Kép độc Nam Hùng - một đời đau đáu với cải lương

30/04/2018 - 07:08

PNO - Câu chuyện người làm nghề vẫn kể cho nhau nghe khi nhắc đến NSƯT Nam Hùng là lần ông diễn kép độc, giậm chân, hét lớn trên sân khấu khiến trẻ con đang coi hát với mẹ giật mình, khóc thét.

Có ngoại hình của một kép đẹp nhưng NSƯT Nam Hùng lại thành danh với những vai diễn kép độc. 

Theo cha rong ruổi khắp nơi với các đoàn hát để buôn bán và phụ việc, ngày đất nước bị chia cắt, cha con cậu bé Xuý (tên thật của NSƯT Nam Hùng) kẹt lại ở miền Nam.

Kep doc Nam Hung - mot doi dau dau voi cai luong

NSƯT Nam Hùng và vợ - NSƯT Tô Kim Hồng trong tuồng Lưu Kim Đính

Được NSND Phùng Há nhận làm con nuôi và cho ăn học tử tế nhưng lạ một điều, Xuý không thích học, chỉ mê được đi hát như mẹ nuôi. “Ngồi trong lớp học mà đầu óc tôi chỉ mơ về sân khấu, bên tai chỉ nghe văng vẳng tiếng đàn, lời ca”- NSƯT Nam Hùng nhắc lại ký ức của hơn nửa thế kỷ trước mà cứ ngỡ như câu chuyện của ngày hôm qua.

16 tuổi, cậu bé Xuý năn nỉ mẹ nuôi cho nghỉ học để đi theo đoàn cải lương Hương Hoa. Là con nuôi của NS Phụng Hảo – người nổi tiếng trong giới cải lương lúc bấy giờ, cộng thêm những bài học về ca diễn, vũ đạo được mẹ nuôi huấn luyện từ nhỏ và cả sự trưởng thành từ lúc đóng quân sĩ đến kép con,  Xuý không gặp khó khăn khi theo đoàn hát không phải là gánh hát nhà. Nhưng hơn ai hết, Xuý ý thức rất rõ khả năng, thực lực của mình.

Lợi thế về sắc vóc, giọng ca tốt, nhưng ở Xuý lại không có chất mùi mẫn đủ sức làm xiêu lòng khán giả. Ông nói: “Chất giọng mùi mẫn là do trời phú, không thể luyện tập mà có được. Không có giọng ca, mình phải tìm cái khác bù vô để chinh phục khán giả. Ca không luyện được thì phải luyện diễn”. NSƯT Nam Hùng bắt đầu chọn cho mình con đường trở thành kép độc từ đó.

Kep doc Nam Hung - mot doi dau dau voi cai luong

NSƯT Nam Hùng và NSƯT Út Bạch Lan (vở Nước chảy qua cầu) - ảnh Huỳnh Công Minh

Ở đoàn Hương Hoa, anh kép trẻ Văn Xuý được đặt nghệ danh Nam Hùng và bắt đầu thử sức với những vai kép độc đầu tiên. Thời gian làm ông quên lãng nhiều thứ, kể cả tên tuổi của những vai diễn thời son trẻ, nhưng cái cảm giác thấy mình cứ lóng ngóng khi diễn kép độc thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Ông bật cười khi nhắc lại những vai kép độc “đầu đời”: “Tôi diễn kép độc mà cứ hiền khô. Ngó cái bộ dạng, cách diễn của tôi khi đó không mấy ai tin nhân vật trên sân khấu kia là một kẻ độc ác, mưu mô. Mỗi khi nhớ lời má Bảy dạy: “Trong một tuồng hát, các nhân vật đều quan trọng như nhau, có sự tương tác qua lại để tạo thành một tuồng hát hay. Hỷ, nộ, ái, ố trên sân khấu phải rạch ròi. Một kép độc thành công sẽ góp phần giúp vai kép chính được khán giả yêu thương hơn”, tôi lại tự nhắc mình phải làm sao để khán giả càng ghét nhiều, càng tốt”.

Với suy nghĩ đó, mỗi lần nhận vai, NSƯT Nam Hùng lại tìm hiểu thật kỹ nhân vật để chọn cho mình một cách thể hiện sự nham hiểm, độc ác xuất phát từ “tâm địa”, tính cách của nhân vật. Vì lẽ đó, suốt thời gian biểu diễn cho các đoàn hát lớn như Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Minh Châu, Sài Gòn 1, 2-84, NSƯT Nam Hùng nổi tiếng với hàng chục vai kép độc khác nhau: Mễ Kha Đan (Đêm huyền diệu), Hoàng Hạc Tử Lang (Thuyền ra cửa biển), Bình Thiếu Quân (Tiếng hạc trong trăng), Chu Phác Viên (Lôi vũ), Đổng Trác (Phụng Nghi Đình), thầy Đề (Ngao Sò Ốc Hến)… nhưng mỗi vai diễn là một sự khác biệt. 

Kep doc Nam Hung - mot doi dau dau voi cai luong

NSƯT Nam Hùng vai Bình Thiếu Quân (Tiếng hạc trong trăng). Ảnh Huỳnh Công Minh

Có vai kép độc, ông la hét, gầm gào khiến con nít giật mình khóc thét; có vai chỉ cần nghe cái giọng rít qua kẽ răng, ánh mắt lạnh lùng, toé những tia nhìn độc ác, người xem đủ cảm thấy ớn lạnh. Nhưng NSƯT Nam Hùng nói mình thích diễn những vai kép độc mà khán giả không dễ nhận biết khi nhân vật xuất hiện trên sân khấu, nhưng càng xem khán giả càng cảm thấy ghê sợ và căm ghét nhân vật đó.

Ông muốn mình xoá được cái suy nghĩ hễ kép độc thì ngoại hình phải bặm trợn, hung dữ, bởi cuộc sống vốn muôn mặt, có những kẻ hiểm độc, mưu mô nhưng lại được che giấu sau vẻ bề ngoài hiền lành, tốt bụng.

Với ông, nhân vật càng bị khán giả ghét, đồng nghĩa với ông đã thành công. Chịu cho khán giả ghét để có thể toả sáng, nhưng từ trong tiềm thức, NSƯT Nam Hùng chưa bao giờ mảy may có suy nghĩ ganh ghét hay tỵ nạnh với những NS được đóng vai kép đẹp, kép mùi.

Kep doc Nam Hung - mot doi dau dau voi cai luong

NS Nam Hùng và NS Thành Được vở Trăng sương cầu Trúc (năm 1966). Ảnh Huỳnh Công Minh

Giới làm nghề vẫn hay nhắc đến NSƯT Nam Hùng với tình cảm yêu thương, kính trọng một nghệ sĩ (NS) vừa tài năng, vừa có tâm với nghề và hết lòng với anh em nghệ sĩ. Câu chuyện vẫn được nhiều NS kể lại nhiều nhất là những lần anh kép độc Nam Hùng tận tình hướng dẫn các anh kép mới về đoàn, có giọng ca mùi mẫn nhưng lại lơ ngơ trong diễn xuất. Không mảy may giấu nghề, ông chỉ dạy cho họ tất cả những gì đã học được từ mẹ nuôi, từ những nghệ sĩ đi trước và cả những gì ông đã tích luỹ được trong thời gian làm nghề.

Hỏi ông cắc cớ rằng không lẽ ông không sợ mất bí quyết riêng? Ông cười, nụ cười thật hiền: “Nghề hát rất đặc biệt, mỗi người là một cá thể. Cùng học một thầy nhưng mỗi NS phải luôn tìm tòi để biến những gì học được thành cái riêng của mình, phải khác biệt, không được rập khuôn với ai khác. Chỉ dạy cho những người đi sau mình để cùng nhau làm nghề cho tốt hơn, thì có gì phải sợ?”

Trò chuyện với NSƯT Nam Hùng mới hiểu vì sao ông luôn nói ông không bao giờ nghĩ đến việc khán giả sẽ ghét ông hoặc mặc định ông là kẻ xấu vì ông diễn toàn kép độc. Quan điểm, suy nghĩ của ông rất rạch ròi, sân khấu và cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Không phải hễ ai đóng vai ác thì ngoài đời cũng sẽ ác; cũng như không chắc những ai chuyên đóng vai hiền lành thì ở ngoài đời sẽ là người tốt.

Kep doc Nam Hung - mot doi dau dau voi cai luong
NSƯT Nam Hùng bên mộ mẹ nuôi - NSND Phùng Há

Nếu không biết những vai diễn của ông trên SK, gặp NSƯT Nam Hùng ngoài đời chắc chắn ai cũng sẽ nghĩ ông chỉ có thể đóng những vai diễn hiền lành, nho nhã. Cách ông nói chuyện ôn tồn, chậm rãi, cho người đối diện dù mới lần đầu nhưng cảm giác đã rất thân quen, gần gũi từ bao giờ.

Không chỉ chịu ảnh hưởng về lòng đam mê, thái độ làm nghề nghiêm túc, chỉn chu từ mẹ nuôi –NSND Phùng Há, NSƯT Nam Hùng ông còn ảnh hưởng rất rõ về cả suy nghĩ, lối sống của bà. Chưa bao giờ có ai nghe ông than khó, kể khổ, ngay cả lúc hai vợ chồng ông phải sống trong căn nhà chỉ hơn 20m2 hoặc khi mọi sinh hoạt, chi tiêu chỉ trông vào quán phở do vợ làm đầu bếp, ông là nhân viên phục vụ.

Ngay cả ở thời điểm đó thì ông vẫn chỉ lo chạy vạy, xoay sở kiếm các Mạnh Thường Quân để xin hỗ trợ cho những NS còn khó khăn hơn mình. Gần 80 tuổi, nhưng có hẹn với khách lạ, ông vẫn tiếp khách trong bộ quần tây, áo sơ mi được ủi thẳng thớm, tay gài manchette cẩn thận.

Kep doc Nam Hung - mot doi dau dau voi cai luong
NSƯT Nam Hùng và vợ - NSƯT Tô Kim Hồng

Ngại nói nhiều về bản thân, nhưng NSƯT Nam Hùng có thể kể say sưa những ký ức đẹp về sân khấu cải lương, về người mẹ nuôi đã yêu thương ông như con ruột và những bài học ông đã được bà trao truyền… Giọng ông chợt chùng xuống, nghe man mác buồn với khát khao làm cách nào để cải lương vượt khó như đã từng làm ở thập niên 1960, khi cải lương bị phim ảnh Đài Loan, Hongkong, Ấn Độ … ồ ạt tấn công.

Thảo Vân
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI