Vội vã trở về

28/01/2019 - 06:00

PNO - Không cứ phải đến hồi năm tàn tháng cạn, người ta mới tính chuyện về quê. Mà, quê là chỗ luôn được lấy ra “dọa” sẽ về những khi mệt nhọc, những lúc yếu lòng, những bận căng thẳng.

Về nhà.

Công việc ở Sài Gòn. Gia đình, con cái ở đây. Nhưng khi trời tháng Chạp ngoài kia trở gió, lại nôn nao ý nghĩ về nhà. Tâm thức ấy không dễ mà phôi pha. 

Voi va tro ve
Đôi vợ chồng đưa hai con nhỏ về nhà bằng xe máy trên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. “Nguyên liệu” nằm trong túi móc bên hông xe có thể sẽ được chế biến thành mấy món để cả nhà sum họp ngày cuối năm.

Nhà ở đây, dù là nhà phố khu dân trí cao, đất nở hậu, hẻm xe hơi, cũng chỉ là nơi chiều về tối ngủ sáng sớm lại ra đường mưu sinh. Nhà ở đây, dù là căn hộ chung cư cao cấp qua mấy lần quẹt thẻ mới vô được, rốt cùng chỉ là chỗ trú mưa nắng. 

Về nhà, là về với căn nhà ngày cũ ngõ vào thơm mùi ổi chín. Mái nhà dột mùa mưa nhưng bếp vẫn nồng ấm hơi người. Về nhà, là về với mẹ cha nghèo khó bạc tiền mà dư dả tình yêu thương. 

Nhà quê tường gạch vôi vữa, sao so được với nhà thị thành bê tông cốt sắt. Nhưng dù nhà ở phố chứa được của cải tài sản, đâu bằng nhà ở quê ôm cả ấm êm. 

Không ai chê căn nhà ở phố nuôi dưỡng hiện tại, ấp ủ tương lai, chỉ là cuối năm vọng về quá vãng, hẳn chẳng ai nỡ trách chi chút mềm lòng.

Voi va tro ve
Cô bé tựa cửa sổ toa tàu về quê hương. Đoàn tàu lướt tới, những rừng cây xanh vụt qua, thị thành ở lại phía sau, cô bé sắp về tới nhà ngoại.

Về quê.

Không cứ phải đến hồi năm tàn tháng cạn, người ta mới tính chuyện về quê. Mà, quê là chỗ luôn được lấy ra “dọa” sẽ về những khi mệt nhọc, những lúc yếu lòng, những bận căng thẳng.

Khi tờ lịch tây thấp thoáng dòng chữ nhắc ngày đưa ông Táo chầu trời, thì không ai dọa về quê nữa. Mà, về thật, bằng một cách vô thức, chuyển sang tính theo lịch âm, đếm từng ngày hăm mấy tháng Chạp. 

Dễ gì không về khi tàu xe chộn rộn thông báo tăng giá, lịch chạy tết, khi đi đâu cũng nghe hỏi tết này có về quê, khi đến cái nắng phố thị nhuốm khói bụi xăng xe mà giờ cũng thấy như màu nắng hanh quê nhà.

Voi va tro ve
Hai mẹ con đi xe giường nằm từ Sài Gòn về miền Trung ăn tết quê chồng. Chú bé háo hức nhìn ra cửa sổ, hướng theo đoàn tàu cũng đang chở hàng trăm người về quê đón tết.

Không buồn đi đặt vé, lắc đầu lúc được hỏi có về quê không, thấy như mình làm điều gì đó có lỗi, lỗi lớn. Lỗi với quê nhà, với mẹ cha, với ruộng đồng. Lỗi với chính mình.
Quê của người hàng xóm cách Sài Gòn chỉ hơn trăm cây số. Quê của đồng nghiệp nay chẳng khác chi Sài Gòn. Quê của mình giờ đổi thay nhiều quá. Nhưng vẫn về, bởi đâu chỉ là băng qua không gian địa lý, đó còn là chuyến đi về một vùng đất đã hằn sâu trong trí nhớ.

Về tết.

Tết thời nay đã dần nhạt phai bản sắc, tết của người thành thị nới dần khoảng cách với tết của người nông thôn, cách chơi tết của thế hệ hiện tại càng khác xa thế hệ trước. Nhưng về tết, tết để trở về là ý niệm không dễ đánh rơi trên đường phát triển.

Đi càng xa càng phải cẩn trọng. Đường càng dài càng phải bám lấy lề để định hướng. Đường càng trắc trở càng phải có nền vững để giữ thăng bằng. Tết là cái gốc để vươn đi, cũng là nguồn cội để tụ về. Trong hành trình mê mải lập thân, làm giàu nào đó, có những thời khắc ta quên đi tết nhất, nhưng hễ có cơ hội là nó lại ùa về tràn đầy.

Voi va tro ve
Người phụ nữ luống tuổi uể oải ngồi trước sảnh sân bay Nội Bài chờ lên máy bay về quê. Sự chờ đợi ngày thường đã gây sốt ruột, trong ngày năm hết tết đến càng làm lòng người nôn nao hơn.

Cuối năm cùng nhau lên chuyến xe, toa tàu, khoang máy bay, để đến điểm đích là những cuộc sum vầy. Không khí tết đã hiện ra giữa câu chuyện trên hành trình, mùi tết thoảng đưa từ những túi quà bánh mứt, âm thanh tết vọng vang trong tiếng cười giòn tan tâm thế xả hơi rời hết những bận bịu ngày thường.

Về tết. Về với mẹ vừa rảnh tay sau buổi gói bánh chưng, cười hiền bên khung cửa chờ đám con cháu sà vào. Về bê mấy chậu hoa tết rung rinh trong gió se sắt cuối đông. Về ngắm đám cháu quây quần ríu rít khoe quần áo mới. Về nghe bên rào dâm bụt ngăn lấy lệ với nhà hàng xóm, vẳng tiếng gà gáy xế báo xuân sang.

Về tết háo hức, về quê rộn ràng, về nhà đầm ấm, ai mà không muốn về. Dẫu biết rằng, chỉ ít lâu thôi, khi mùa xuân cạn ngày, những người trở về tất bật, lại thành những kẻ vội vã ra đi.

 Võ Tiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI