Chuyện 'Chim ưng và chàng đan sọt': Gắn nhiều chi tiết sex vào nhân vật chính sử là không nên

25/04/2018 - 08:49

PNO - Liên quan đến vụ cuốn tiểu thuyết lịch sử ‘Chim ưng và chàng đan sọt’ có nhiều đoạn tả cảnh ái ân dung tục lại đạt giải Sách quốc gia, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu lên tiếng nhận định.

Cho đến nay, phản ứng trái chiều về việc cuốn tiểu thuyết lịch sử Chim ưng và chàng đan sọt có nhiều đoạn miêu tả cảnh ái ân dung tục giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Võ Vương Trần Quốc Nghiễm (con trai cả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) vẫn đang nóng trên mạng xã hội.

Về phía ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản, Trưởng Ban giám khảo giải thưởng Sách Quốc gia- ông cho biết đã phối hợp với các bên liên quan để xem xét lại yếu tố sex trong cuốn sách. Từ đó cân nhắc về giải thưởng đã trao và sẽ thông tin chính thức với báo chí.

Chuyen 'Chim ung va chang dan sot': Gan nhieu chi tiet sex vao nhan vat chinh su la khong nen
Bìa và đoạn văn được cho là dung tục khi viết về cảnh ái ân giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy

Hiện tại, những ý kiến phản đối từ dư luận vẫn liên tục được đưa ra khi cho rằng Chim ưng và chàng đan sọt không xứng đạt giải thưởng Sách quốc gia. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một số nhà văn, nhà nghiên cứu đã có những chia sẻ liên quan đến Chim ưng và chàng đan sọt theo hướng tích cực, đa chiều hơn.

PGS.TS Kiều Thu Hoạch: Tác giả Bùi Việt Sỹ đang viết về sự thật

Theo tôi, việc này không đáng gì vì đời sống lịch sử của nhân vật Trần Khánh Dư dưới thời Trần trong chính sử đúng như vậy. Nên lưu ý về lịch sử đời Trần, nếu theo từ ngữ hiện nay có thể gọi là loạn luân vì thời Trần không cho lấy người họ khác để bảo tồn dòng tộc. Đó là phong kiến thời xưa, ngày nay không chấp nhận nhưng dưới đời Trần, sự thật lịch sử là như thế.

Vừa rồi tôi làm nghiên cứu về chầu văn đời Trần, tôi tra cứu nhiều tư liệu thì đời sống lịch sử dưới thời vương triều này đúng như thế. Vào đời Trần, chuyện đánh giặc rất ghê nhưng chuyện tình cảm cũng rất phức tạp từ chính quy định không cưới người ngoài họ. Một quy định kỳ lạ dẫn tới vương thân nhà Trần có mối quan hệ rất phức tạp, nếu mình nói nghiêm túc là có vấn đề về đạo đức.

Nói về cuốn sách, tôi cho rằng văn chương thì phải được phép hư cấu nhưng độc giả nên hiểu đây là một sự thật lịch sử. Tác giả có thể viết nhẹ đi hoặc nếu cẩn thận, người viết có thể cắt ra và đưa xuống chú thích rằng đó là một sự thật lịch sử theo Bách khoa toàn thư, Đại Việt sử ký toàn thư chẳng hạn để thuyết phục được người đọc. Nếu họ có nhu cầu cần tra cứu có thể tìm hiểu thêm. Công chúng bây giờ cũng phức tạp, lượng tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội cũng phức tạp.

Hội đồng chấm giải đợt này chấm khá kỹ, tôi đạt giải A giải Sách hay Quốc gia nhưng cuốn sách của tôi có nhiều điểm ngược với sử học nhưng nếu hay và cung cấp góc nhìn mới thì hội đồng chấm giải cũng phải chịu thôi.

Quan điểm riêng của tôi là một quyển sách hay không phải chi tiết nào cũng toàn bích. Tổng thể hay thì cuốn sách hay và vấn đề đời sống tình cảm cũng là chuyện đời thường. Đó là sự thật trong lịch sử, không phải tác giả Bùi Việt Sỹ bịa ra, hư cấu nó.

Chuyen 'Chim ung va chang dan sot': Gan nhieu chi tiet sex vao nhan vat chinh su la khong nen
Tác giả Bùi Việt Sỹ với cuốn Chim ưng và chàng đan sọt đã từng gây tranh cãi bản quyền vào năm 2016

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Nếu nhận xét ngôn ngữ của tác giả mạnh bạo là không công bằng

Một tác phẩm văn học dựa trên chính sử, nhà văn họ có quyền dựa vào các thông tin lịch sử để hư cấu thành cuốn tiểu thuyết như họ muốn. Việc này hoàn toàn không sai bởi vì, tiểu thuyết lịch sử khác với sách lịch sử.

Ở trường hợp này, không khác việc tác giả đắp "thêm da, thêm thịt" để tiểu thuyết đó được "hồng hào" và đạt được ý đồ mà nhà văn họ muốn. Không riêng gì Việt Nam, tiểu thuyết lịch sử ở các nước trên thế giới, nhiều tác giả vẫn áp dụng như thế.

Nếu nói về công thức hư cấu thì hoàn toàn không có. Khi tác giả phát triển nội dung, tình huống trong tiểu thuyết họ sẽ căn cứ vào tình huống sẽ kéo dài đến đâu, sự va chạm giữa các nhân vật đến mức độ nào là vừa và họ sẽ chọn dừng lại. Ở đây hoàn toàn không có công thức là bao nhiêu phần trăm hư cấu, bao nhiêu phần trăm sự thật lịch sử. 

Hiện tại có nhiều quan niệm về lịch sử khác nhau, không ai có thể nhận xét tiểu thuyết lịch sử của người này đúng, người kia sai vì khi viết tiểu thuyết lịch sử, tất cả đều căn cứ vào sự thật trong chính sử nhưng phát triển và đưa ra thông điệp như thế nào thì theo ý tác giả. 

Nếu nói đến yếu tố sex trong các cuốn tiểu thuyết lịch sử thì có cuốn sách nhà văn người Pháp viết về Nguyễn Trãi, NXB Văn Nghệ TP.HCM xuất bản năm những năm 1999 – 2000 (tiểu thuyết Vạn Xuân của nữ nhà văn người Pháp Yveline Féray - PV). Sau khi ra mắt, cuốn sách gây ra một cuộc chiến dữ dội giữa những người cho rằng tiểu thuyết lịch sử phải tôn trọng sự thật, không nên hư cấu, không sex hoá để câu khách… Nhưng sau cùng, chẳng bên nào có thể thắng bên nào và kết cục lại, tác giả vẫn có quyền hư cấu.

Tất cả chúng ta, những người đọc hôm nay không ai sống trong thời đại của Nguyễn Trãi để khẳng định rằng có hay không có những việc làm như thế trong lịch sử. Đó là trí tưởng tượng tung tăng của tác giả trong sáng tác để nói về một con người. Và, một người bình thường thì không tránh được những việc như thế. Còn ngôn ngữ trong sách, tuỳ theo phong cách của người viết, có người viết bạo dạn hơn, có người mềm hoá đi hay nửa kín nửa hở… Do đó, rất khó để nói ngôn ngữ mà tác giả Bùi Việt Sỹ viết là mạnh bạo. Nếu đánh giá như thế, tôi nghĩ không công bằng với nhà văn.

Tôi không phản đối cũng không ủng hộ văn phong của mỗi nhà văn khi viết sách vì nó tuỳ thuộc vào mỗi chủ đề, tính mâu thuẫn, sự xung đột trong tiểu thuyết cần đến mức như thế nào. Chỉ trừ trường hợp, chi tiết rất nhỏ nhưng nhà văn làm lớn, lợi dụng để thổi bùng nó lên vì mục đích riêng thì mới đáng chê trách. 

Chuyen 'Chim ung va chang dan sot': Gan nhieu chi tiet sex vao nhan vat chinh su la khong nen
Trong Chim ưng và chàng đan sọt, tác giả khắc hoạ chân dung nhân vật Phạm Ngũ Lão. Ngoài Phạm Ngũ Lão, nhà văn còn nhắc đến nhân vật Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Nhà văn Nguyễn Phan Hách, Trưởng tiểu ban sách văn học, là 1 trong 22 thành viên thuộc hội đồng giám khảo giải thưởng Sách quốc gia: Cuốn Chim ưng và chàng đan sọt viết hơi phóng túng nhưng đúng.

Nhà văn Nguyễn Phan Hách cho rằng trong sử liệu, nhân vật Trần Khánh Dư sống phóng túng và không theo khuôn phép nên việc nhà văn viết khác đi lối sống có thật trong lịch sử sẽ khiến tiểu thuyết không còn sinh động, không đúng.

Còn việc trao giải cho Chim ưng và chàng đan sọt cũng trải qua một quá trình cân nhắc nghiêm túc, chặt chẽ nên không có việc chỉ dựa vào kết quả cuốn sách đạt giải B Cuộc thi Viết tiểu thuyết giai đoạn 2011 - 2015 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức mà trao giải C Sách quốc gia.

Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Phan Hách cũng tỏ sự đáng tiếc khi độc giả phản ứng trước những đoạn văn được cho là dung tục. Ông cho rằng phản biện là quyền của công chúng và nên chăng tác giả không nên đưa vào nhiều chi tiết sex vì sẽ không thích hợp với nhân vật chính sử.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI