Thiên đường của tuổi già

26/02/2017 - 16:10

PNO - Ðôi mái đầu già nua đã cùng nhau đi qua bao thăng trầm cuộc sống, giờ vẫn chụm lại bên nhau để ru cháu thơ qua cánh võng thần tiên.

Cô mở đầu bằng giọng trầm trầm hướng về dĩ vãng: “Bây giờ được vầy là cô chú không dám mơ đâu con. Cứ nghĩ cái thời chạy chiếc xe đạp sứt cả pê-đan nhưng không có tiền mua mà thương chú quá. Cả tháng trời chú cứ phải chạy cái xe “một giò” mỗi ngày hai lượt hàng chục cây số để đến trường dạy học mà ứa nước mắt…Năm 1986 đất nước còn nghèo, cô chú càng nghèo bởi xứ lạ quê người mà còn phải nuôi hai con nhỏ. Nhà ở đậu người cháu họ, lương giáo viên của chú lúc đó, tháng được lãnh, tháng chưa thì làm sao mua được cái pê-đan mới…”.

Cô chú là Nguyễn Phúc Lộc và Trương Thị Thủy, quê quán tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; trú quán P.1, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Thien duong cua tuoi gia
 

Khuôn viên nhà cô chú khá khang trang và vừa vặn với đôi vợ chồng già. Mái che được làm kín đến tận cổng rào. Vài cây mai, cây nhãn đang vẫy trăm bàn tay lá theo từng cơn gió ban mai. Sân sau tầm hơn trăm mét vuông được chú rào kỹ, trồng vài cây xoài, bụi chuối và nuôi mấy đàn gà lấy trứng để ngày ngày hai lượt chú xắt chuối trộn cám cho gà ăn, rảnh rảnh thì tiện tay quét dọn khu vực chúng ngủ nghỉ. Chú bảo như vậy là “thiên đường” của tuổi già.

Ở tuổi 77 nhưng chú Lộc còn khỏe mạnh và đang trông chừng đứa cháu nội khoảng sáu tháng tuổi. Cô Thủy 67 tuổi, nét duyên dáng xinh đẹp vẫn hiện rõ trên mặt, nhưng cả tháng nay cứ ho khúc khắc. Tuổi già yếu đi nên bệnh tật cứ hay về thăm mà không hẹn trước. Nhà con trai út cạnh nhà cô chú nên những lúc anh chị đi làm, ông bà nội có thể thay phiên nhau trông cháu cho con rảnh tay rảnh chân mà cũng là niềm vui tuổi già.

Chú vừa đi qua đi lại đưa võng cho cháu vừa trò chuyện với khách: “Hồi đó… chú đang là giáo viên ở Hạ Long, nhưng rồi giặc tới, không tha cho bất cứ nhà chùa, mái đình, trường học nào… Nhất là trận ngày mùng 5 tháng 8 năm 1965 giặc bắn phá cầu Bãi Cháy to lắm. Chú phải rời bục giảng, đi tải thương tải đạn đấy! Hai năm sau, cô Thủy từ một kế toán của công ty than Hạ Long cũng tham gia vào đoàn dân công tải thương binh tử sĩ… Cô chú quen nhau, tình yêu nảy nở trên mặt trận hãy còn đầy thuốc súng đó, bởi cảm mến nhau ở sự đồng lòng. Rồi cưới nhau.”.

Nét mặt chú Lộc cũng đã nhuốm màu năm tháng, nhưng nhắc về chuyện xưa là chú nói như không vấp váp từ nào, bởi có lắm gian nan nhọc nhằn nhưng cũng rất ngọt ngào bởi cô chú đồng lòng nên vượt qua tất cả. Ngày thống nhất đất nước, cô chú đã có một đứa con gái. Năm 1977 thì sinh con trai út. Năm 1983 chú quyết định đi “kinh tế mới” ở Tây Ninh nhờ có người cháu họ đã đi trước và gửi thư về nói miền Nam “đất lành chim đậu”.

Nhưng chú thì dễ chuyển vùng công tác, còn cô thì không. “Vì kế toán hồi đó khó tìm, cô cũng làm nhiều năm, quen việc nên cấp trên không cho chuyển. Lần lữa thêm một năm nữa, cho công ty đào tạo người thì cô mới được đưa các con vào Nam theo chú bằng quyết định “về mất sức”. Cô tiếc nuối chuyện đó, vì cứ nghĩ là biết việc rồi thì ở đâu cũng làm được, nhưng năm 1985, đất nước đang trong thời kỳ xây dựng lại lực lượng cán bộ-công nhân viên nhà nước, cô nghỉ việc ở Hạ Long được nhưng vào Nam không xin việc được. Vậy là bao nhiêu vốn liếng mang theo từ quê vào Tây Ninh cô đều hùn với người ta để mở lò sản xuất cồn thô từ mật mía…

Hàng ngày, chú đi dạy, nhà xa trường hàng chục ki-lô-mét mà chỉ đi xe đạp. Cô ở nhà chăm con và làm công nhân lò cồn. Nhưng thời gian đầu còn có đồng ra đồng vào, khoảng một năm sau thì người đầu tư chính cứ nói thâm vốn mãi. Rồi họ bỏ đi mất. Cô mất số tiền hùn vốn thời gian đó khoảng độ một cây vàng. Con càng ngày càng lớn, cái ăn cái mặc cũng phải cần nhiều hơn, bám vào đồng lương giáo viên của chú thì không đủ. Cô dù chết ngất bởi mất số tiền hùn vốn sản xuất cồn kia, nhưng cũng phải vực dậy mà sống tiếp…

May sao, có một sư bà của ngôi chùa tư gia thương tình chia lại cho khoảnh đất trũng của khuôn viên chùa. Cô tăng gia bằng cách nuôi con lợn con gà… Chắc trời Phật thương nên heo con lứa nào mau lớn lứa đó. Gà chỉ ăn toàn cám bã mà vẫn lớn nhanh như thổi… Rồi chú thấy nhu cầu chụp ảnh của bà con nơi đây. Lấy cái máy ảnh cũ từ ngày trai trẻ, chú mang ra lau chùi, đi tìm nơi mua phim, tráng ảnh rồi đăng bảng chụp ảnh. Nhờ có công việc chụp ảnh nên cuộc sống cô chú khá hơn, con cái học hành tiến tới…”.

Rồi vì cuộc sống, tầm năm 1993, chú đã nghỉ nghề giáo, chuyển sang làm tiệm ảnh. Cô vẫn nuôi heo nuôi gà phụ giúp kinh tế gia đình với chồng. Nhờ vậy mà hai con của cô chú đều tốt nghiệp đại học. Hiện nay, cô con gái của cô Thủy chú Lộc đang theo nghề giáo; cậu con trai út làm giám đốc một công ty xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Sáu năm gần đây, khi con cái đã ra riêng hết, tuổi già thảnh thơi nhưng vốn quen tay hay lam hay làm nên cô chú không ngồi nhìn thời gian như bóng câu qua cửa được. Cô chú rủ nhau tham gia các câu lạc bộ thơ ca - văn nghệ của phường. Năng khiếu ca hát từ thời con gái của cô được dịp trỗi dậy, những bài nhạc cách mạng cô hát thật cao. Giọng cứ vun vút tròn đầy bất chấp tuổi tác. Chú làm thơ và tập tành chụp ảnh kỹ thuật số. Chú không lương hưu, cô có chút trợ cấp xã hội được mấy trăm ngàn đồng hàng tháng. Nhu cầu của người già không nhiều, nhưng mọi thứ khi cần đều nhờ vào “lương con” hết cả.

Khách chào ra về còn được cô chú mời mãi: “Năng ghé chơi nhé cháu, nhà này cần có khách lắm. Con gái ở riêng, vợ chồng con trai đi làm suốt ngày. Hai ông bà già ở nhà với đứa cháu nhỏ nên cần có khách lắm… Tuổi già ấy mà… cứ thích nói chuyện xưa thôi!”. Ðôi mái đầu già nua đã cùng nhau đi qua bao thăng trầm cuộc sống, giờ vẫn chụm lại bên nhau để ru cháu thơ qua cánh võng thần tiên. Cô ân cần tiễn khách ra cổng, nụ cười an nhiên còn theo khách suốt đường đi…

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI