diễn giả Vĩnh Tường cho rằng Lệ Quyên là một trong những ca sĩ có chất giọng hay nhưng Lệ Quyên hát theo kiểu mới, còn với người miền Nam là hát bolero sến, ngọt ngào, luyến láy mà giọng người miền Bắc đôi khi không hát được.

‘Le Quyen hat hay, nhung bolero phai la giong mien Nam moi hop nhat'
Diễn giả Vĩnh Tường đánh giá cao giọng hát của Lệ Quyên

“Một giáo sư vừa đạt giải Nobel về kinh tế, ông ấy có một công thức cho sự thành công: dễ dàng, dễ hấp dẫn, có tính xã hội, đúng thời điểm. Một sản phẩm hội tụ đủ 4 yếu tố này sẽ thành công. Lệ Quyên đã đáp ứng được nhu cầu, tâm tình của người miền Bắc nên cô ấy thành công là chuyện đương nhiên. Nhưng giọng miền Nam vẫn là ngọt ngào nhất để hát bolero”, nữ diễn giả nói.

Video clip Lệ Quyên hát Sầu tím thiệp hồng:

Dẫu vậy, nữ diễn giả cho rằng chuyện phân biệt vùng miền hay chụp mũ cho nhau là không nên. Những sự tranh cãi nên dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng khác biệt. Bà Vĩnh Tường cho biết có thời gian đã nghe được câu chuyện rằng ca sĩ người Bắc không hát bolero vì ghét ca sĩ miền Nam, và hoàn toàn phản đối điều này. “Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly có bao giờ sờ đến nhạc của Giao Linh và ngược lại. Sự việc này bắt nguồn từ giọng hát mà thôi. Nếu có hát được đi chăng nữa thì liệu có bằng không?”, bà Vĩnh Tường thẳng thắn.

Trên quan điểm cá nhân, nữ diễn giả cho rằng, lối đi của bolero trong tương lai không phải là sự tranh cãi, mà nên tìm đường để bớt những sự sầu khổ, bi luỵ.

Thuỵ Khuê

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Hai Ha Le 23-02-2020 17:20:49

    Cho tôi hỏi Bolero xuất phát từ miền nam, tại sao các ca sĩ thời đó lại phải hát gọng Bắc mà không hát giọng Nam???

    • Tunglx

      Giọng chuẩn Việt nam có 6 thanh dấu, giọng miền Trung và miền Nam có 5 thanh(mất 1 thanh dấu). Nên để hát tròn vành, rõ chữ thì hát phải đủ 6 thanh dấu của tiếng Việt. Miền Bắc phần lớn vẫn giữ được 6 thanh. Từ vùng núi Lang Sơn, Tuyên quang, Sơn la đến Ninh bình đều phát âm 6 thanh cả, chứ không phải riêng Hà nội. Khi hát đủ thanh dấu thì nghe giống giọng miền Bắc thôi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI