Đơn thân

19/02/2018 - 00:00

PNO - Thằng Tuấn tự nhiên thấy nghẹn ngào. Cô giáo tuy có vẻ mạnh mẽ nhưng sâu xa phảng phất ôn nhu. Cô giáo cũng mông lung hút thuốc, khói mong manh theo đám sương mù muộn trôi giữa lòng sông, đứng im không tan.

Thằng Tuấn dẫn thằng con trai mà hồi sinh thời mẹ nó gọi là “Chép”, loay hoay mãi mới tìm được cái sảnh A3. Khu chung cư cao cấp này mới xây, chắc đã có nhiều người đến ở, vì nếu nhỡ ngước nhìn thì thấy hầu như tầng nào cũng phất phơ vài dây phơi quần áo nhếch nhác. Ngày xưa, cũng không hẳn xưa lắm, thì đây là xa tít ngoại ô.

Thằng Tuấn ấn nút thang máy, chờ chừng hơn ba phút cửa mới mở. Phía trong lổn nhổn người, có mấy Ô-sin đang dỗ bọn trẻ ăn bằng cách cho chúng bấm cầu thang lên xuống. Thằng Tuấn lấy smartphone dò lại tin nhắn, tìm số phòng. Nó khẽ ấn chuông cửa. Một bà Ô-sin bế một đứa bé tròn quay mồm phúng phính đầy kẹo ra mở. Cô giáo có nhà.

Thằng Tuấn lễ phép trình bày lại những điều mà nó đã trình bày qua điện thoại. Cô giáo rót nước mời khách trên cái bàn nhỏ trải khăn trắng tinh, kê cạnh một “đôn” gỗ chân quỳ có một bình pha lê cắm hồng trắng đẹp đến rùng mình. Vợ chồng thằng Tuấn lấy nhau là nhờ duyên của hoa. Mẹ thằng Chép yêu cúc nhất, hình như nhì là hồng trắng.

Don than
Minh họa: Lê Thiết Cương

Cô giáo sắc sảo nhìn thằng Chép, mời hai bố con vào phòng nhỏ bên trong, trên tường có treo một bức bột màu của Nguyễn Tiến Chung. Thằng Tuấn không kìm được, chăm chú nhìn. Trời ạ, là tranh thật. Nó khẽ liếc trộm cô giáo. Nhà nó cũng có một cái của ông Chung, nhưng nhỏ hơn bức này. Cô giáo mở cây đàn piano cũ kỹ, bảo thằng Chép chơi thử. Theo lời giới thiệu của anh bạn nhạc sĩ, cô giáo chỉ nhận dạy ở nhà sau khi tự tay chọn trò. Thằng Chép chơi một đoản khúc, hình như của Bach, thằng Tuấn vốn dốt nhạc.

“Trước đây anh đã cho con học ở đâu chưa?”.

“Dạ thưa cô, nó học chuyền tay từ thằng bán đàn điện tử hàng xóm”.

“Lạ lắm, chân tay con sai hết nhưng con chơi rất tuyệt”.

Anh bạn nhạc sĩ hay đến uống rượu ở quán thằng Tuấn cũng bảo, thằng Chép có một tai nhạc vô song. Ông đừng để nó theo cái nghề của ông mà có tội với trời đất. Bọn uống rượu đều hay hoang mồm bốc đồng, nhưng lần này thì thằng Tuấn tin. Lúc có bầu thằng Chép, mẹ nó suốt ngày nghe nhạc cổ điển. Thằng Tuấn thích nhạc Pháp, Christophe là thần tượng. Tất nhiên lúc ấy nó chưa mở cái quán ăn bán đồ giả Nhật.

Quán thằng Tuấn khách đều nhưng không đông, thằng bếp trưởng lại rất đảm, nên hằng tuần nó tự đưa thằng con duy nhất đến nhà cô giáo học đàn vào chiều muộn thứ Sáu. Thường trong một tiếng chờ con tan học, thằng Tuấn kiếm một quán nào đó độc ẩm. Khách uống ở đấy đều nói to, thỉnh thoảng ồn ào cụng ly rồi đồng loạt hét “dô”. Vài năm gần đây thằng Tuấn không giật mình khó chịu nữa, nó đã dần quen chịu đựng cái Hà Nội của ngày hôm nay. Sau chừng hai buổi thì thằng bố hỏi thằng con là cô dạy có hay không.

“Cô chỉ cho con ngồi trước đàn rồi điểm huyệt. Nhưng con yêu cô”.

Chắc ngoài chuyện bắt trò luyện lại cho đúng tư thế, cô giáo hẳn có nhồi cho thằng bé nhiều kẹo. Ông nội thằng Chép thì cười, khen cô dạy giỏi. Thường những người biết cách dạy trẻ con thì họ chẳng dạy gì.

Hết tháng đầu tiên, cô giáo nhắn tin mời thằng Tuấn lên nói chuyện. Vậy là đã bốn buổi, thằng Tuấn nhét hai triệu đồng vào phong bì, tự nhiên thấy người nao nao. Nó đã hơn một lần mơ thấy ngồi song ẩm với cô giáo. Cô giáo hút loại thuốc rất lạ, lấy chai Grappa dang dở mời thằng Tuấn. Nó biết chai này qua Malaparte. Cũng như nó biết Whisky qua Hemingway và biết Calvados là nhờ Remarque.

“Thằng bé nói là anh thích uống”.

“Vâng, nhà tôi bán rượu mà”.

Thằng Chép hoạt khẩu, nói linh tinh suốt ngày. Mẹ nó bảo đấy là “gien” đằng nội.
“Quanh đây ít chỗ ngồi uống tử tế. Từ lúc chuyển xuống dưới này, thèm ăn bát phở vẫn phải chạy lên trên phố. Nếu anh không quá ngại thì cứ ngồi ở phòng khách chờ cháu”.

Don than
Ảnh: Internet

Thằng Tuấn “vâng”. Cô giáo khẽ cụng ly, xin phép vào phòng trong dạy đàn. Thằng Tuấn một mình, đưa mắt nhìn quanh. Trong phòng bếp, bà Ô-sin đang chuẩn bị cơm chiều, còn thằng bé tròn quay mồm vẫn đầy kẹo bò dưới chân bà ta xếp lego. Thấp thoáng, qua cánh cửa phòng ngủ mở hờ, mắc áo có treo mấy cái sơ-mi nam. Lúc nãy, cô giáo cũng mặc sơ-mi nam kẻ ca-rô màu hồng nhạt. Áo rộng, tóc lại cắt ngắn, làm cô trông gần giống một thằng nhóc mới lớn.

Phòng khách nhà cô giáo có một tủ sách to, sau lớp kính là vài tấm ảnh đen trắng, duy nhất một cái ảnh màu chỉ có hai mẹ con cô. Thằng Tuấn đứng lên nhìn kỹ tấm ảnh hai ông bà ăn mặc kiểu Hà Nội cũ, đứng trước khuôn viên của một tòa biệt thự. Nó biết hai cụ đấy. Hồi còn bé tý, thằng Tuấn hay lê la chơi bắn bi trước cổng vi-la nhà Cự Hải ở cùng phố. Hồi cải tạo công thương nghiệp, ông Cự Hải không nộp hết của chìm nên người ta tạm giam hơn sáu tháng rồi thả, cho dù đã công tư hợp doanh cả ba nhà máy sợi.

Sau cửa sổ có giàn hoa giấy hơi mờ sẫm, nhà tư sản lừng danh một thời im lặng ngồi mông lung ngậm tẩu. Cụ bà đứng sau lặng lẽ đan len. Bố thằng Tuấn bảo, thế thì cô giáo chắc là cháu nội duy nhất cụ Cự Hải. Nhà mình có hơn năm chục đầu sách quý đều từ cụ ấy cho. Lúc người ta tịch thu tài sản nhà cụ, họ chỉ đếm vàng và tiền. Hà Nội ngày xưa những hôm trong trời, thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy núi. Và ông bà Cự Hải là hai ngọn núi cuối cùng của phố. Căn nhà hương hỏa này cũng là nhờ cụ ông chỉ mối nên ông nội con mới mua được.

Don than
Ảnh: Internet

Tất nhiên, khi thằng Tuấn sinh ra thì phố của nó ở sát hồ Gươm đã cũ kỹ rồi. Phố có nhà thờ, có chùa và đương nhiên có nhiều người theo đạo. Bố nó từng dạy toán ở Trường Tổng hợp, vào cái hồi những trường đại học danh tiếng nhất chưa bắt người dạy phải có bằng tiến sĩ.

Xa xưa, ông nội nó học nấu bếp của người Tàu Hàng Buồm, nhưng hồi Pháp thuộc có mở cửa hàng bán đồ ăn Tây. Ông Cự Hải lúc ấy đang là “thiếu gia” chưa vợ, tới ăn nhiều lần khen lắm. Thằng Tuấn bây giờ mở quán, sâu xa cũng là theo nghiệp nhà. Ông nội thằng Tuấn ít học, nhưng rất thích con đọc sách. Thằng Tuấn giống bố, cũng mê sách kinh khủng. Nó là thằng cường ký, hồi còn trong trắng sinh viên, nó có thể đọc thuộc lòng Truyện Kiều từ câu cuối lộn lên câu đầu. Bố thằng Tuấn lại bảo, người giàu bây giờ lạ thật. Lấy sổ đỏ lẫn sổ tiết kiệm để đo nhau. Nhà đã treo tranh chép mà lại tuyệt không có quyển sách nào. Cô giáo bật cười:

“Nhà bọn họ thỉnh thoảng cũng có sách, nhưng hầu hết là những quyển dày bình bịch có bìa cứng dạy phương pháp làm giàu”. 

Đấy là cái hôm cô giáo nhận lời bố con nó đi ăn chả cá Đường Thành nhân sinh nhật thằng Chép tròn mười tuổi. Hai cô trò có vẻ quý nhau. Thằng Tuấn trân trọng hỏi cô giáo muốn uống loại rượu gì. Cô nửa đùa nửa thật, thường thì single mom hay thích uống single malt.

Không hiểu sao quán thằng Tuấn khá đông khách là mẹ đơn thân. Bọn họ thường đi lẻ, ba hoặc năm, đôi khi cùng con nhưng thỉnh thoảng cũng ngồi một mình. Có nàng hút thuốc như cái tẩu, hiếm hoi thôi; có nàng uống rượu như hũ chìm. Bọn họ hay gọi vang, thường kết thúc gọi một nồi lẩu cá hồi. Giọng bọn họ lấp lánh có gang có thép. Chắc là do thói quen dư dật hay tự tin là mình biết cách kiếm nhiều tiền. Lúc sinh thời vợ thằng Tuấn từng bảo: “Đàn bà thực sự tự tin đa phần đều là nhờ bất hạnh. Em may mắn không bất hạnh là nhờ chỉ biết tin anh”.

Mẹ thằng Chép cái gì cũng giỏi nhưng cực kỳ ôn nhu. Đã sáu năm rồi thằng Chép thiếu mẹ. Thằng Tuấn cũng được vài lần mai mối, nhưng không biết sao khi đã bằng lòng gặp mặt người ta, thì đêm về nằm một mình trên giường có chăn cũ gối cũ, nó lại sụt sịt khóc. Thằng bếp trưởng lúc vắng khách thích ra dọn phụ bàn cho mấy quý bà quý cô ấy, thì thầm với cậu chủ: “Cái chị đi xe BMW kia, đã vài lần dò hỏi cháu về cậu. Còn cái bàn có mấy cô chỉ uống Sauvignon trắng thì nói ông chủ đã hiền lành lại còn đẹp trai”.

Hầu hết những phụ nữ mà thằng Tuấn được mai mối hình như đều đã có một con nhưng chưa bao giờ lên xe hoa. Thằng bếp trưởng giải thích bằng kiến thức mà nó lướt “phây”: “Mẹ đơn thân không phải là do chồng chết hay ly hôn. Họ hạnh phúc chủ động chọn lối sống như thế là vì họ có cá tính mạnh mẽ”.

Thảo nào không có “bố đơn thân”. Đàn ông “gà trống nuôi con” thường là lương thiện yếu ớt thích dựa dẫm. Thằng Tuấn đã quen sống một mình, nhưng đôi lúc vẫn thích dựa dẫm vào người thân và bạn bè. Ngay cả cái vốn liếng của quán này, cũng từ hai thằng bạn “đại gia”, xa xưa là bạn đại học. Một thằng quê Thái Bình còn thằng kia ở Hải Phòng. Thằng Hải Phòng tát nhẹ vào má thằng Tuấn đang lìm lịm nhợt nhạt hồng màu của rượu: “Nhìn cái cảnh mày liên miên một mình ngồi nốc, chúng tao đ. chịu được. Còn thằng Chép nữa chứ. Thôi thì cứ mở mẹ nó một cái quán có khi lại đỡ”.

Thằng Tuấn đỡ thật, đám khách hàng làm nó vui vui, cho dù nó chẳng bao giờ để tâm kinh doanh. Từ thằng bếp cho đến đám nhân viên chạy bàn cũng là do hai thằng bạn gọi thuê. Thằng Thái Bình hể hả. Trừ đi tiền nhà đưa cụ ông, một tháng vẫn dư mươi chai Macallan cho mày uống. Cô giáo khẽ khàng cụng ly với thằng Tuấn. Hôm đấy cô giáo nhận lời ăn trưa riêng với nó ở một quán cá sát sông Hồng:

“Anh có muốn thằng bé thi vào nhạc viện không?”.

Thằng Tuấn gật đầu. Nó biết cô giáo nhận dạy chỉ chừng dăm đứa và chưa đứa nào thi trượt cả.

“Lâu lắm rồi em mới gặp một thằng bé xuất sắc như thế. Tiếng đàn của nó rất tình cảm, mà nó cứ nghỉ tay là lại kể chuyện bố”.

Thằng Tuấn tự nhiên thấy nghẹn ngào. Cô giáo tuy có vẻ mạnh mẽ nhưng sâu xa phảng phất ôn nhu. Cô giáo không cụng ly nữa, mắt hơi rũ xuống, hình như kín đáo tránh cái nhìn của thằng Tuấn. Có lẽ đã thật lâu, thằng Tuấn uống nhiều mà không bị buồn. Phía thượng nguồn xa xa, nhấp nhô mây trắng bồng bềnh xếp lên nhau như mấy cánh hồng bạch. Cô giáo cũng mông lung hút thuốc, khói mong manh theo đám sương mù muộn trôi giữa lòng sông, đứng im không tan.

Don than
Ảnh: Internet

Vậy là thằng Tuấn đều đặn đưa con đi học piano vào chiều tối thứ Ba và thứ Sáu. Tiếng đàn thằng Chép vẫn tình cảm, càng ngày càng cứng cáp. Bác Hải Phòng tự tay mua từ Nhật tặng nó một cái Yamaha, vừa ngồi nghe nó chơi gần ba phút Clementi vừa quay clip bằng cái iphone 8 để tung lên YouTube. Còn thằng Tuấn tuy thỉnh thoảng, nhưng đã quen thói cầm chai Macallan dở, ngồi nhâm nhi trong phòng khách cô giáo đợi con. Và dù rất cố, nó không sao bày tỏ cảm tình nổi với thằng bé phúng phính suốt ngày ngậm kẹo. Mẹ đơn thân nào cũng chiều con như thế sao? Nhưng thằng Tuấn rất cảm tình với căn phòng khách. Nó giàn giụa nhiều thứ mà Hà Nội bây giờ trót đánh mất. Không hẳn là hoa là tranh hay là sách. Thế thì chắc là người. Thằng Tuấn tự bâng khuâng đỏ mặt.

Rồi một lần chiều đông mưa rào, lạ thế, Hà Nội vẫn lạnh như nó đã từng lạnh. Mưa không có khóa mà vẫn giữ được người. Thằng Chép ngồi xếp lego với thằng bé tròn quay. Cô giáo mời hai bố con ở lại ăn cơm chiều, cô tự tay nấu vài món lặt vặt. Vợ thằng Tuấn nấu ăn vào loại có số má, đấy là nhờ chân truyền từ tay mẹ chồng. Vợ nó thường làm mấy món nhắm mà nhiều người gốc phố cổ đã quên, như mực khô xé nhỏ xào su hào thái chỉ, hay như đĩa sứ mà cô giáo vừa đặt lên. Rau củ quả thập cẩm xào hạnh nhân có lạc rang đập dối. Cô giáo chủ động uống chung chai của thằng Tuấn, mềm mại tự rót một chén.

“Anh Tuấn biết xem tử vi à?”.

“Thằng Chép nó nói linh tinh đấy. Nhưng tôi có học mót một ít từ ông nội nó”.

Cô giáo đứng lên mở tủ sách lấy quyển Kinh Dịch bìa ố vàng, bên trong có kẹp một lá số lập tay, đưa thằng Tuấn. Cô giáo tuổi con chó, Nhâm Tuất, kém nó năm tuổi. Thằng Tuấn lờ mờ soi cục, cả tam chiếu nhị chiếu, nó học tử vi chỉ vì nó gặp quá nhiều chuyện buồn. Bố nó bảo, tử vi là Dịch lý nén lại bằng những thuật toán, cốt để minh bạch giúp con người ta ứng xử với những bất trắc họa phúc theo cách nhân hậu chịu đựng. Thằng Tuấn nhiều lần tự xem số cho mình, nhưng lần nào cũng sai be bét. Cô giáo háo hức chăm chú nhìn nó, chờ thầy phán. Thằng Tuấn thầm tủm tỉm, cho dù là người mang vẻ tinh tế khác thường, nhưng cô giáo vẫn chỉ là “single mom”. Thằng Tuấn nói sẽ đem về cho bố nó xem, cô giáo khẽ gật đầu. Chao ôi tử vi, liệu mày có biết những kẻ đơn thân đến với nhau như thế nào không? Smartphone của cô giáo nhấp nháy một tin nhắn. Thằng Tuấn xin phép đưa con về.

Cơn mưa to đột ngột trái mùa thường làm đường phố ấm lên. Đã tạnh hẳn, nhưng vài đôi tình nhân trú mưa bên hiên vắng vẫn chần chừ ôm nhau. Thằng Tuấn lâng lâng lẩm nhẩm một giai điệu của Christophe. “Elle a des yeux voient la mer. A travers la pluie qui descend… Oh mon amour…”. Nó đưa thằng con đã ngủ gật vào tận giường, dịu dàng khẽ đắp chăn cho thằng bé. Nó thấy nhớ cô giáo lạ kỳ. Nó nhìn đồng hồ, chưa quá chín giờ. Nó hồi hộp dắt xe phóng tới hàng hoa bán muộn ở đầu Cửa Nam, mua ba mươi sáu bông hồng bạch theo tuổi cô giáo. Và giống hệt như hôm đầu tiên, nó loay hoay mãi mới tìm được sảnh A3. Thằng Tuấn đi lên đi xuống thang máy chừng bốn lần, rụt rè quyết định bấm chuông cửa. Ra mở là một quý ông trung niên hơn nó chừng năm tuổi, khuôn mặt vừa giống vừa không giống thằng bé ngậm kẹo. Anh ta mặc áo sơ-mi kẻ ca-rô màu hồng nhạt, tay cầm chai Whisky của nó uống dở 
ban chiều.

“Ai đấy anh?”, tiếng cô giáo vọng ra từ phòng khách có tranh có hoa có sách.

“À, người ta nhầm phòng”.

Thằng Tuấn sau khi lúng búng xin lỗi thì đi xuống bằng cầu thang bộ. Tất nhiên là tối hơn, dài hơn, và bó hồng trắng làm nó vướng hơn. Thằng Tuấn cố đi thẳng ra đường, trời có mưa đâu mà gió ướt, nó đã ngờ ngợ hiểu tại sao bố đơn thân lại khác mẹ đơn thân.

Hà Nội phố mùa đông hun hút vắng. Kể cả có bất chợt mưa rào thì vẫn lạnh. 

Nguyễn Việt Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI