Vì sao vụ án liên quan ông Vũ 'nhôm' được tiến hành xử kín?

22/07/2018 - 14:47

PNO - Theo các chuyên gia, việc tòa án quyết định xử kín vụ án liên quan tới Vũ "nhôm" về tội danh "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" là phù hợp với điều 25 BLHS.

Ngày 30/7 sắp tới, TAND Hà Nội dự kiến mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị can Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", 43 tuổi) và các đồng phạm về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".

Theo hồ sơ vụ án, Vũ "nhôm" là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. Ngày 21/12/2017, ông Vũ bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", theo điều 263, BLHS 1999.

Ngoài ra, liên quan đến vụ án, một số thông tin liên quan việc Phan Văn Anh Vũ “lũng đoạn” đất đai ở nhiều địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng, khiến nhiều quan chức bị xử lý kỷ luật, thậm chí khởi tố.

Vũ "nhôm" là một doanh nhân, một cựu cán bộ ngành công an lại bị đưa ra xét xử kín về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước". Ngoài ra, Vũ "nhôm" còn đang bị điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Trốn thuế"...

Vụ án này được TAND Hà Nội đưa ra xử kín. Đây không phải là trường hợp hiếm, nhiều vụ án trước đó cũng từng được xử kín.

Vi sao vu an lien quan ong Vu 'nhom' duoc tien hanh xu kin?
TAND Hà Nội xử kín vụ án liên quan ông Phan Văn Anh Vũ.

Viện dẫn điều 25 BLHS, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật TP HCM) phân tích: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp được BLHS quy định. Đó là những trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Tòa án có thể xem xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.”

Luật sư Học cho rằng đối với những vụ án xét xử tội danh “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là một trong những cơ sở để toà án xem xét việc có tiến hành xét xử kín hay công khai. Ngoài ra, các vụ án liên quan đến trẻ em hoặc đời tư cá nhân như: hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, dâm ô với trẻ em…  cũng thường được tòa án xem xét xử kín.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) phân tích: “Theo quy định của pháp luật, tất cả các bị cáo đều bình đẳng như nhau, không có bị cáo nào được ưu tiên đặc biệt.

Không có tội danh nào luôn được xử kín mà tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án và nhận định của tòa án. Việc xử kín chỉ nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ các nội dung quy định tại điều 25 BLHS".

Đối với vụ án liên quan Vũ “nhôm” được xét xử kín, luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP HCM) nhìn nhận ngay điều luật mà bị can Phan Văn Anh Vũ vi phạm đã phù hợp với tiêu chí của điều 25 BLHS 2015. Vì vậy, nếu cho rằng nội dung vụ án có những thông tin bí mật nhà nước thì HĐXX quyết định xét xử kín là phù hợp.

Luật sư Long cho biết do xử kín nên ngoại trừ HĐXX, kiểm sát viên và thư ký tòa và những người được tòa án triệu tập thì không còn ai, kể phòng viên, nhà báo được tham dự.

Tuy nhiên, trong phần tuyên án công khai, mọi người sẽ được tham dự, bản án cũng sẽ được phát hành công khai. Do đó, việc xử kín không ảnh hưởng đến quyền giám sát và tiếp cận thông tin của người dân và các cơ quan truyền thông.

Thiên Lương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI