Kịch cùng boléro sẽ kiên quyết trong chuyện tác quyền

14/07/2018 - 17:30

PNO - Ngay từ mùa đầu tiên, chương trình Kịch cùng boléro đã để lại dư âm đáng tiếc vì những lùm xùm liên quan đến chuyện tác quyền.

Sự kết nối kém mượt mà giữa kịch và boléro cũng ảnh hưởng đến cảm xúc khán giả. Mùa thi thứ hai vừa lên sóng. Tổng đạo diễn Vũ Thành Vinh đã có cuộc trò chuyện với Báo Phụ Nữ TP.HCM quanh những điều công chúng quan tâm.

Kich cung bolero se kien quyet trong chuyen tac quyen
Tiết mục Thanh xuân của mẹ trong đêm thi đầu tiên của Kịch cùng boléro mùa 2

Phóng viên: Mùa thi đầu tiên, khán giả cho rằng, sự phối hợp giữa kịch và boléro vẫn chưa mượt mà.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh: Chúng tôi thừa nhận vẫn còn nhiều lúng túng trong cách kết hợp giữa boléro và kịch trong mùa đầu. Nhiều chỗ chưa phù hợp, thậm chí boléro chỉ minh họa cho tình huống kịch, chưa nằm trong mạch tổng thể.

Những gì diễn ra ở mùa thi trước cho thấy, không phải đạo diễn nào cũng hiểu boléro hoặc biết cách đưa boléro vào kịch. Thời gian đầu, không ít lần các đạo diễn lúng túng, không biết nên chọn ca khúc boléro trước hay chọn kịch trước rồi mới đưa boléro vào. Có những tiết mục đã hình thành xong ý tưởng, đường dây rồi, đạo diễn mới nhận ra không có bài hát boléro phù hợp để đưa vào. Nhưng đó là kinh nghiệm quý giá cho các đạo diễn ở mùa thi năm nay.

* Từ những kinh nghiệm đó ở mùa đầu, chúng ta sẽ thay đổi thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã nghĩ đến việc sáng tác ca khúc boléro riêng cho các tiết mục dự thi. Thử nghiệm ở tiết mục Nhạn sầu của đạo diễn Ngọc Duyên đạt hiệu quả rất tốt. Năm nay, từ khi khởi động, tôi đã khuyến khích các đạo diễn đặt sáng tác mới cho tiết mục.

Chúng tôi có ê-kíp nhạc sĩ riêng, sẵn sàng hỗ trợ các bạn. Tuy nhiên, đến giờ, các bạn cho biết, họ vẫn có những bài boléro phù hợp, chưa cần sáng tác mới.

Chúng tôi mong các bạn sử dụng những sáng tác mới, để khán giả mê kịch chính thống được xem những tiết mục có đầu tư, dàn dựng nghiêm túc, bài bản; khán giả của boléro cũng được nghe thêm những bài mới. Từ đó, các tiết mục của Kịch cùng boléro cũng sẽ mượt mà, mềm mại và nhiều kịch tính hơn.

Nhưng đây là cuộc chơi của các đạo diễn - những người rất cá tính và muốn được độc lập trong sáng tạo. Tôi chỉ khuyến khích và dành sẵn cho họ một đội ngũ sáng tác để hỗ trợ khi cần, không ép họ phải làm theo mong muốn của tôi.

* Kịch cùng boléro năm ngoái gặp vài lùm xùm về tác quyền. Năm nay hẳn sẽ khác chứ?

- Đó là sai sót đáng tiếc và chúng tôi phải rút kinh nghiệm. Năm nay, chuyện tác quyền sẽ được đưa vào quy chế chấm thi và chúng tôi sẽ rất kiên quyết với những sai phạm (nếu có) về tác quyền.

Thí sinh phải cam kết nếu cảm tác hoặc sử dụng lại sáng tác của người khác, dù chỉ là vài câu thơ hoặc một ý tưởng… cũng phải xin phép và được sự đồng ý. Đạo diễn chỉ cần xin phép và được cho phép, nhà sản xuất sẽ chi trả tác quyền.

Trường hợp gặp khó khăn khi liên lạc với tác giả, chúng tôi sẽ giúp. Tác quyền không đơn giản là chuyện thù lao mà là ý thức, lòng tự trọng và đạo đức của người làm nghề.

Tôi và ê-kíp cũng theo sát các tiết mục dự thi, nhưng thú thực, đôi lúc cũng không thể phát hiện được sự “bất thường” nếu tiết mục đó sao chép ý tưởng từ những tác phẩm không nổi tiếng hoặc ít được phổ biến rộng rãi.

Những bạn sử dụng ý tưởng, kịch bản… từng được dùng ở các lớp học trong trường sân khấu cũng được yêu cầu rà soát lại xem đó có phải là sản phẩm của riêng mình hay của cả nhóm làm việc chung.

* Nếu khi lên sóng, khán giả, tác giả phát hiện sao chép?

- Chúng tôi mong sẽ không phải xử lý bất kỳ vi phạm nào. Nhưng nếu có vi phạm, thí sinh đó sẽ phải chịu kỷ luật tùy theo mức độ mà cao nhất là bị loại khỏi chương trình. Không thể để điều này trở thành tiền lệ xấu.

Chúng tôi sẽ kiên quyết tìm hiểu đến cùng để xác định mức độ sai phạm. Thông cảm cho người trẻ, chia sẻ cả đam mê lẫn khó khăn của họ, nhưng chúng tôi không ủng hộ chuyện sao chép ý tưởng hoặc dùng tài sản người khác mà không xin phép.

* Cảm ơn ông. 

Thảo Vân (thực hiện)

Trừ Như Huỳnh, cháu của NSƯT Nguyễn Chánh Tín, 5 đạo diễn còn lại của Kịch cùng boléro mùa 2 đều là những “người quen” của sân khấu kịch TP.HCM: Thái Kim Tùng - đạo diễn đã dựng khá nhiều vở ở nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ. Trần Minh Tuấn - gương mặt mới được chú ý sau vở nhạc kịch Những người khốn khổ. Minh Nhật - người vừa đoạt giải Đạo diễn triển vọng tại Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 với vở Hiu hiu gió bấc. Thùy Dương là diễn viên từng xuất hiện ở các sân khấu Thế Giới Trẻ, Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân và mới thử sức trong vai trò đạo diễn ở sân khấu Hồng Vân. Đạo diễn Bảo Châu được biết đến sau vở Đám cưới chùm ở sân khấu Nụ Cười Mới.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI