TP.HCM kiến nghị nâng mức xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

09/04/2018 - 20:12

PNO - UBNDTP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) tại TP.HCM trong quý I/2018.

Sau một năm thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP TP.HCM, kết quả đạt được đã minh chứng chủ trương thành lập ban này là đúng đắn.

Trong quý I/2018, ban này đã tổ chức tiếp nhận, trả lời 752 cuộc gọi về thủ tục hành chính, phát hiện 2 container chứa gần 30 tấn động vật không rõ xuất xứ (xem bài Hơn ba tháng, chưa tiêu hủy được lô thực phẩm kém an toàn trên báo Phụ Nữ TP.HCM,  số ra ngày 4/4)…

Khó khăn trong bảo đảm ATTP hiện nay là, vẫn còn nhiều doanh nghiệp không chấp hành và duy trì các quy định về ATTP,  vẫn còn tình trạng vì lợi nhuận nên sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Vụ heo bị tiêm thuốc an thần cho thấy, chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng.

Nếu kết quả dương tính khi phân tích thì lô hàng đã được phân phối không còn tại chợ. Vì vậy, vi phạm về ATTP đối với các thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có hóa chất, chất cấm tại chợ đầu mối chỉ bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền, không thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tịch thu, tiêu hủy).

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ bổ sung quy định mức giới hạn tối đa hoạt chất acepromazine (thuốc an thần) trong thịt và sản phẩm thịt tại Thông tư số 24/2013/TT-BYT ngày 14/8/2013 để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và ngăn chặn hành vi tiêm thuốc acepromazine vào thịt và sản phẩm từ thịt; kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương xem xét nâng mức chế tài xử phạt trong lĩnh vực vệ sinh ATTP, nhằm tăng cường tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI