Vết thương vô hình

22/10/2017 - 12:00

PNO - Ly hôn cũng là việc bình thường, cũng danh giá như việc kết hôn, thậm chí còn danh giá hơn, vì dễ gì mà quyết định được, thực hiện được việc đó. Vậy tại sao ai cũng ái ngại, thương cảm cho em khi nhắc đến?

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em 29 tuổi, lập gia đình được bốn năm thì chia tay, đang sống một mình cùng con gái hai tuổi. Em thấy mình rất ổn, hình thức cũng dễ coi, có công việc ổn định, có bạn bè thân thiết, thu nhập đủ sống, đủ ăn diện, thỉnh thoảng đi chơi xa. Nhà cửa cũng ổn, ba mẹ em cho riêng em một căn hộ nhỏ, hơi xa trung tâm thành phố, đi làm hơi vất vả nhưng bù lại em tìm được chỗ gửi con gần công ty nên sáng hai mẹ con cùng đi rồi chiều cùng về.

Tất nhiên cuộc sống không chỉ có màu hồng, cũng có những lúc vất vả, nhưng so với khi còn sống trong hôn nhân, em thấy nhẹ nhõm, tự do hơn, tự quyết định những vấn đề của mình, không bị áp đặt một cách vô lý. Em không bao giờ ân hận về quyết định của mình. 

Vet thuong vo hinh
 


Nhưng như thành thông lệ, trong những dịp giao tế, bạn bè hay những người thân quen, nếu giới thiệu em, nhắc đến chuyện hôn nhân, tự khắc giọng nói họ nhỏ lại, ái ngại, buồn thương, như không muốn chạm đến nỗi đau của em, một nỗi đau ghê gớm, sâu sắc!

Nhiều khi em rất bực. Em coi việc ly hôn cũng bình thường, cũng danh giá như việc kết hôn, thậm chí còn danh giá hơn, vì dễ gì mà quyết định được, thực hiện được việc đó. Cưới xin thì cả hai gia đình xúm vô cùng lo liệu, chứ lúc chia tay, người đàn bà chỉ trơ trọi một mình, phải chống lại tất cả!

Em quyết định, lần sau nếu ai đó làm ra vẻ chạm đến “vết thương vô hình nhưng đang rỉ máu”, ái ngại cho hoàn cảnh ly hôn của em, em sẽ dập cho một mẻ. Chuyện đó là chuyện riêng của em, đừng có động vào…

Mỹ Liệu (TP.HCM)


Em Mỹ Liệu thân mến,

Ai có ở trong cuộc mới biết chuyện của mình ngọt bùi cay đắng ra sao, còn thiên hạ có cái nhìn riêng của họ, chín người mười ý, người thì cho đó là nỗi bất hạnh, thương cảm chia sẻ với em, người thì cho đó là giải phóng, ao ước mình được mạnh mẽ độc lập như em. Nếu mình cứ đi điều chỉnh quan niệm của họ, thì còn đâu thời gian để mà sống nữa em nhỉ. Đó là chưa nói, khi mình lên giọng cải chính, chắc gì người ta đã hiểu đúng điều mình muốn nói, họ cố tình hiểu chệch đi, thì mình cũng chịu chứ biết làm sao.

Vet thuong vo hinh
 

Vậy nên, Hạnh Dung nghĩ mình không cần băn khoăn nhiều về việc mọi người nhỏ giọng thông cảm hay lớn tiếng tuyên bố về tình trạng hôn nhân của mình. Nếu em vẫn còn lo lắng chuyện này, thì xử sự theo kiểu “thực chứng” là tốt nhất: cứ vui tươi, thân ái với mọi người, ăn mặc phù hợp cho mình đẹp đẽ, tươi tắn hạnh phúc lên, chăm con cho đầy đủ không phải thiếu thốn gì. Đó là cách tốt nhất để nói rằng tôi không bất hạnh, không cần thương hại tôi. 

Đừng lên tiếng đính chính, hay “dập” cho ai đó một mẻ làm gì, càng cố gắng nói rằng, đó là chuyện nhẹ nhàng, thì càng làm cho chuyện nặng nề thêm em ạ. Trong định kiến xã hội, đàn bà mà phải “một mình lo bảy lo ba” thì vất vả, tội nghiệp, suy nghĩ này cũng bình thường, mình không cần gồng lên cải chính. Mọi định kiến đều chậm thay đổi, vật vã cải chính cũng tức là mình cũng bị chi phối phần nào bởi định kiến ấy, phải không em?

Điều quan trọng nhất bây giờ là em tìm được hạnh phúc đích thực của đời mình. Em hãy sống vui, yêu đời yêu người, và nếu có thể, có một bờ vai mới để ngả đầu hạnh phúc. Khi ấy, chẳng ai phải thấp giọng chia sẻ với nỗi cô đơn hay sự đổ vỡ của mình. Em đang có sự tự chủ và các điều kiện để có thể bình tĩnh, từng trải hơn, trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Mong em sẽ cười vui, nói lời cảm ơn với những ai chân thành lo lắng cho mình, và biết cách ngẩng đầu ngạo nghễ coi thường sự thương hại. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI