Trẻ mẫu giáo ở Nhật đã biết 'sản xuất' phân bón tự nhiên

08/05/2018 - 09:00

PNO - Đưa Chi-chan đi học, chuẩn bị về thì cô giáo gọi giật lại và hỏi: “Bố Chi-chan đã thấy cái này bao giờ chưa?”.

Đưa Chi-chan đi học, chuẩn bị về thì cô giáo gọi giật lại và hỏi: “Bố Chi-chan đã thấy cái này bao giờ chưa?”.

Tre mau giao o Nhat  da biet  'san xuat' phan bon tu nhien
Đây là ấu trùng của con kabutomushi

Cô dẫn tôi đến chỗ bọn trẻ đang châu đầu, xúm xít lại một chỗ, thoáng có vài đứa ré lên. Thứ đang thu hút sự tập trung của bọn trẻ là cái chậu nhựa đựng đầy đất. Mà khoan đã, mặt đất đang... chuyển động. Dưới lớp đất ló ra những thân sâu màu trắng đục, uốn éo, tìm cách chui sâu hơn xuống dưới để trốn tránh những bàn tay sục sạo của lũ trẻ con.

“Đây là ấu trùng của con kabutomushi”, cô giáo giải thích. Trong hộp đất chứa 36 ấu trùng của con này. Đây là một dạng bọ cánh cứng, ở Việt Nam gọi là bọ hung tê giác. Ở Nhật, loại bọ này không chỉ được nuôi như một sở thích, vì hình dáng dũng mãnh, cũng như sức khỏe ghê gớm, hay thói quen thích đọ sức, khiến chúng hay được đem ra “chọi” như dế hay cá chọi.

Người Nhật nuôi kabutomushi còn vì lý do nông nghiệp. Ấu trùng kabutomushi “ăn” đất và “ị” ra những cục “phưn” nhỏ màu đen. Những hạt phân trở thành phân bón organic tuyệt vời cho các loại rau và cây trồng. Hôm nay, bọn trẻ con trong trường mẫu giáo được tham gia một công đoạn trong hoạt động “sản xuất” loại phân bón tự nhiên này. 

Lũ trẻ, dưới sự hướng dẫn của các cô giáo, nhẹ nhàng thò tay bới đất, lôi lên những con sâu béo mẫm, rồi nhẹ nhàng đặt sang một khay đất tạm thời. Sau đó, các cô giáo sẽ xúc đất trong chậu đã trộn đầy phân ấu trùng cất vào các túi đựng, để dùng bón dần cho vườn rau tự canh tác của trường. Sau khi xúc hết đống phân bón đó ra, các cô lại đổ vào chậu đầy đất mới, chuyên dùng để nuôi kabutomushi. Lũ trẻ lại chuyển đám ấu trùng từ khay tạm trở lại chậu, chuẩn bị quá trình “ăn” đất và “ị” ra phân bón mới. 

Cô giáo dẫn tôi ra vườn trường, chỉ luống rau xà lách và củ cải đang xanh tốt với vẻ đầy hãnh diện: “Không có chút phân bón nào đâu nhé, tất cả là nhờ kabutomushi đấy”.

Tre mau giao o Nhat  da biet  'san xuat' phan bon tu nhien
 

Bọn trẻ rất hào hứng với đám sâu. Một vài đứa ban đầu có vẻ rụt rè, sợ hãi trước những con ấu trùng oằn èo to tổ chảng. Thế nhưng, chỉ cần một, hai đứa xắn tay vào đào bới và sau vài tiếng reo mừng khi bắt được sâu, thì hầu như không còn đứa nào cưỡng lại được sức hút của trò chơi lạ này nữa. 

Những bàn tay ban đầu thì vụng về, nhưng rồi động tác khoét đất, nhấc sâu, nâng niu trở nên khéo léo dần. Trong buổi sáng, bọn trẻ không chỉ được sinh hoạt ngoài trời, tìm hiểu thiên nhiên, nông nghiệp, mà còn được luyện sự khéo léo của đôi tay, phối hợp giữa tay và mắt. hơn hết, trẻ được chơi đùa, nghịch bẩn thỏa thích.

 Nguyễn Kiến Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI