'Chất vấn' Hạnh Dung - người có 'nhan sắc của cuộc đời'

18/05/2018 - 11:00

PNO - Trò chuyện với chị Hạnh Dung là điều rất nhiều bạn đọc vẫn làm, để cảm thấy chị là một người chị, một người bạn “bằng xương bằng thịt” trước mắt mình.

Chị Hạnh Dung là ai? Trông chị như thế nào? Xuất hiện trên báo hơn 40 năm nay, đồng hành cùng bao thế hệ phụ nữ trong những câu chuyện chia sẻ tâm tình, chị Hạnh Dung có lẽ là một trong những phụ nữ trẻ mãi (và phải luôn luôn trẻ) đối với bạn đọc - cả trong quá khứ vài chục năm trước lẫn trong tương lai.

'Chat van' Hanh Dung - nguoi co 'nhan sac cua cuoc doi'

Tồn tại trong một góc nhỏ thuộc chuyên mục Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình trên Báo Phụ Nữ, luôn có phong thái điềm tĩnh, nhân hậu, dịu dàng và hết sức… kiên nhẫn lắng nghe mọi lời tâm sự của bạn đọc, để đưa ra những lời khuyên mà người trong cuộc lẫn người ngoài đều thấy “thấm” - đó là hình dung của nhiều người về chị Hạnh Dung, dù nhiều người biết rất rõ rằng, chị chẳng phải chỉ là một người. Trò chuyện với chị Hạnh Dung là điều rất nhiều bạn đọc vẫn làm, để cảm thấy chị là một người chị, một người bạn “bằng xương bằng thịt” trước mắt mình.

Phóng viên: Người ta thường nói, “chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng”. Điều này có đúng với chị Hạnh Dung?

Chị Hạnh Dung: Rất đúng. Hạnh Dung cũng là một phụ nữ bình thường, bị những vui buồn riêng trong cuộc sống của mình chi phối mãnh liệt. Hạnh Dung không sáng suốt trong mọi chuyện. Đâu ai có thể sáng suốt trong mọi chuyện. Điểm khác biệt ở chỗ: Hạnh Dung biết mình lúc nào thì “quáng”, nên khi ấy sẽ sống chậm hơn, hỏi ý kiến người khác nhiều hơn, bớt “đành hanh” khăng khăng theo ý mình. Ấy là một phần trong chữ “Hạnh”: biết mình, 
hiểu mình.

* Chị Hạnh Dung già hay trẻ, xấu hay đẹp?

- Hạnh Dung “không có tuổi”. Về cơ bản, Hạnh Dung già: bao nhiêu nỗi niềm của chị em mình chất chứa lên Hạnh Dung mỗi ngày, không già sao được. Về chi tiết, Hạnh Dung là một tập hợp nhiều nhà báo, nhiều anh chị em làm tư vấn hôn nhân gia đình, nên Hạnh Dung tập trung tất cả những nét đẹp, những khả năng tích cực của những người ấy.

Bằng nhan sắc và tâm hồn đa dạng, phong phú ấy, Hạnh Dung đến với từng câu chuyện, từng cuộc đời không mệt mỏi, không thành kiến. Có lẽ vì thế, Hạnh Dung có “nhan sắc của cuộc đời” - không già không trẻ, không xấu không đẹp. Nói cách khác, với mỗi người viết thư già trẻ xấu đẹp, Hạnh Dung già hơn người trẻ, trẻ hơn người già, xấu hơn người xấu và đẹp… gần bằng người đẹp.

* Chị Hạnh Dung có phải là người hạnh phúc không?

- Hạnh Dung có hạnh phúc lẫn bất hạnh của mình - như các chị em thôi. Hạnh phúc là có một tình yêu được đáp lại, có một công việc mình yêu thích và góp được một phần công sức cho mọi người chung quanh.

'Chat van' Hanh Dung - nguoi co 'nhan sac cua cuoc doi'

* Người ta nói, những người thường đi qua đổ vỡ, thương đau mới đủ trải nghiệm để hiểu và khuyên người khác. Chị Hạnh Dung có từng mắc sai lầm nhiều?

- Hạnh Dung cũng có 24 giờ mỗi ngày để sai lầm và hạnh phúc như mọi người. Nhưng Hạnh Dung đọc sách, đọc thư độc giả, đọc nhiều và đọc một cách chân thành, để hiểu, sống “đậm đặc” hơn và chia sẻ mình nhiều hơn. Không ai trong các nhà báo làm tư vấn hôn nhân gia đình mà không có trải nghiệm. Họ không “hiểu và khuyên” người khác mà chia sẻ những trải nghiệm của mình, để bạn đọc soi chiếu, gạn lọc và tìm ra cách của mình.

* Trên báo, Hạnh Dung chiếm một góc nho nhỏ. Còn trong tòa soạn, chắc chị phải có một cái phòng to mới đủ chỗ tiếp mọi nỗi buồn của bạn đọc?

- Phòng của chị Hạnh Dung ở Báo Phụ Nữ cũng nho nhỏ như cái góc trên báo. Chỉ có… hộp khăn giấy là to to thôi ạ.

* Chị có mệt mỏi vì nghe những lời khóc than? Những bất hạnh, khổ đau của người khác có làm cuộc sống chị nặng nề?

- Hạnh Dung không mệt mỏi, không ác cảm, không coi thường hay xem nhẹ bất kỳ tâm sự nào. Dạo này, những bức thư “khóc và than” cũng không nhiều, phần lớn là bức xúc. Những bất hạnh, khổ đau của người khác cũng có phần nặng nề với mình, sao tránh khỏi; nhưng gánh nặng ấy đã được đồng nghiệp san sẻ nhiều rồi. Mà nói cho cùng, dễ gì người ta trao cho mình cái gánh ấy để mình được gánh.

“Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, chúng ta hãy cố gắng giúp nhau trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của một người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn của cuộc sống”. Quy luật của muôn đời đấy. San sẻ với nhau, hay san sẻ với chị em mình, cũng là điều mình tự làm cho mình, san sẻ cho người khác.

* Khi đưa ra những lời khuyên, chị Hạnh Dung có tin rằng, người nghe sẽ làm theo? Điều đó có khiến chị vui?

- Dù bạn đọc đến tòa soạn hay viết cho Hạnh Dung, điều đầu tiên Hạnh Dung làm là lắng nghe hoặc đọc thật kỹ. Nhu cầu trước nhất của những người đang “gặp chuyện” là được nói ra, được chia sẻ, được lắng nghe. Trong cuộc sống, cùng một tình huống, có thể có nhiều cách giải quyết. Mỗi cách lại phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh, chứ không thể thành khuôn mẫu cho tất cả mọi người. Hạnh Dung nghĩ rằng, những phương án mình đưa ra cho bạn đọc luôn mang tính tham khảo, để mọi người dựa vào đó mà tự tìm hướng đi tốt nhất.

'Chat van' Hanh Dung - nguoi co 'nhan sac cua cuoc doi'

Nghe những câu chuyện buồn, những éo le, ngang trái rồi thì khó mà có cảm giác vui, thực sự là như thế. Khuyên mọi người càng không thể dùng chữ vui, mà đôi khi là áp lực, vì Hạnh Dung hiểu, ít nhiều gì nó cũng sẽ ảnh hưởng lên những quyết định của người khác, nghĩa là mình phải phần nào gánh trách nhiệm.

Cũng có khi, sau khi trò chuyện, Hạnh Dung nhận được những ánh mắt rớm lệ nhưng đã tươi tắn hơn, cùng lời cảm ơn: “Em cảm thấy nhẹ nhàng hơn” thì lúc đó là hạnh phúc chứ không đơn giản là vui.

* Chị Hạnh Dung có ghét đàn ông không, vì những người đến với chị thường là đàn bà khổ đau vì đàn ông mà?

- Ồ không. Hạnh Dung yêu người đàn ông của mình. Đàn bà khổ đau vì đàn ông, cũng như đàn ông khổ đau vì đàn bà. Tình yêu và khổ đau là những câu chuyện bất tận mà bạn đọc trao gửi. Lý do chính của việc trao gửi này, Hạnh Dung nghĩ, là vì bạn đọc cũng tin rằng, Hạnh Dung biết yêu, biết khổ, chứ không vô cảm.

* Có vài thế hệ phụ nữ đọc và yêu mến chị Hạnh Dung. Nhiều người nói rằng, mẹ mình từng mê Hạnh Dung, rồi đến mình yêu mến Hạnh Dung. Nhưng cái nhìn, quan điểm, cách sống… qua các thế hệ cũng thay đổi. Có bao giờ chị Hạnh Dung lo mình sẽ lạc hậu, không hiểu được lớp phụ nữ trẻ?

- Hạnh Dung này sẽ lạc hậu, nhưng sẽ có Hạnh Dung khác “cập nhật” hơn, “đổi mới” hơn về cái nhìn, quan điểm, suy nghĩ... cho phù hợp với thời đại. Trò chơi trong cuộc đời chậm thay đổi hơn người chơi - người được xem, được tư vấn cho người chơi như Hạnh Dung thấy rõ điều ấy. Là một trong những nhà báo trong nhóm những Hạnh Dung đang làm việc từng ngày, tôi nghĩ Hạnh Dung luôn là một “người đương thời” 
thầm lặng. 

Có người thắc mắc về cái tên Hạnh Dung, hỏi phải chăng nó phát xuất từ cụm Công - Dung - Ngôn - Hạnh và phải chăng theo đó thì Hạnh và Dung quan trọng hơn Công và Ngôn. Sự thực, Hạnh Dung là cái tên mang tính chất hoán dụ: dùng một phần để nói cái toàn thể, như dùng “mái nhà” để nói cả ngôi nhà, nói về tổ ấm; dùng “Hạnh Dung” để nói cả Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Dù thời nào, bốn chữ này vẫn vô cùng quan trọng và bản thân nội hàm của các khái niệm trên cũng được cập nhật rất thường xuyên.

Nói vui, “Công” ngày xưa của chị em mình là làm bánh, bếp núc, thêu thùa… ngày nay có thêm phần chạy xe máy đón con. “Dung” ngày xưa chỉ cách điểm trang nơi phòng khuê gác tía, nay thêm nhuộm tóc cho bớt bạc, dưỡng da đúng cách... “Ngôn” ngày xưa chỉ là chuyện thỏ thẻ oanh vàng trong nhà, nay thêm chuyện đi họp phụ huynh phát biểu thế nào, thuyết trình dự án ra sao… “Hạnh” ngày nay còn gồm tự bảo vệ mình, tránh bị quấy rối, bảo vệ con tránh bị xâm hại, và có khi còn phải lên tiếng “#metoo”.

Song Văn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI