Vọng về, tiếng nước tôi

08/02/2016 - 07:49

PNO - Bạn theo chồng về xứ sương mù Anh quốc đã gần 15 năm, giáp tết, bạn cứ nôn nao hỏi "Sài Gòn lúc này thế nào?" rồi rưng rưng.

Bạn khác, hồi mới định cư tại Mỹ, cứ phân vân không biết cúng ông Táo vào ngày nào, vì ngày 23 Âm lịch Việt Nam thì bên Mỹ là ngày 24... người Việt khắp nơi trên thế giới, với bao nỗi hoài hương đều cố gắng vun vén cái tết của gia đình mình.

Cuối cùng, chị Kim Cúc (ở Sacramento, California, Hoa Kỳ) quyết định cúng ông Táo theo ngày 23 lịch Mỹ. Chị cho biết: “Mẹ tôi, ngoài 70 tuổi và ở đây hơn 20 năm, nhưng với bà, việc cúng ông Táo rất nghiêm túc. Nhìn mẹ thành tâm khấn vái, tôi thầm cám ơn trời Phật cho mình có mẹ bên đời. Tôi chỉ muốn nhắn gửi ông Táo rằng, người xa xứ chúng tôi nhớ tết quê nhà lắm!”.

Vong ve, tieng nuoc toi
Chị Kim Cúc luôn đưa cháu Ni Ni lễ chùa dịp tết để hướng về nguồn cội - Ảnh: Nhân vật cunng cấp

Chị Kim Cúc ở Hoa Kỳ từ năm 2005. Mỗi dịp Tết, chọn ngày cuối tuần, mọi thành viên đại gia đình chị lại sum họp ở nhà mẹ tại Sacramento. Nhiều người lái xe bốn giờ trên đường cao tốc nhưng ai cũng mong mỏi có mặt sớm ở “tổ ấm”.

Vừa bước vào nhà là mọi người tự giác lễ Phật và ông bà, thắp hương cho người cha đã khuất. Bữa cơm tối sum vầy có cả thức ăn mặn lẫn chay, thêm món bánh bột lọc Huế “gia truyền”. Sau đó, gần hai mươi người lần lượt mừng tuổi bà. Các cháu tuy chào đời trên đất Mỹ nhưng đều chúc tết bằng tiếng Việt rành mạch.

Khoảng 40% người Việt định cư tại Mỹ sinh sống ở California. Nơi đây có nhiều khu chợ đặc thù của người Việt, người mua kẻ bán toàn nói tiếng Việt, hầu như chẳng thiếu thứ gì để chuẩn bị mâm cỗ, bàn thờ ngày Tết đúng phong tục. Nhưng đó lại là chuyện khó với nhiều người Việt tha hương xứ khác.

Đây là cái Tết thứ ba chị Thu Dung sống với gia đình chồng ở Hà Lan. Hồi độc thân, đi du học, chị Dung vô tư họ p mặ t bạ n bè . Bây giờ , mâm cơm gia đình luôn là mối quan tâm của chị, vì quán ăn Việt gần nhà nhất cũng cách 60km. “Muốn ăn, phải lăn vào bếp”, chưa kể phải lái xe cả giờ để mua thực phẩm ở chợ Á mà hôm có, hôm không.

Đặc biệt mâm cúng ông bà tổ tiên dịp Tết càng cần nhiều tâm sức. Chị Dung đặt hàng thịt từ trước mới có món thịt kho tàu dưa giá . Bao lì xì mang từ Việt Nam qua. Mâm ngũ quả cũ ng cần lùng sục mới có nhiều loại trái cây đẹp. May sao, ở đây có người nhận làm bánh chưng, bánh tét, mỗi nhà đặt một ít, gom lại thành nồi bánh quê hương.

Vong ve, tieng nuoc toi
Chị Tuyết Mai kết hợp cùng du học sinh Việt Nam tại Nhật để có tết cổ truyền ấm cúng - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Tuyết Mai lấy chồng Nhật gần 20 năm, sống ở khu vực chỉ có vài gia đình vợ Việt chồng Nhật và vài người Việt dẫn theo vợ con khi đi nghiên cứu sinh. Những năm đầu làm dâu xứ người, chị Mai thường tủi thân vì mâm cỗ Tết không có bánh chưng, do không kiếm được lá gói bánh. Sau này, nhờ quen biết nhóm du học sinh mà cả nhà chị Mai được ăn bánh chưng. Có năm, phải đi làm đúng ngày ba mươi tết, không dự tiệc với du học sinh, chị Mai đành ngậm ngùi: “Tôi cố lo cho gia đình bữa tối thịnh soạn, nhưng nhìn vào mâm không có bánh chưng và dưa hành, tự nhiên mũi tôi cay, nước mắt nhạt nhòa”.

Vong ve, tieng nuoc toi
Chị Thanh Bình gói bánh chưng, đón Tết - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với người đam mê bếp núc như chị Thanh Bình ở Prague, Cộng hòa Czech, việc mua sắm thực phẩm châu Á khá thuận tiện. Tuy nhiên, để bánh chưng trở thành món khoái khẩu với các con, đó lại là câu chuyện của ký ức: “Tết đến, tôi rưng rưng nhớ ngoại và nồi bánh chưng trong miền nhớ. Đêm lạnh, bếp lửa tí tách, nồi bánh sôi sùng sục, giữa than hồng là những củ khoai vùi thơm phức. Ngoại chỉ dẫn cho tôi cách bẻ lá, bắt góc bánh, gút lạt, nhưng tôi đâu chịu để ý. Giờ, ngoại về cõi vĩnh hằng, tôi quyết định tự tay gói bánh”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI