Mẹ chồng ngọt ngào giả tạo

05/07/2018 - 12:00

PNO - Mẹ chồng em rất khéo léo, nói năng với người trong nhà một điều “mình ơi”, hai điều “con ơi”, mềm mỏng đến kinh ngạc. Nhưng sau mấy tháng ở chung, em nhận ra sau cái ngọt ngào ấy là một thái độ vô cảm, lạnh lùng.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em mới lập gia đình được gần nửa năm. Hồi đầu, em cảm thấy vô cùng may mắn, vì em có một bà mẹ chồng hết sức ngọt ngào. Mẹ em rất khéo léo, nói năng với người trong nhà một điều “mình ơi”, hai điều “con ơi”, không bao giờ xẵng giọng. Bà mềm mỏng đến kinh ngạc.

Nhưng sau mấy tháng ở chung, em nhận ra sau cái ngọt ngào ấy là một thái độ vô cảm, lạnh lùng lắm chị ạ. Góp ý với em, mẹ cũng nói năng chải chuốt, “con ngồi xuống đây mẹ nói chuyện này một chút”, nhưng “một chút” đó là cả tiếng đồng hồ trở lên, rất mệt mỏi. Nếu trong cuộc nói chuyện đó mà em lỡ cãi lại, mẹ sẽ nói thêm cả tiếng nữa.

Me chong ngot ngao gia tao
Ảnh minh họa


Em đang mang bầu. Học cách dưỡng thai hiện đại, em cho con nghe nhạc từ khi con còn trong bụng mẹ. Em đeo tai nghe để đỡ làm phiền mọi người. Thế rồi lỡ không nghe mẹ gọi, hay mẹ nói gì đó em chưa kịp nghe, là mẹ sẽ bảo: “Con có điều gì không bằng lòng với mẹ thì cứ nói chứ đừng bịt tai lại trước lời nói của bà già này”, rồi bà bỏ cơm, vô giường nằm. Chồng em nói em nên nương theo mẹ, nói lời ngọt nhạt, bảo mình kính trọng và yêu thương mẹ thì có mất gì đâu. Nhưng em không làm vậy được chị ơi, em thấy nó giả dối lắm.

Mỹ Hoàng (TP. HCM)

Em Mỹ Hoàng thân mến, 

Trong các “kỹ năng mềm” có kỹ năng giao tiếp, cụ thể là ăn nói. Tinh thần chủ yếu của lời nói là giúp mọi người hiểu nhau hơn. Vì vậy, em không cần phải theo đúng cái “xì tai” ngọt ngào của mẹ đâu. Chỉ cần lời nói của em chân thành, mềm mỏng, không làm tổn thương người khác là được. Người ta hay có kiểu phản ứng ngược: với người ăn nói dài dòng, bóng bẩy, ta sẽ muốn nói lại thật ngắn, thật rõ. Nhưng xét cho cùng, mình cũng đừng “ăn cục nói hòn” quá, dễ gây hiểu lầm, nhất là trong trường hợp của em, giữa người trong nhà, lời nói còn là thái độ, tình cảm.

Em cứ giải thích cho mẹ về cái tai nghe em mang, để em bé trong bụng nghe nhạc. Có thể mẹ cũng chưa hiểu và đồng ý, nhưng cũng không sao, mình không tranh cãi gì, em nhé. Còn việc mẹ buồn, không ăn cơm, em vào phòng hỏi thăm một chút cũng là việc nên làm. Đó không phải giả dối mà là phép lịch sự thông thường thôi mà em. Mình đâu cần phải nói lời bóng bẩy, chỉ cần thăm hỏi chân thành. Nếu cứ mặc mẹ nằm trong phòng, coi như không biết thì mình mới là người lạnh lùng, vô cảm, em ạ.

Mẹ nói năng như thế xưa nay, đã thành tính cách. Mình muốn thay đổi cũng chẳng dễ gì. Ngôn ngữ là một phần của con người. Mình chấp nhận và gạn lấy phần tốt, phần dễ chịu, cố gắng bỏ qua những phần khó chịu đi em nhé. Ông bà có câu “Mật ngọt thì ruồi chết tươi/ Những nơi cay đắng là nơi thật thà”, nhưng ông bà cũng bảo “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Em cứ lựa lời chân thành, đơn giản theo tính cách của em, miễn không khí gia đình vui vẻ là được.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI