Văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân ở Việt Nam còn rất nặng

20/04/2018 - 16:00

PNO - Không phải ai bị quấy rối cũng dễ nói ra. Bởi khi nạn nhân tung hê vụ việc, ở nước ta thường có tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân hoặc xem nạn nhân như trò cười...

Thông tin một cộng tác viên của một tờ báo nghi bị một sếp tại tòa soạn này xâm hại lan truyền trên mạng xã hội Facebook vào tối 18/4 khiến cả làng báo bàng hoàng. Theo dòng đề tài này, báo Phụ Nữ đã có bài phỏng vấn bà Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và Phát triển MDI, người sáng lập diễn đàn Nhà báo và Bình đẳng giới.

Phóng viên: Số lượng nhà báo nữ ở Việt Nam đang ngày càng tăng. Thế vấn đề bình đẳng giới tại các tòa soạn thì sao, thưa bà?

Trần Lệ Thùy: Hiện nay, chế độ lương bổng cũng như đãi ngộ của nhà báo nữ so với nhà báo nam hầu như không chênh lệch. Nếu trước đây, nhà báo nữ khó có cơ hội thăng tiến lên cấp quản lý thì trong mấy năm trở lại đây, dù không phải nhiều, cũng đã có.

Van hoa do loi cho nan nhan o Viet Nam con rat nang
 

Thế nhưng, vấn đề về giới trong giới báo chí vẫn chưa được quan tâm đúng mức là quấy rối tình dục. Do đặc thù nghề nghiệp phải ra ngoài giao tiếp rất nhiều, nguy cơ các nhà báo nữ bị quấy rối khá cao. Cũng chưa có tòa soạn nào đưa ra quy định rõ ràng về chống quấy rối tại đơn vị mình. Đặc biệt, khi sự việc xảy ra, chúng ta cũng chưa có hướng giải quyết nào cụ thể. 

* Hậu quả của việc im lặng là gì?

- Khi xảy ra chuyện trong cơ quan, để có thể tiếp tục làm việc, hợp tác với nhau là điều rất khó. Các bạn bị khó chịu, căng thẳng thần kinh, không thể làm việc cùng môi trường với kẻ quấy rối mình. Một môi trường làm việc thiếu nghiêm túc, không có quy trình đảm bảo, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc phát huy năng lực của phóng viên, nhất là phóng viên nữ, nhà báo nữ. Có khá nhiều trường hợp nghỉ việc, chuyển việc vì bế tắc, không biết phải giải quyết thế nào. Thậm chí, có trường hợp tự tử.

* Có người tự tử là chuyện lớn lắm rồi. Nó liên quan tới danh dự của người trong cuộc lẫn cả tòa soạn. Có phải đó là lý do để tòa soạn “bơ” vấn đề này khi có chuyện?

- Không riêng gì các tòa soạn. Đây là vấn đề chung trong môi trường công sở của Việt Nam. Hầu hết các cơ quan ở nước ta chưa có quy định hay quan tâm đúng mức đến chống quấy rối. Ở nước ngoài, tại các trường đại học, các cơ quan, công sở, đều có quy định rất rõ ràng. Họ được đào tạo tương đối rõ như thế nào là quấy rối và cần ứng xử với chuyện đó thế nào.

Việt Nam chưa xem trọng, có thể vì người ta nghĩ, đó là chuyện của người khác, không phải chuyện của mình. Đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan tới thanh danh, uy tín của các bên. Một khi bị liên quan, có thể bị ảnh hưởng cả đời. Tôi luôn ủng hộ điều tra rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, đó phải là một cuộc điều tra thận trọng. Nói gì thì nói, điều đó cũng ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng người bị điều tra cũng như nạn nhân.

Nhân đây cũng xin nói thêm, cộng đồng mạng thường tham gia một cách thái quá vào, “bêu” danh tính những người liên quan gần như ngay lập tức, trong khi sự việc vẫn đang được điều tra và chưa ngã ngũ. Chúng ta phải cẩn thận với mọi hành vi của mình, dù là một cái like hay một bình luận. Việc bảo vệ nhân thân những người liên quan là rất quan trọng. Nước ta chưa có “quyền được lãng quên” trên internet nên càng phải thận trọng hơn.

Van hoa do loi cho nan nhan o Viet Nam con rat nang
Ảnh minh họa

* Chúng ta đang thiếu gì?

- Qua những vụ như thế này, các tòa soạn cần ý thức hơn về những nguy cơ mà các nhà báo, nhất là nhà báo nữ có thể gặp phải, để từ đó có các biện pháp mang tính hệ thống để phòng ngừa. Ví dụ, những bạn sinh viên thực tập hay những phóng viên trẻ - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất - phải được đào tạo và hướng dẫn kỹ để ứng xử với đồng nghiệp, với nguồn tin. Chính các nhà báo nữ cũng nên hiểu ranh giới giữa quấy rối tình dục và ứng xử bình thường của đồng nghiệp. Ở mức cao hơn, các tòa soạn nên có mạng lưới hay quy trình hỗ trợ những trường hợp khẩn cấp. Việt Nam ta cũng thiếu cả hệ thống bác sĩ tâm lý cho các nạn nhân. Thành ra, nạn nhân chỉ biết cắn răng chịu đựng hoặc kể cho nhau nghe, không biết trông cậy vào nơi nào.

* Theo bà, văn hóa phương Đông có phải là một trong những yếu tố cản trở các nạn nhân lên tiếng?

- Bản chất việc này rất khó và cũng rất nhạy cảm. Ngay cả phương Tây cũng thế, không riêng gì nước ta. Thế nhưng, ở Việt Nam, càng nhạy cảm hơn; vì nó được xem là vấn đề cấm kỵ. Khi nạn nhân nói ra, ở nước ta thường có tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân hoặc xem nạn nhân như trò cười. Mọi người không thấy được rằng, đó là vấn đề bạo lực đối với đồng nghiệp. Ta chưa nghiêm túc trong bình đẳng giới cũng như xâm hại tình dục, chưa hiểu cách ứng xử trong trường hợp đấy như thế nào. Văn hóa đổ lỗi cho các nạn nhân ở Việt Nam còn rất nặng nề.

* Cảm ơn bà. 

 Du Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI