Đa số học sinh nói “không” với môn sử

08/05/2014 - 08:26

PNO - PNO - Khi học sinh được quyền tự lựa chọn môn thi tốt nghiệp, thực trạng người học quay lưng với các môn khoa học xã hội trở nên rõ ràng đến nhức nhối. Tỷ lệ 0% người lựa chọn, những cái lắc đầu đầy cương quyết của...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Không cần đối phó

"Cầm xấp bài đầu tiên của kỳ kiểm tra giữa học kỳ 2 mới đây, tôi giật mình khi có đến 3/10 bài các em chỉ chép đề thật sạch đẹp rồi bỏ trống. Trước đây, các em còn tìm cách "nặn" được vài dòng, hoặc copy đâu đó được vài ý nhưng chí ít cũng cố gắng để làm bài. Bây giờ thì mặc kệ, các em cũng không cần đối phó với môn sử, địa nữa vì các em có quyền từ chối. Dạy học đâu chỉ là cái nghề kiếm sống mà niềm vui là được thấy học trò hiểu bài, yêu thích môn học. Từ khi học sinh xé đề cương môn sử, rồi đến lượt bỏ luôn không thèm làm bài... tôi đã hiểu đòi hỏi các em yêu thích môn xã hội dường như là… xa xỉ", một giáo viên môn sử ở quận Bình Tân ngao ngán.

Da so hoc sinh noi “khong” voi mon su

Ảnh minh họa: Phụ Nữ Online.

Từ khi thông báo học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp (trừ hai môn toán và ngữ văn) được ban hành, học trò đã không cần tìm cách để đối phó với những môn khoa học xã hội. Các em có quyền loại bỏ môn thi này, bởi vậy tỷ lệ học sinh chọn môn sử của nhiều trường là con số 0 tròn trĩnh.
Ngày 7/5, các trường tại TP.HCM kết thúc đăng ký môn thi tốt nghiệp. Theo thống kê của trường THPT Gia Định (TP.HCM), chỉ có 25/1.000 HS chọn môn lịch sử cho kỳ thi tốt nghiệp và khoảng 30 em chọn môn địa lý. Con số này với môn tiếng Anh là 573, môn hóa là 523 và cao nhất là môn vật lý với hơn 600 HS chọn.

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, số HS chọn môn vật lý chiếm khoảng 80%, sau đó lần lượt là môn hóa học, tiếng Anh, sinh học, địa lý. Trường này không có HS đăng ký thi môn lịch sử.

Trường THPT Thủ Thiêm có số HS đăng ký thi môn sử là… 2 người. Tương tự, Trường THCS-THPT Hồng Hà có gần 70% HS lớp 12 lựa chọn môn tiếng Anh, kế tiếp là các môn lý - hóa đúng những khối thi ĐH mà HS lựa chọn nhiều nhất: khối A, A1 và D1. Trong khoảng 400 HS lớp 12 của trường này, chưa đến 10% HS chọn thi môn lịch sử.

Trường THPT Bình Chánh có 653 HS lớp 12, trong đó môn lịch sử chỉ có 44 HS đăng ký thi, môn vật lý là 194 HS, môn hoá là 455 HS, tiếng Anh là 88 HS, môn sinh là 393 HS và địa lý 132 HS.

Trường THPT Nhân Việt có đến 89% HS lớp 12 chọn thi hoá, 54% HS chọn thi môn lý, 17,39% HS chọn thi môn tiếng Anh; còn lại các môn sinh, sử và địa chỉ có hơn 10% HS chọn thi.

Trường THPT Lương Thế Vinh có chưa đến 10 HS chọn thi sử, địa; Trường THPT Marie Curie có khoảng 30/1.000 HS của 12 lớp chọn thi môn sử.
Theo lý giải của ban giám hiệu Trường THPT Gia Định, ngay từ đầu vào năm học lớp 10, HS được phân hóa theo môn chuyên, khối thi ĐH. Ngay từ lúc đầu, trường đã không thể mở lớp khối C vì HS đăng ký ít, không đủ mở lớp. Vì vậy, khi được chọn môn thi, tất nhiên các em sẽ chọn môn thế mạnh của mình và cũng để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH.

Việc HS lựa chọn môn thi chênh lệch như thế rất khó để tổ chức ôn tập: môn tự nhiên, Anh văn thì có quá nhiều lớp chọn trong khi môn sử, địa chỉ lác đác vài em. Tình trạng này càng căng thẳng hơn ở các trường ngoài công lập, chi phí để tổ chức lớp ôn tập, giám thị theo dõi và khảo bài mùa thi không phải nhỏ nhưng lớp sử quá ít HS nên rất lãng phí.

Kết quả tất yếu

Trong một bài viết của mình, nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: Một nền giáo dục trong thực tế liệt khối C xuống hạng bét, để cho chuột chạy cùng sào mới vào khối C, là một nền giáo dục bế tắc.

Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể đổ lỗi cho người học bởi các em phải lựa chọn môn học yêu thích, thế mạnh và nhất là phải có "tầm nhìn" cho tương lai. Tương lai ở đây thể hiện cụ thể nhất là kết quả của kỳ thi ĐH. Các em không thể "mạo hiểm" lựa chọn sử, địa để rồi khó khăn tìm lối đi ở bậc học cao hơn.

Lý giải cho nguyên nhân HS "quay lưng" với các môn khoa học xã hội, ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho rằng: so với những khối thi còn lại, khối C có rất ít ngành học để lựa chọn và những ngành "hot" càng hiếm hơn. Chính vì hiếm ngành hot có thu nhập cao, có vị trí xã hội (như báo chí, luật) nên điểm thi cạnh tranh vào những ngành này rất cao. Chính vì vậy, phụ huynh HS vẫn không muốn con mình dấn thân vào con đường khó thay vì cứ trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà kinh doanh.

Thêm một thực tế không thể chối bỏ là chương trình học môn lịch sử, địa lý... trong chương trình phổ thông quá nặng lý thuyết, đầy số liệu và sự kiện được thể hiện khô khan, không thu hút được người học. Giáo viên cứ chăm chăm vào sách giáo khoa mà dạy, năm thuở mười thì mới có một giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách làm mô hình, cho học bằng hình ảnh hoặc sa bàn.

Không thể phủ nhận, chúng ta vẫn đang làm giáo dục theo kiểu học để thi, cách kiểm tra đánh giá hiện nay là đếm ý cho điểm thì không thể khuyến khích người học "động não" ngoài kỹ năng học thuộc lòng.

Một tổ trưởng môn sử - địa - giáo dục công dân chia sẻ: “Ở các nước có nền khoa học công nghệ, kỹ thuật phát triển hơn ta, họ vẫn chú trọng phát triển những môn khoa học xã hội và nhân văn bởi đó là nền tảng căn bản để phát triển xã hội và con người làm kỹ thuật. Nhưng họ không dạy sử chỉ quanh quẩn trên trang sách và trong nhà trường. Họ dạy sử ở bảo tàng, ở những địa danh nổi tiếng, ở sách truyện, phim ảnh... Họ bắt người học hiểu lịch sử và văn hóa một cách tự nhiên, bằng nhiều con đường. Gần nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc quảng bá văn hóa và lịch sử nước họ bằng các hoạt động giải trí, văn hóa văn nghệ mà hiệu quả mạnh mẽ đến độ chúng ta có thể thấy giới trẻ có thể kể vanh vách các triều đại vua chúa... Tại sao chúng ta cứ mãi bắt trẻ con học sử trên những kiến thức khô khan? Việc các em đã quay lưng với môn xã hội khi các em có quyền chọn là phản ứng tất yếu khi phải học những thứ khó hấp thu, không cảm, không thích. Vì vậy, giải pháp từ gốc là phải thay đổi chương trình và cách dạy các môn xã hội”.

Trước khi chờ đợi một sự thay đổi căn bản từ cái gốc vấn đề, môn sử nên được xem là môn học quan trọng, là môn thi bắt buộc như văn và toán. Nhiều nhà giáo dục cũng đồng tình với ý kiến này bởi môn sử và lịch sử, văn học, toán là những môn học cơ bản để làm người.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI