Dấu ấn ban đầu ra đời cải lương

27/04/2018 - 14:46

PNO - "Tính đến năm 1968, sợi tơ đã được 50 năm và biến biến hóa hóa thiên hình vạn trạng không biết sẽ đi đến đâu mà đoán trước được" - Vương Hồng Sển.

Trong , với nhiều nguồn tài liệu, chứng cứ xác thực, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã khái quát “lai lịch” của nghệ thuật cải lương qua những nét chính:

"* Cho đến năm 1915 tại miền Nam và chính tại Sài Gòn, các tài tử còn ca các bài cũ kiểu “độc thoại” và không bao giờ khi ca ra có bộ; có thể ví đó là thời kỳ thai nghén hay tượng hình tượng trưng của ca hát.

Dau an ban dau ra doi cai luong

* Bắt đầu từ 1916, có ca đối thoại, nhiều người và gọi đó là “ca ra bộ”. Điển hình nhứt là bài Tứ đại oán, Bùi Kiệm thi rớt phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) nhà thầy Phó Mười Hai. Đây là thời kỳ trứng nở biến ra nhộng nhưng chưa biết se tơ.

* Đêm 16/11/1918 tại rạp hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng Pháp - Việt nhứt gia cũng gọi Gia Long tẩu quốc. Thời kỳ này, con tằm đã biết kéo chỉ, nhưng chưa khéo như sợi tơ tằm “cải lương” sau này; tuy vậy nên kể là thời kỳ phôi thai của cải lương được. 

* Sau đêm 16/11/1918 André Thân trước, rồi Năm Tú sau, đưa cải lương lên sân khấu thiệt thọ. Năm 1922 chính là năm điển hình, diễn tuồng Trang Tử thử vợ và tuồng Kim Vân Kiều mấy phen tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và rạp Modern Sài Gòn. Lúc này cải lương đã ra đời và thành hình thật sự.

Con tằm đã lanh lẹn và sợi chỉ đã săn, thâu súc lại chắc chắn. Một sợi tơ kéo ra Bắc do sinh viên trường cao đẳng. Tính đến năm 1968, sợi tơ đã được 50 năm và biến biến hóa hóa thiên hình vạn trạng không biết sẽ đi đến đâu mà đoán trước được".

P.V 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI