Mang tinh thần nhà Phật đến với giới trẻ

30/05/2016 - 16:17

PNO - Ngày nay, cùng với sự phát triển khoa học công nghệ là sự bùng nổ các phương tiện thông tin.

Sự tự do quá rộng rãi trong môi trường mạng internet, tạp chí, phim ảnh... đã ảnh hưởng đến cách hành xử, thái độ, tinh thần, tư tưởng của giới trẻ theo nhiều chiều. Đã có không ít người trẻ bị tác động xấu trong hành vi của mình và từ đó tội phạm ở lứa tuổi này phát sinh. Theo các chuyên gia tâm lý, đã đến lúc phải nhìn nhận lại vấn đề giáo dục lối sống cho giới trẻ để định hướng họ đến với những giá trị chân – thiện – mỹ.

Thực trạng cần thay đổi

Thời gian gần đây, trên mạng internet xuất hiện ngày càng nhiều clip đánh nhau giữa các học sinh. Có một thực tế đau lòng là các em trong clip sẵn sàng hành xử theo kiểu giang hồ và những em khác bên ngoài đứng xem với thái độ thờ ơ.

Một luật sư thuộc đoàn luật sư TP.HCM từng chia sẻ, hầu hết người chưa thành niên phạm tội bắt nguồn từ kỹ năng sống kém, không đủ nhận thức chọn lọc đối tượng giao tiếp, không tự mình phân biệt đúng sai nên dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm pháp. Bên cạnh đó, tính hiếu thắng, bốc đồng kiểu muốn tự khẳng định mình hoặc vì những lý do nhỏ nhặt khác cũng có thể là động lực thúc đẩy các em này nổi loạn, phản kháng hoặc trở thành tội phạm với tính chất và mức độ rất nguy hiểm, man rợ.

Thực trạng này cho thấy lỗ hổng có hệ thống của giáo dục kỹ năng sống, ứng xử với xung đột trong xã hội, trong cuộc sống với bộ phận giới trẻ. Những môn học về giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống không được chú trọng khiến các em mất dần phương hướng trong giao tiếp.

Tư tưởng Phật giáo rất cần cho giới trẻ

Theo nhà báo Bùi Lan Xuân Phượng (ảnh), người đang điều hành dự án "Phật giáo và tuổi trẻ", thì trong bối cảnh xã hội hiện nay, Phật giáo có ý nghĩa lớn lao đối với tuổi trẻ. Chị chia sẻ: "Vì sao Phật giáo cần cho tuổi trẻ và người trẻ thật sự cần gì ở Phật giáo? Câu hỏi này không đơn giản, đôi khi là cả một học thuyết. Nhưng, ở nghĩa đơn giản nhất, qua trải nghiệm của bản thân tôi, có cả thất bại lẫn thành công, tuổi trẻ cần ở Phật giáo ở 3 điểm chính yếu: Trí – Dũng - Bi. Theo đó, tuổi trẻ cần trang bị cho mình một nguồn kiến thức sâu rộng để có ích cho bản thân và xã hội - một tinh thần dũng cảm dám đương đầu với khó khăn thử thách – một tấm lòng từ bi để biết yêu thương và cảm thông. Với tình yêu và lý tưởng đẹp đẽ sẵn có, nếu người trẻ được thắp sáng và tiếp sức bởi những điều này thì họ sẽ trở nên bản lĩnh, mạnh mẽ và hữu ích trong cuộc sống".

Mang tinh than nha Phat den voi gioi tre
Nhà báo Bùi Lan Xuân Phượng

Việc học tập, chuyển hóa và thực hành 3 tinh thần này không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được. Có nhiều phương thức cho người trẻ chọn lựa như đọc sách, hành thiền, lắng nghe các bậc tiền bối giải thích, và quan trọng hơn hết là thực hành trong đời sống hằng ngày, từng việc nhỏ, từng phút giây. Khi biết kết hợp nhuần nhuyễn và linh động bi-trí-dũng, người trẻ đang thật sự hướng đến một cuộc sống tinh tấn và an lành từ bên trong.

Hoàng Đăng

 

Với hơn 20 năm cầm bút, nhà báo Bùi Lan Xuân Phượng đã gắn bó với nhiều tờ báo lớn. Đầu tiên là tờ Mực Tím, Hoa Học Trò. Sau đó chị làm việc cho tờ Tiếp Thị & Gia Đình và viết bài cho báo Thế Giới Văn Hóa, Phong Cách, Thể Thao Ngày Nay... Chị cũng được biết đến trong vai trò trưởng ban biên tập tạp chí Sức Sống Mới trong nhiều năm. Ngoài ra, chị còn cộng tác với một số báo như Tuổi Trẻ, Phụ Nữ… hiện là nhà báo tự do, đang cộng tác thường xuyên với tờ Giác Ngộ. Trong suốt quá trình làm báo, chị đã đạt một số giải thưởng về sáng tác và thực hiện nhiều bài viết về những nhân vật đặc biệt như: bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội), ông Trịnh Xuân Thuận (nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt), ông Bùi Văn Nam Sơn (nhà văn hoá, giáo sư và dịch giả triết học), nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc…

Mang tinh than nha Phat den voi gioi tre
Nhà báo Bùi Lan Xuân Phượng

Từ năm 2008 đến nay, chị thường xuyên viết bài về Phật giáo và hiện tại đang nghiên cứu dự án "Phật giáo và tuổi trẻ” dự kiến sẽ khởi động trong thời gian tới. Đây là dự án phi lợi nhuận với mục đích mang những giá trị tốt đẹp của Phật giáo đến cho người trẻ để ứng dụng được trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Từ đó hình thành nên một cộng đồng người trẻ có trí tuệ và tấm lòng sống có ích cho xã hội.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI