Vì sao tôi phải ôm con bỏ đi khỏi nhà chồng ngay trong đêm 30 tết? (P. 2)

22/02/2018 - 06:00

PNO - Tôi có cảm giác, chính vì mình có tiền, có đóng góp cho gia đình nên càng bị bố mẹ chồng soi mói, vặn vẹo. Ông bà không từ chối tiền của tôi, nhưng lại luôn có tâm lý đề phòng, tự ái.

Vì sao tôi phải ôm con bỏ đi khỏi nhà chồng ngay trong đêm 30 tết? (P. 1)

Có lần, vì bị đau bụng đột ngột nên tôi đi khám thai gấp, lúc về quên không rút tiền (ở chỗ tôi phải đi rút tiền hơi xa nhà) mà trong ví không đủ tiền đi chợ nên tôi chỉ mua tạm ít thịt xay và mấy quả trứng vịt về chiên cho bữa trưa.

Tôi đã lựa lời giải thích như vậy với bố mẹ chồng rồi buổi chiều phải chạy xe đi mấy cây số rút tiền để mua thức ăn buổi tối tươm tất hơn, nhưng tối đó khi chồng tôi về, mẹ chồng tôi lại xa gần kể chuyện đứa con dâu nhà hàng xóm ỷ có tiền nên đối xử không ra gì với bố mẹ chồng, thỉnh thoảng còn bỏ đói hai ông bà già.

Vi sao toi phai om con bo di khoi nha chong ngay trong dem 30 tet? (P. 2)
Từ khi có vợ của em trai chồng về sống cùng, tôi càng bị nhà chồng để ý, soi mói bởi không khéo ăn khéo nói như em dâu (ảnh minh họa).

Đêm đó chồng lại vặn hỏi tôi ở nhà cho ông bà ăn uống thế nào, tôi nghe mà lòng nặng trĩu vì mệt mỏi. Cứ thế, những chuyện lặt vặt, tủn mủn ấy tích tụ lại ngày một nhiều, khiến tôi không thể thoải mái với bố mẹ chồng như mong muốn lúc ban đầu. 

Tôi có cảm giác, chính vì mình có tiền, có đóng góp cho gia đình nên càng bị bố mẹ chồng soi mói, vặn vẹo. Ông bà không từ chối tiền của tôi, nhưng lại luôn có tâm lý đề phòng, tự ái như thể nếu không “chặn đầu” trước thì tôi sẽ lên mặt khinh thường nhà chồng, dù tôi chưa bao giờ làm thế.

Khi tôi biếu ông bà tiền, ông bà nhận nhưng lại thêm một câu: “Nhà cửa đất đai của bố mẹ sau này để lại cho anh chị cả chứ cho ai, mà chị có phúc lắm mới lấy được thằng T. đấy, chăm chỉ lại hiền lành, chẳng chứng nọ tật kia, cả cái đất này làm gì có ai được như nó”. 

Mọi chuyện trở nên tệ hơn khi em trai anh lấy vợ. Em dâu chồng tôi cực kỳ khéo ăn nói, gặp ai cũng đon đả, ngọt nhạt, khen người khác không tiếc lời. Sống cùng nhà nhưng em dâu tôi hầu như không động tay vào việc gì, mặc cho tôi làm hết. Ai cũng thấy điều đó, nhưng mọi người mặc nhiên xem đó là việc bình thường, bởi ai cũng bị những lời ngon ngọt của cô ấy đưa lên mây. Trong khi đó, tôi vốn không phải người giả lả, chỉ chào hỏi và chuyện trò vài ba câu nên tự nhiên bị đem ra so sánh. Những lần đó tôi chỉ cười trừ và tự nhủ, từ từ rồi mọi người cũng ghi nhận thôi.

Tôi sinh con tháng 9, đến tết con mới chỉ được gần 5 tháng, em dâu chưa bầu bì con cái gì, nhưng mọi việc chợ búa dọn dẹp chuẩn bị tết nhất vẫn là tôi đảm nhiệm bởi cái danh “dâu trưởng” khoác trên đầu. Trong khi tôi bù đầu vừa chăm con vừa đủ làm mọi việc thì em dâu nhởn nhơ nhàn nhã đưa mẹ chồng đi đây đi đó.

Sáng 30, chú thím chồng từ miền Nam ra ăn tết cùng gia đình tôi. Đang tất bật dưới bếp, tôi chỉ kịp chạy lên nhà chào chú thím và lấy nước, hoa quả mời mọi người rồi vội vã xuống bếp để làm cơm cúng cho kịp giờ. Trên nhà vang lên tiếng hỏi han, cười đùa rộn rã như pháo rang. 

Vi sao toi phai om con bo di khoi nha chong ngay trong dem 30 tet? (P. 2)
Trong lúc em dâu cùng mọi người vui vẻ chuyện trò ở nhà trên thì tôi một mình đánh vật với cỗ bàn trong bếp (ảnh minh họa).

Sau bữa cơm tối, tôi mới có chút thời giờ rảnh ngồi cùng cả nhà, tay vẫn bế nựng cho con uống hết bình sữa. Câu chuyện của mọi người bỗng nhiên chuyển hướng khi chú chồng gọi tôi rồi bảo: “Chú nói thật, mày làm dâu trưởng như thế là không được. Chú thím từ xa về mà không hỏi han được một câu cho ra hồn, trong khi em dâu út thì đon đả, quan tâm cô chú hết lòng”.

Thím cũng cau mày nhìn tôi: “Nghe bảo nhà cháu trên Hà Nội giàu lắm. Nhưng đừng ỷ mình có tiền rồi coi thường nhà chồng, đến câu hỏi thăm cũng tiếc, sống như thế ở quê không ai người ta thương nổi đâu. Hay cha mẹ cháu dạy cháu kiểu sống coi thường người khác như thế?”. Mẹ chồng tôi thấy vậy cũng đưa mắt lườm tôi vẻ khó chịu.

Tôi sững người, cố nén nước mắt, vừa đưa mắt nhìn chồng mong anh nói một câu công bằng để mọi người hiểu và thông cảm cho tôi thì bắt gặp gương mặt tức tối của anh. Anh to tiếng bắt tôi phải xin lỗi bố mẹ và chú thím ngay. Nhưng đó là giọt nước tràn ly, tôi không thể nào nhịn thêm được nữa. 

Lần đầu tiên, tôi “bật” lại cả gia đình chồng, và điều đó xảy ra ngay trong đêm 30 tết: “Thưa bố mẹ, thưa chú thím. Từ khi về làm dâu nhà mình, con chưa một lần cãi lời bố mẹ, chưa một lần to tiếng với anh chị em. Chưa một lần dù chỉ trong thâm tâm con dám khinh thường ai, càng không nghĩ vì mình có tiền nên được phép hỗn hào. Con biết mình không được mau miệng nên không khiến mọi người vừa ý. Nhưng khi con tất bật lo cỗ bàn, mâm cúng, dọn dẹp nhà cửa trong ngoài, thì tất cả mọi người không một ai phụ giúp.

Con không khéo ăn nói, nhưng mọi việc con đã nỗ lực hết mình cũng chỉ vì mong nhận được sự hài lòng của gia đình. Nhưng giờ, nỗ lực đó không ai coi trọng, bố mẹ con còn bị xúc phạm, con nghĩ, sự có mặt của con ở đây là thừa thãi và khiến mọi người khó chịu. Con xin phép về nhà ngoại đón tết. Khi nào hết tết, con sẽ gửi đơn ly hôn để anh T. được tự do tìm cô con dâu khác đáp ứng được mong đợi của gia đình hơn”. 

Trong lúc cả nhà chồng sững sờ vì tình huống ngoài dự liệu của họ, tôi đã bế con về phòng thu dọn đồ đạc và gọi taxi. Tôi đưa con đi ngay, mặc cho mẹ chồng chửi bới, chồng quát tháo đe dọa đủ kiểu. Từ đó đến nay đã một tuần, ngày nào chồng tôi cũng gọi cả chục cuộc nhưng tôi không bắt máy. 

Tôi thấy mình không thể chịu đựng thêm cuộc sống đó cùng những con người gia trưởng, ích kỷ, sĩ diện và vô lý đến vậy. Đơn ly hôn tôi đã soạn xong và sẽ đơn phương nộp lên tòa. Đời quá ngắn, chẳng cớ gì phải chôn chân mình trong một cuộc hôn nhân được xây dựng bằng hai từ “chịu đựng” – nhất là khi chẳng ai coi trọng điều đó. 

K.T.
(Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI