Nhà càng to đẹp, vợ chồng càng…to tiếng

28/02/2017 - 12:22

PNO - Vợ chồng cứ lục đục vì căng thẳng. Thật tình, em chẳng còn hồ hởi gì chuyện nhà mới nữa mà cứ nơm nớp sợ lặp lại chuỗi ngày vất vả và cãi vã nhau.

Vậy là mình vừa dọn vào căn nhà thứ ba mình mới xây xong. Mười năm hôn nhân, sáu lần chuyển chỗ ở, từ ở nhờ đến ở thuê rồi ở nhà của mình thật sự; chuyển từ huyện Bình Chánh ra quận Tân Phú đến quận 3 qua quận 1, đủ cả. Bạn bè thường khen mình đã không ngừng nỗ lực. Cũng đúng thôi! Mà quả thật, trước đây có nằm mơ em cũng chưa bao giờ dám nghĩ mình có thể sở hữu một căn nhà mặt tiền ngay trung tâm thành phố, có thể lên sân thượng ngắm pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa tận bến Bạch Đằng.

Nha cang to dep, vo chong cang…to tieng
 

Nhiều đêm nằm bên anh trong căn phòng ngủ tiện nghi mà anh vẫn đùa là “chuẩn khách sạn năm sao”, em lại mơ về cái giường tre ọp ẹp của tuổi thơ, chỉ có chiếc quạt nhỏ đầu giường quay vù vù trong đêm hè yên ắng, ngó lên trần là có thể ngắm trăng sao qua mái tôn thủng lỗ chỗ.

Chỉ vậy nhưng em vẫn ngủ thật ngon, nuôi những giấc mơ bay bổng, trong cuộc sống bên cha mẹ và các anh em mình. Ngôi nhà “chuẩn ngàn sao” trong ngõ sâu hun hút ấy quá đỗi thân thương suốt những năm tháng đầu đời của em. Đi lại trong ngôi nhà lệch tầng sang trọng này, em thường bần thần nghĩ đến căn hộ bé xinh mình đã ở khi mới kết hôn. Căn hộ chỉ 40m mà gói ghém đủ công năng và tất cả yêu thương của đôi vợ chồng son. Trên tường treo đầy hình ảnh mình yêu nhau, kết hôn, trăng mật. Trên kệ đặt tất cả kỷ vật mình tặng nhau, lưu dấu những tháng ngày, những vùng đất từng in dấu chân chúng mình. Căn hộ luôn ngập tràn tiếng cười trong trẻo và thơm mùi thuốc Bắc mình sắc uống tẩm bổ kiếm con. Mỗi khoảng không lại như đều ghi dấu những bất ngờ thú vị mình dành cho nhau. Giai đoạn yên bình đó, mình có đi đâu cũng chỉ muốn về nhà.

Rồi khi vợ chồng gom góp xây dựng “ngôi nhà và những đứa trẻ” thì cũng là lúc yêu đương vơi cạn, lo toan chất chồng. Nhà càng to, càng “tiến vào Sài Gòn”, mình càng mệt mỏi từ việc chọn mua đất, thiết kế, thi công, đến sắp đặt, trang trí... Em phải lùng sục mua sắm, trông coi từng chi tiết một, cân nhắc thiệt hơn từng ly từng tí, trong khi anh đau đầu cân đối tiền nong.

Chưa kể sau đó là chuỗi ngày dài giữ gìn và duy tu. Nhà rộng đẹp và hiện đại nhưng mình chẳng thể hưởng thụ nó đúng nghĩa vì tối mắt lo kéo cày trả nợ và chăm sóc “cái của nợ” mình đã dày công tạo ra. Vợ chồng cứ lục đục vì những căng thẳng ấy. Thật tình, em chẳng còn hồ hởi gì chuyện nhà mới nữa mà cứ nơm nớp sợ lặp lại chuỗi ngày vất vả và cãi vã nhau.

Suy cho cùng, nhà dù đắt hay rẻ thì cũng là vật ngoại thân, chỉ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Em chỉ muốn gia đình mình sống thoải mái trong nhà, chứng kiến chuỗi ngày hạnh phúc bên nhau và những khoảnh khắc con mình khôn lớn. Ngôi nhà dù sang trọng nhưng lại quá xa lạ vì anh luôn cẩn trọng giữ gìn, em buộc phải lau dọn suốt ngày, các con không được hồn nhiên tô vẽ vì sợ bẩn tường. Anh thường tự hào về những ngôi nhà mình từng ở vài năm rồi dọn đi không để lại một tỳ vết. Tất cả đều như mới!

Thế nhưng, em đã rất ngậm ngùi trước biểu hiện đó, vì nó có nghĩa là thời gian ấy chưa bao giờ mẹ con em được thoải mái, dù đang sống-trong-nhà-của-mình. Sao mình lại khổ sở như thế hả anh? Bọn trẻ chỉ muốn về ngoại để được tung tăng chạy nhảy. Ông bà chỉ sợ cháu ngã chứ chẳng quan tâm căn nhà có bị thế nào. Anh càng cẩn thận em càng thấy nhà mình hóa xa lạ. Nó như đã thành một thứ báu vật lấp lánh, chỉ để ngắm nhìn chứ không phải để sử dụng. Anh như người bảo vệ tận tụy, em thành người phục vụ hết lòng, chúng ta là chủ nhà nhưng lại tự biến mình thành nô dịch cho ngôi nhà của chính mình.

Nhà không phải để trang trí hay khoe mẽ. Cái mình cần giữ là sự an vui chứ không phải là giữ cho hình thức ngôi nhà luôn hoàn hảo.

Trân Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI