Cấp dưỡng nuôi con - chuyện của trái tim người làm cha

28/04/2018 - 16:43

PNO - Gõ vào Google cụm từ cấp dưỡng sau ly hôn, chỉ trong 0,49 giây đã cho ra gần 3 triệu kết quả.

Con số này chưa nói lên đầy đủ nhưng có thể cho chúng ta cái nhìn gần hơn với thực trạng đòi tiền cấp dưỡng nuôi con.

Cap duong nuoi con - chuyen cua trai tim nguoi lam cha
Ảnh minh họa

“Trường ca” đòi tiền phụ cấp nuôi con 

Mới đây, câu chuyện về một người đàn ông ở Mỹ không thực hiện quyền nuôi con vẫn còn được nhiều người bàn tán. Chính quyền địa phương cho in hình anh ta lên những chiếc ly dùng trong thức ăn nhanh để mọi người biết, như một hình thức cảnh cáo người đàn ông này. Chuyện nghe thì khôi hài nhưng thực tế, luật pháp rất khó “sờ gáy” những người cha bỏ quên trách nhiệm chung tay nuôi con sau ly hôn. 

Giang, hiện điều hành một công ty trang trí nội thất của Nhật Bản có văn phòng tại TP.HCM, kể chuyện của mình mà nghe như đùa: “Sau ly hôn, tòa ra bản án cho chồng cũ của tôi cấp dưỡng cho con trai (3 tuổi) mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Tháng đầu tiên, anh ta ghé nhà vào cuối tuần thăm con, đặt lên bàn đúng 1,5 triệu đồng rồi đi. Tháng thứ hai, anh ta im bặt. Do công việc gặp khó khăn, tôi muối mặt gọi điện đòi, cha của con trai tôi hứa tới hứa lui mấy tháng.

Có lần, tôi vừa hỏi, anh ta nói: “Tôi đưa tiền cho cô nuôi người khác à, đời nào!”. Tôi vẫn kiên trì, mang bản án đến tòa nhờ can thiệp, nhờ vậy anh ta hứa sẽ chu cấp đủ. Từ đó, hằng tháng người bán gạo đầu hẻm chở đến giao 100kg gạo, theo chồng cũ của tôi là đúng 1,5 triệu đồng như tòa đã quyết.

Nhưng gạo cũng được chừng hai năm thôi. Con tôi giờ hơn 10 tuổi rồi”. Giang cho rằng, đi kiện để đòi tiền cấp dưỡng thì chi bằng mình cố gắng làm kiếm tiền nuôi con, còn hơn mất thời gian và bị tổn thương tinh thần. 

Những tháng đầu sau ly hôn, mất khoản tiền sinh hoạt phí chồng không đưa, Giang nghĩ ngay đến chuyện đi kiếm việc làm thêm. Khó khăn lại vấp phải những chông chênh khi nhà vắng người, cô quát tháo, đánh con mỗi ngày khiến thằng bé có nguy cơ trầm cảm. Ngồi với con mà Giang chỉ nói chuyện tiền nong, trách cứ người đàn ông bội bạc. Những thương tổn ấy, rất lâu sau đứa trẻ mới nguôi ngoai.

Ngọc An làm trong ngành luật, mọi việc liên quan đến pháp lý đều hiểu tường tận, nhưng chính cô và hai con của mình cũng là nạn nhân của một cuộc “xù” cấp dưỡng. Ba tháng sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn, chồng cũ của An xem ba mẹ con cô là người xa lạ. An bảo, con là con chung nhưng cha nó không thương thì mình gồng gánh hết vậy. Nhưng cô “ấm ức vì trên Facebook của anh ta tràn ngập những hình ảnh đi du lịch cùng cô người yêu và con riêng của cô ấy.

Họ đi ăn ở nhà hàng sang trọng trong khi con mình thì anh ta không đoái hoài đến”. Là vợ chồng bao nhiêu năm, An biết thu nhập của chồng mình thế nào, nhưng không chứng minh được. “Chẳng lẽ vì vài triệu đồng lại đi yêu cầu thi hành án cưỡng chế tài sản. Mà thật ra, mọi thứ phải xuất phát từ lòng yêu con, muốn con có cuộc sống đủ đầy thì mới có ý nghĩa.

Bản thân người đàn ông phải biết rằng, tình vợ chồng có thể không còn nhưng tình yêu con là mãi mãi. Thế nên, tại sao phải để người phụ nữ chạy theo nằn nì một số tiền cỏn con gọi là phụ cấp nuôi con? Những đứa trẻ ấy không thể “ăn mày” tình thương của cha chúng được”, An chua chát.

Cần hành lang pháp lý hay tình thương đúng nghĩa?

Có một câu hài hước rằng, “nếu muốn biết bộ mặt thật của đàn bà, chờ họ tẩy trang. Để biết bộ mặt thật của đàn ông, là sau khi ly hôn”. Tất nhiên sẽ phiến diện nếu nhằm vào tất cả đàn ông, vì nhiều người sau khi ly hôn đã để lại nhà cửa cho vợ cũ, cho con cái không bị xáo trộn tinh thần. Có người vẫn để vợ cũ giữ thẻ ATM với tài khoản lương, để mọi thứ vẫn bình ổn một thời gian sau ly hôn.

Cap duong nuoi con - chuyen cua trai tim nguoi lam cha
Ảnh minh họa

Câu chuyện hậu ly hôn của Phú - bác sĩ ngoại khoa ở một bệnh viện lớn - có lẽ đáng để cánh đàn ông học hỏi. Sau ly hôn, Phú chấp nhận mình trắng tay, nhà cửa sang tên cho vợ, mỗi cuối tháng vẫn đều đặn chuyển tiền vào tài khoản của vợ cũ. Chiều tối nào anh cũng ghé nhà tắm cho con trai, dạy con gái học, chơi với con. Mãi sau này, vợ cũ có người khác, vì tế nhị nên anh ít ghé nhà hơn nhưng trách nhiệm với con thì vẫn chu toàn. 

Tiến sĩ luật Đoàn Phương Diệp, Trường đại học Kinh tế - Luật cho biết: “Việc truy đòi tiền cấp dưỡng sau ly hôn, theo luật thì phải nhờ đến thi hành án. Căn cứ vào bản án của tòa xử ly hôn, thi hành án sẽ có những biện pháp yêu cầu người cấp dưỡng thực hiện như có biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản do người thứ ba nắm giữ.

Người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà không tự giác thực hiện còn có thể bị phạt hành chính về hành vi không chấp hành án theo điểm a, khoản 3, điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng”. 

Thực tế, ý nghĩa của việc cấp dưỡng nuôi con là ở quyết định của người đàn ông, từ trái tim của một người cha. Họ sẽ tự nguyện làm mọi thứ cho con mà không cần đến sự can thiệp của pháp luật. 

Lan Khôi

Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:

1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội Liên hiệp Phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d, khoản 2 điều này yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI