Xã hội hóa chợ truyền thống: Cách nào?

22/09/2017 - 11:41

PNO - Tiểu thương phải bỏ từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng sang nhượng sạp, nhưng ban quản lý (BQL) chợ lại yêu cầu tiểu thương phải ký hợp đồng kinh doanh thuê quầy sạp.

Ngô Đình Dũng - Chuyên gia thị trường (Viện đào tạo quản trị I.S.M): Mỗi tiểu thương nên là một doanh nghiệp cổ đông

Chợ được xây dựng theo mô hình xã hội hóa cũng giống như một doanh nghiệp cổ phần hóa. Mỗi tiểu thương sẽ là một doanh nghiệp cổ đông. Tiếng nói thống nhất của tiểu thương sẽ chiếm tỷ trọng trên 50% sức ảnh hưởng của các quyết định liên quan.   

Xa hoi hoa cho truyen thong: Cach nao?

Ban quản lý (BQL) chợ, tương đương vai trò của ban giám đốc (BGĐ) trong công ty cổ phần. Cổ đông có quyền bình bầu BGĐ. Và BGĐ là người làm thuê, có trách nhiệm giải trình rõ những thắc mắc của cổ đông. Cụ thể hơn, BQL chợ phải là nhóm đại diện cho quyền lợi tiểu thương. 

Quyền lợi, trách nhiệm của BQL và ngay cả nội quy chợ cũng phải được quy định cụ thể thông qua tiểu thương. Thậm chí, tiểu thương có thể cử đại diện thành lập hội đồng giám sát nhằm minh bạch hóa các hoạt động của BQL. Quan điểm cho rằng BQL là những người có quyền và không phục vụ cổ đông sẽ không phù hợp với mô hình chợ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa. 

Phan Tường An - Chuyên gia thị trường bán lẻ BSA (Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp): Ban quản lý phải đủ trình độ và năng lực

Có thể quản lý chợ theo hai mô hình và tùy theo cách triển khai, mỗi mô hình đều có tính ưu việt riêng, thậm chí một chợ vẫn có thể áp dụng song song hai mô hình như sau:

Giao quyền sử dụng đất  (giống chung cư) 

            Cho thuê có thời hạn

 - Hộ kinh doanh là một công ty 

Ưu điểm: người dân yên tâm gắn bó, tạo động lực cho người kinh doanh. 

Song nếu quản lý không khéo thì chợ là nơi chỉ dành cho người giàu đầu tư.

- Tạo điều kiện cho người bắt đầu kinh doanh, nguồn vốn ít.

Các hộ kinh doanh không hiệu quả dễ rút lui, nhường cơ hội cho người khác. 

Song, cách này không tạo được động lực cho tiểu thương yên tâm kinh doanh.

Hiện nay, số lượng thương vụ sang nhượng sạp với giá trị tiền tỷ diễn ra rất lớn. Khi không giao quyền sử dụng sạp cho tiểu thương, nhà nước đã bị thất thoát một khoản tiền thuế mua bán bất động sản vì chưa có cơ chế thu thuế này. 

Và dù được xây dựng theo bất kỳ mô hình nào, chợ cũng phải bảo đảm 3 yếu tố: cơ sở hạ tầng (luôn được xây mới, sửa sang), chính sách quản lý (minh bạch), mô hình hỗ trợ kinh doanh cho tiểu thương ở cấp cao (tổ chức các hoạt động chung cho tiểu thương kinh doanh hiệu quả như các hình thức khuyến mãi).

Các chợ truyền thống ở châu Á, châu Âu quán triệt 3 yếu tố này rất tốt. Rất nhiều chợ ở Bangkok, Chiang Mai của Thái hay các chợ ở Pháp đều xây dựng theo logic: chợ không phải là siêu thị nhưng vẫn thuộc không gian bán lẻ, luôn tuân theo nguyên lý của không gian bán lẻ hiện đại.

Vì vậy, bất kỳ nước tiên tiến nào khi xây dựng chợ cũng luôn có sự tư vấn của đơn vị am hiểu thị trường này, từ hệ thống gởi xe, vệ sinh, thoát nước, thoát khí cho đến không gian quầy và mặt hàng đặc thù… để thu hút khách hàng trung thành.

Xa hoi hoa cho truyen thong: Cach nao?
Bên trong chợ An Đông 1.

Riêng yếu tố BQL, với kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng tiền tỷ như tại các chợ Việt Nam, đòi hỏi BQL không chỉ biết thu mà còn phải đủ trình độ, năng lực sử dụng đồng tiền hiệu quả. Phải xem lại khái niệm xã hội hóa, không thể gọi đó là một ngôi chợ xã hội hóa nếu BQL để tiểu thương “tự bơi”, cơ sở hạ tầng ở nhiều chợ không khác những năm 1990. Đồng thời, nên chọn BQL như cách hình thành BGĐ trong công ty cổ phần, đề cao sự minh bạch và có đại diện tiểu thương các ngành nghề giám sát.

Ông  - nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM: Cổ phần hóa là mô hình tiên tiến, hài hòa lợi ích các bên

Hiện Chính phủ đã có chủ trương cho cổ phần hóa các loại hình như doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cổ phần hóa các đơn vị công ích, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp… Có thể hình dung, ban quản lý chợ chính là một đơn vị sự nghiệp. Nếu tiểu thương muốn triển khai cổ phần hóa ban quản lý chợ, đó chính là cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp.

Theo tôi, ý kiến đó của tiểu thương là một sự đột phá. Nếu chưa có ai làm thì TP.HCM nên mạnh dạn thí điểm cổ phần hóa chợ An Đông 1. Khi đó, bên cạnh nhà đầu tư chiến lược, tất cả tiểu thương đều là cổ đông, đều là chủ. Đừng sợ nhà đầu tư lớn đè đầu, bóp cổ tiểu thương. Chúng ta phải hiểu cổ phần hóa là chính tiểu thương cùng làm chủ với nhau.

Quan trọng hơn, cổ phần hóa chính là tiến tới mô hình quản lý tiên tiến, bảo đảm loại trừ các mắt xích yếu kém trong quản lý như hiện nay. 

Bởi vì cổ phần hóa giúp tăng tính công khai, minh bạch, giải quyết dứt điểm các tai tiếng, đáp ứng nguyện vọng của tiểu thương là có chỗ sinh kế chính là một ngôi chợ đẹp, khang trang, được quản lý khoa học. Đây là mô hình “win-win” giải quyết hài hòa lợi ích của tiểu thương và nhà nước.

Một chuyên gia kinh tế (đề nghị không nêu tên): Cổ phần hóa giúp minh bạch hóa những điều mà tiểu thương bức xúc

Tôi cho rằng cổ phần hóa “nội bộ” chợ truyền thống An Đông 1 là cần thiết, giúp minh bạch trong quản lý và vận hành chợ. Tuy nhiên, cần phải có lực lượng bao gồm các chuyên gia độc lập, không bị chi phối bởi bất cứ phía nào, giúp xây dựng phương án khả thi, khách quan.

Cổ phần hóa giúp xác định thực tế quyền sở hữu, quyền quản lý, xác định giá trị tài sản cả hữu hình và vô hình (thương hiệu chợ…), giá trị nguồn thu… đó chính là các vấn đề mà tiểu thương đang quan tâm, bức xúc. Nhà nước có thể nắm giữ tỷ lệ vốn 51%, còn lại là các nhà đầu tư, chính là các tiểu thương. Mỗi tiểu thương sẽ là một cổ đông. Họ có trách nhiệm làm chủ.

Cổ phần hóa là mô hình kích thích chợ phát triển, giảm việc chi phối quyền lực quản lý từ địa phương như hiện nay.

Không thể cấp quyền sở hữu sạp cho tiểu thương

Một số tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) phản ánh: mỗi tiểu thương phải bỏ từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng sang nhượng sạp, nhưng ban quản lý (BQL) chợ lại yêu cầu tiểu thương phải ký hợp đồng kinh doanh thuê quầy sạp.

“Tiền dựng sạp do tôi bỏ ra, tại sao tôi phải ký hợp đồng “thuê quầy sạp” mà không phải là hợp đồng “quyền sở hữu quầy sạp”? Nếu chỉ có hợp đồng thuê sạp mà không phải sở hữu, lỡ chợ bị bán đi, chúng tôi sẽ mất trắng. Nếu không làm hợp đồng thuê sạp thì không có gì chứng nhận kinh doanh tại quầy sạp này. Tôi cần BLQ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sạp để chúng tôi yên tâm kinh doanh” - một tiểu thương tại chợ nói.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Huyền Trân - Phó trưởng BQL chợ Nguyễn Tri Phương cho biết, từ trước đến nay tiểu thương vào chợ kinh doanh không có giấy tờ gì ngoài giấy phép kinh doanh, biên lai đóng thuế… Những giấy tờ này không thể hiện được quyền sở hữu.

Sau này có quy định (Nghị định 02) yêu cầu các tiểu thương phải ký hợp đồng kinh doanh thuê quầy sạp. Trong đó có từ “thuê” chứ không “sở hữu quầy sạp”. Đây là quy định chung cho hơn 50 chợ trên địa bàn TP.HCM và không có chợ nào cấp giấy “chủ quyền sở hữu quầy sạp”.

Toàn dộ diện tích chợ (5.000m2) đã được Sở Tài nguyên - môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho BQL chợ. BQL chợ chịu trách nhiệm về giấy chứng nhận này và không có trách nhiệm, chức năng, quyền hạn, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu quầy sạp cho từng tiểu thương. 

Với những đòi hỏi phải có hợp đồng “quyền sở hữu quầy sạp” của tiểu thương, luật sư Bùi Minh Nghĩa – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Luật Hằng Sinh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định thì tiểu thương chỉ được ký hợp đồng thuê sạp với BQL, không thể cấp giấy quyền sở hữu sạp vì đất này thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Để việc quản lý chợ xã hội hóa một cách công bằng và tạo sự yên tâm thì nên cấp cho tiểu thương quyền sử dụng sạp. Việc cấp giấy chủ quyền sở hữu sạp sẽ rất khó vì các chợ hiện nay đều là chợ kiểu cũ, không có cơ quan nào quy định và đứng ra cấp. Chỉ có các trung tâm thương mại kiểu mới hiện nay có phân lô rõ ràng mới được cấp giấy chủ quyền sở hữu. 

Thanh Hoa

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI