'Chạm': Sài Gòn bao giờ cũng đáng yêu

13/05/2018 - 12:54

PNO - Mỗi bức ảnh đều mang một câu chuyện đằng sau nhưng nhóm tác giả quyết định ‘giấu’ đi để người xem được cảm nhận Sài Gòn theo cách riêng.

“Chúng tôi vẫn thường hay bảo với nhau rằng, Sài Gòn không chỉ là một danh từ, Sài Gòn là một cá tánh, Sài Gòn là một lối sống, và Sài Gòn có một đời sống rất riêng. Nếu yêu và được yêu, chúng tôi thật thà muốn được gắn bó mãi với một “kẻ” như Sài Gòn… Và, chúng tôi, những người hẳn bây giờ đang còn trẻ, vẫn luôn theo đuổi Sài Gòn theo cách riêng của mình, chạm vào Sài Gòn theo những góc nhìn, những ánh mắt chẳng hề trộn lẫn…”, đôi lời nhóm Humans of Sài Gòn gửi đến những ai quan tâm triển lãm Chạm.  

Sài Gòn ngõ nào cũng đẹp 

'Cham': Sai Gon bao gio cung dang yeu
Toàn Thắng chụp cảnh người cha bế con tại một con hẻm ở Sài Gòn

Toàn Thắng thích len lỏi vào những con hẻm ở Sài Gòn để khám phá cuộc sống nằm sâu hun hút bên trong. Cách biệt những tuyến lộ hoặc chỉ cần len vào sâu vài ba mét, cuộc sống ở đây đã khác.

Những đứa trẻ thoải mái vui đùa giữa cái nắng vàng rực của buổi chiều hè hay cảnh người bà dạy cháu học chữ, dặn cháu viết ngay hàng thẳng lối vì "nét chữ nết người"; rồi vào sâu hơn ở một con hẻm khác là cảnh người cha bồng đứa con thơ trên tay trong nắng chiều… Những hình ảnh yên bình này cứ tưởng phải rời xa Sài Gòn mới nhìn thấy được, nhưng không, có lẽ cuộc sống ở những con hẻm là một thế giới khác mà ít ai biết tới.

“Các bức ảnh mình chụp đều là những câu chuyện bình thường khi mình đi vào nhiều con hẻm nhỏ ở Sài Gòn và chụp lại vài khoảnh khắc cuối ngày. Có những con hẻm khi đi vào bên trong mình thấy một cuộc sống hoàn toàn khác mà trước đó chưa bao giờ nghĩ đến”, Toàn Thắng nói.

Trong 6 bức ảnh do Toàn Thắng chụp, những nhân vật xuất hiện một cách tự nhiên, tạo cho người xem cảm giác như đã nhìn thấy hình ảnh này ở đâu đó: nụ cười trong trẻo của những đứa trẻ, ánh mắt chúng nhìn thèm một ly siro đá bào, gian hàng rau dưới chân cầu đầy màu sắc của chị tiểu thương hay dáng ngồi phì phèo điếu thuốc trong một buổi chiều tàn của người thợ hồ…

'Cham': Sai Gon bao gio cung dang yeu

Ánh mắt bị mê hoặc trước ly siro đá bào ngon tuyệt. Ảnh: Toàn Thắng

“Mình đi nhiều nơi nhưng những con hẻm gần nhà mình thường không để ý. Đến một buổi sáng, mình nhìn ánh nắng sớm hoà cùng với làn khói từ những hàng bán đồ ăn và những bóng người dổ dài xuống trước mắt rất đẹp, cảm giác thấy ngày hôm đó bắt đầu rất nhẹ nhàng”, tác giả tâm sự.

Thành phố nào cũng có tốt và xấu 

“Ở Sài Gòn hay bất kỳ thành phố nào cũng có 2 mặt tốt - xấu, quan trọng mình muốn thành phố ấy xuất hiện trong cảm xúc nào. Cuộc sống đã có quá nhiều thứ đau đầu, quá nhiều áp lực nên nếu gieo được niềm vui nào, cảm xúc tích cực nào thì mình nên làm”, Dư Trần Nhật Quang nói thêm khi giới thiệu về bức ảnh chụp dòng người đông đúc chen lấn nhau vào giờ cao điểm.

 
'Cham': Sai Gon bao gio cung dang yeu
 

Một ảnh đời thường của Sài Gòn trong Chạm 

“Có những buổi sáng mình mở cửa dắt xe đi làm thì thấy ngay cảnh chen chúc nhau trước mặt. Một ngày mới mà bắt đầu như vậy thì chỉ muốn đóng ngay cửa lại nhưng mình thấy chú bán bánh mì ngồi giữa vòng xe bao quanh nhưng gương mắt rất bình thản. Tự nhiên, mình nghĩ đến chuyện quan trọng là cách mình đón nhận điều đó như thế nào thôi còn bất cứ nơi nào cái xấu – cái tốt cũng đều tồn tại song song nhau”, Nhật Quang nói thêm.

'Cham': Sai Gon bao gio cung dang yeu
Một bức ảnh ấn tượng tại Chạm. Ảnh: Nhật Quang

Trong nhóm những bạn trẻ của Humans of Sài Gòn, dường như ai cũng đã từng "bắt" những khoảnh khắc không đẹp của vùng đất này nhưng không ai thấy hình ảnh Sài Gòn xấu đi. Vốn dĩ, sự yêu ghét thuộc về cảm tính nên những tâm hồn trót lỡ có tình cảm với Sài Gòn này cũng ráng đong qua sớt lại để vẫn giữ cho mình tình cảm ban đầu. Nhật Quang nói rằng khí hậu, thổ nhưỡng, kinh tế ảnh hưởng đến tính cách con người nên nếu những người mới đến Sài Gòn có không ưng thành phố này thì theo thời gian, Sài Gòn sẽ “cảm hoá” dần và rồi họ sẽ nhận đây là quê hương thứ 2 một cách tự nhiên nhất.

“Ai đến Sài Gòn cũng có thể làm việc, sinh sống. Họ đến Sài Gòn cả năm và bỏ Sài Gòn đi vào những ngày lễ quan trọng. Tôi hay nói vui rằng Sài Gòn bao dung tất cả nhưng con người không bao dung Sài Gòn vì tết họ rời đi, những kỳ nghỉ lễ, họ rời đi. Nhưng điều đó không quan trọng vì tự bản thân nhiều người, Sài Gòn trong họ đã tồn tại như quê hương thứ 2 mà đã là quê hương thì có ra đi cũng sẽ trở về”, Nhật Quang tâm sự.

'Cham': Sai Gon bao gio cung dang yeu

"Tấm này tôi chụp một người bạn làm nghề tóc bên Mỹ. Thỉnh thoảng khi về Sài Gòn, anh đi cắt tóc dạo miễn phí. Anh không cần biết bạn là ai, đến từ đâu, chỉ cần bạn muốn cắt tóc thì anh này sẽ cắt", Nhật Quang tâm sự. Ảnh: Minh Tú

Sống chậm ở Sài Gòn

Hơi gượng gạo cảm xúc khi muốn sống chậm tại một thành phố luôn nhộn nhịp nhưng điều đó không khó nếu bạn dành thời gian nhìn ngắm kỹ hơn mọi cảnh vật. Và, những thành viên của Humans of Sài Gòn đã bắt đầu quan sát nhiều hơn, sống chậm, sâu hơn khi ý thức được Sài Gòn không chỉ là vùng đất mà đó là “kẻ” có cá tính, phong cách riêng.

'Cham': Sai Gon bao gio cung dang yeu
Triển lãm Chạm trưng bày tranh của 6 tác giả. Ảnh: Minh Tú

Phạm Việt Anh Minh kể về một kỷ niệm giữa trưa tháng 8/2015 khi rời văn phòng và cảm thấy hơi chán công việc đang làm. Trên đường Lê Lai, cậu gặp chú lái xe buýt đang dùng chính chai nước uống để xối lên đầu. Hỏi ra mới biết hôm đó máy lạnh của xe bị hỏng nên không chỉ chú mà tất cả mọi hành khách đều phải chịu cái nóng như đổ lửa của Sài Gòn.

Câu chuyện tiếp tục khi Minh kể về bức ảnh mang tên Toàn cầu hoá mà cậu chụp tại vòng xoay Quách Thị Trang. Đây là bức ảnh đã được in trong sách ảnh đường phố thế giới. Nội dung bức ảnh là câu chuyện thành phố trên đà thay đổi với những công trình xuất hiện thay thế dần nếp sinh hoạt cũ. “Trước đây, khu vực này là nơi chơi đá cầu, các môn vận động nhẹ của người dân nhưng từ khi lô cốt được dựng, hàng rào được xây lên hình ảnh đó không còn. Trong hình, may mắn thay vẫn còn một khoảng sân nhỏ để người mẹ và những đứa con vui chơi nhưng giờ đây niềm vui đó cũng không còn”, Anh Minh chia sẻ.

'Cham': Sai Gon bao gio cung dang yeu
Bức ảnh được Anh Minh chụp vào tháng 8/2015

Minh kể tiếp về bức ảnh của một thành viên khác mà anh tâm đắc, hình ảnh một người đàn ông lưng trần đang đẩy thùng hàng bằng xe máy: “Nếu người nào để ý từ 6h45 đến 7h tối tại chợ Bến Thành, chỉ trong vòng 15 phút, những thanh niên xăm trổ, lực lưỡng sẽ ào ra từ các con đường, ngõ hẻm gần chợ. Họ đẩy những thùng hàng, xe kéo để dựng chợ đêm. Bạn tưởng tượng được không khí xôn xao khi họ la lớn yêu cầu né đường rồi cười nói rôm rả với nhau không? Đó giống như một cuộc đua mỗi ngày nhưng nếu không để ý, bạn sẽ không nhận ra”.

Những câu chuyện về Sài Gòn qua ảnh bình dị như thế cứ nối dài cảm xúc giữa người xem và tác giả. Lâu nay, Sài Gòn không thiếu những buổi triển lãm về mình đủ mọi quy mô. Chính Humans of Sài Gòn cũng đã từng thực hiện những buổi triển lãm, talk show lớn nhưng với tình yêu đặc biệt với vùng đất này, có kể bao nhiêu câu chuyện cũng chưa đủ đầy. 

Ở triển lãm Chạm, Humans of Sài Gòn có tặng những chiếc bánh xinh xắn cho khách tham quan, với một câu hỏi bí mật được đặt bên trong. Lúc nhấm nháp miếng bánh vừa xong, câu hỏi sẽ xuất hiện và nếu bạn đã sẵn sàng hãy trả lời.

'Cham': Sai Gon bao gio cung dang yeu
Một ô cửa SG

Triển lãm Chạm lần này giới thiệu 55 bức ảnh chụp về con người và cuộc sống ở Sài Gòn của 6 bạn trẻ gồm: Minh Phạm, Nhật Quang, Toàn Thắng, Bam Trần, Thu Trang, An Du. 

Triển lãm diễn ra từ 10 – 30/5 tại Toong, 126 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM.

Humans of Sài Gòn thành lập vào tháng 6/2014 bởi những bạn trẻ yêu mến mảnh đất, con người Sài Gòn. Hiện tại, nhóm có 15 thành viên hoạt động chính thức và khoảng 20 cộng tác viên.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI