Tài sản tham nhũng bằng số tiền đầu tư cao tốc Bắc – Nam giai đoạn I

21/11/2017 - 15:27

PNO - Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) so sánh như vậy khi nói về khoản tiền gần 55.000 tỷ đồng thất thu từ tài sản tham nhũng trong vòng 10 năm qua ở Việt Nam.

Thảo luận về Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) chiều ngày 21/11, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho biết, truy thu tài sản tham nhũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Theo báo cáo của Thanh tra chính phủ, 10 năm qua, VN chỉ thu hồi được 4.676 tỷ/ 59.000 tỷ, chiếm 8%; 290 ha đất/400 ha đất, chiếm hơn 54%.

“Điều đáng nói 10 năm qua còn gần 55.000 tỷ chưa thu hồi được nếu không nói là không thể thu hồi được. Số tiền này được cử tri so sánh bằng số tiền nộp ngân sách đầu tư xây đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, hoặc bằng thu ngân sách trong vòng 5 năm của 1 tỉnh nghèo”, bà Trang bức xúc vì con số như “muối bỏ bể” này.

Bà Trang khẳng định, cử tri kỳ vọng bứt phá và bàn tay thép trong thu hồi tài sản tham nhũng tuy nhiên trong dự thảo Luật lần này lại không có quy định bứt phá. Dự thảo chỉ mới nhắc lại 1 số quy định về luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật thanh tra, kiểm toán…

“Để khắc phục tình trạng yếu kém này, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó thể chế thu hồi tài sản là vấn đề cốt tử”, bà Trang nhấn mạnh.

Tai san tham nhung bang so tien dau tu cao toc Bac – Nam giai doan I
Đại biểu tỉnh Nghệ An cho rằng, thu hồi tài sản tham nhũng phải được xem là vấn đề "cốt tử"

Đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị, cần bổ sung một chương riêng về thu hồi tài sản tham nhũng theo đó quy định cụ thể: nguyên tắc, trình tự thủ tục của 1 số nội dung. Đặc biệt, quy định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan chức năng không tuân thủ nguyên tắc trên khiến tẩu tán, thất thoát tài sản…

Trước đó, thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) khẳng định pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

“Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ”, đại biểu Thủy nói.

 Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu Thủy cho biết, vẫn chỉ xử lý đối với người kê khai không đúng. Đối với khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ không có cơ chế xử lý.

Đại biểu Thủy lấy ví dụ về kinh nghiệm của Trung Quốc trong vấn đề xử lý tài sản tham nhũng. Theo đó, nếu công chức không giải trình được thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu. Ngoài ra còn có thể bị phạt tù đến 5 năm.

Hay Singapore có luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có các quy định rất cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi tài sản tham nhũng.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI