Bác sĩ Việt 'bó tay' với truyền máu song thai?

25/03/2015 - 07:16

PNO - PN - Nhiều phụ nữ mang song thai chưa kịp vui mừng thì đã rơi vào hoảng loạn vì bác sĩ (BS) phán “mắc hội chứng truyền máu song thai không chữa được, trừ khi có tiền đi Mỹ, Nhật”. Không nhận được sự động viên, chia sẻ từ BS,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bac si Viet 'bo tay' voi  truyen mau song thai?

Nhờ đốt tia laser, chị Dung đã sinh hai con khỏe mạnh

Chẩn đoán sai làm sao điều trị

Nhìn hai bé trai song sinh tám tháng tuổi con của chị Ngô Thị Thu Dung (33 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) kháu khỉnh, lanh lợi, ít ai ngờ cách đây hơn một năm, khi chị mang thai ở tháng thứ năm, các BS Bệnh viện (BV) Từ Dũ đã từng làm chị thất vọng: “Song thai 21 tuần có hiện tượng truyền máu bất thường cấp độ II, trong đó một thai thiểu ối, một thai đa ối có thể chết lưu trong bụng mẹ bất cứ lúc nào. Bệnh này Việt Nam không chữa được, kể cả Singapore. Nếu có tiền đi Mỹ, Pháp, Nhật thì may ra”.

“Lúc nghe BS giải thích, tôi choáng váng và bật khóc vì thai đã thành hình, nỡ nào không giữ con. Ba ngày sau, tôi siêu âm lại thì một thai bị phù tim, đang trong tình trạng rất nguy hiểm. Nếu tôi đầu hàng số phận và nghe theo lời BS thì giờ đây tôi đã mất hai đứa con. Chi phí điều trị ở Mỹ, Nhật thì quá cao, thời gian hoàn thành thủ tục xuất cảnh rất lâu, hai con của tôi sẽ không chờ nổi.

Vô tình, chồng tôi biết một người đang điều trị bệnh lý thai to, thai nhỏ ở Singapore, nhưng không phải là hội chứng truyền máu song thai như chẩn đoán ban đầu. Cuối cùng, tôi xin được địa chỉ email, số điện thoại của một BS Malaysia đang hợp tác điều trị hội chứng truyền máu song thai ở một BV của Singapore. Chúng tôi liền dịch và chuyển hồ sơ bệnh án cho vị BS này. Vài giờ sau, BS trả lời qua email là điều trị được” - chị Dung nhớ lại.

Đến Malaysia, BS tư vấn cho chị, nếu không dùng tia laser chỉnh sửa lại mạch máu thì 95% hai bé sẽ tử vong, còn nếu đốt mạch máu bằng laser thì 70% cứu được một bé, 50% cứu được hai bé. “Tổng chi phí điều trị sau ba ngày hết tám triệu đồng, tôi đã về Việt Nam sinh con an toàn. Sau khi tôi trở về và sinh con thành công, đã có 18 thai phụ mắc chứng truyền máu song thai từ Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Long An… liên hệ với tôi qua điện thoại hoặc đến tận nhà gặp trực tiếp để mong được chia sẻ, nhờ tư vấn và một số người đã sinh con an toàn, có người đang chuẩn bị sinh. Chi phí có ca chỉ tốn ba triệu đồng”.

Không may mắn như chị Dung, chị L.T.T.Nh. (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đã rất bức xúc về việc BV Từ Dũ chẩn đoán không chính xác khiến chị mãi mãi mất hai bé gái song sinh. Cụ thể vào ngày 10/9/2014, BS BV Từ Dũ siêu âm cho biết chị Nh. đang mang thai tuần thứ 16,5 và mắc hội chứng truyền máu song thai cấp độ I, hẹn tái khám.

Đến ngày 14/10/2014, kết quả siêu âm ghi nhận thai 21 tuần 1 ngày mắc hội chứng truyền máu song thai cấp độ I. “Lúc đó, cơ thể tôi không có biểu hiện gì lạ. Thấy một BS cầm hồ sơ thắc mắc là hơn một tháng sao bệnh vẫn ở cấp độ I, chúng tôi hỏi BS phải điều trị ở đâu. BS lạnh lùng “chị có tiền muốn đi đâu thì tùy chị”.

Lẽ ra BS phải tư vấn nước nào điều trị được kỹ thuật đốt tia laser để bệnh nhân cân nhắc. Chị Nh. tìm đến nhà chị Dung và được khuyên nên nhờ một BS hàng đầu về chẩn đoán hình ảnh để siêu âm lại lần nữa. Chị Nh. đến nhờ một BS rất giỏi của BV Từ Dũ siêu âm thì phát hiện hội chứng truyền máu song thai đã ở cấp độ III-IV, một thai lớn đang trong tình trạng nguy hiểm, phải điều trị ngay. Lập tức, chị gọi điện và gửi email cho BS ở Thái Lan và Malaysia để bên nào nhận trước thì đi.

Thế nhưng, BS ở Malaysia cho biết, do bệnh đã qua độ IV nên việc cứu sống sẽ khó khăn, còn BS ở Thái Lan khẳng định sẽ cứu được một bé. “Nhưng vì trục trặc giấy tờ, tôi sang đến Thái lại đúng vào ngày ê kíp phẫu thuật nghỉ nên BS chỉ theo dõi. Điều không may đã đến, hai con gái tôi mãi mãi không thể chào đời. Giá như, BV Từ Dũ chẩn đoán đúng mức độ bệnh của thai, giá như Việt Nam có nơi áp dụng kỹ thuật chiếu tia laser thì có lẽ con tôi đã được cứu sống” - chị Nh. bùi ngùi.

Vào tháng Giêng vừa qua, chúng tôi cũng nhận được thông tin thai phụ tên H., ở Q.Tân Bình vừa mất hai bé trai do nghe theo lời khuyên của BS, để theo dõi bệnh (truyền máu song thai) ở Việt Nam nên chị không đi nước ngoài điều trị.

Bệnh nhân không đợi được

BS Bùi Thanh Vân - Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, BV Từ Dũ TP.HCM - lý giải: hội chứng truyền máu song thai là một bệnh hiếm gặp, chỉ xảy ra ở 1/10.000 ca mang thai. Vì chung bánh nhau nên khả năng mạch máu giữa hai thai nhi bị thông nối với nhau là rất cao, khoảng 90% các trường hợp, thậm chí có tác giả ghi nhận 100% song thai chung một bánh nhau có hiện tượng thông nối mạch máu. Khi đó, máu của một thai nhi sẽ truyền cho thai nhi còn lại. Thai nhi truyền máu sẽ ngày càng teo tóp, thận ít lọc máu...

Thai nhi nhận máu sẽ bị phù nề do lượng máu truyền về ồ ạt gây quá tải hệ tuần hoàn dẫn đến tràn dịch màng bụng, suy tim, suy phổi... Hiện thế giới có ba phương pháp điều trị tạm thời cho người bệnh. Một là chọc phá vách ngăn giữa hai túi ối chung thành một bánh nhau, một túi ối. Hai là giảm ối: BS sẽ hút bớt lượng nước ối từ thai có túi ối to để thai nhi không bị quá tải hệ tuần hoàn; đồng thời giúp thai còn lại có cơ hội phát triển, không bị teo tóp. Phương pháp còn lại ở thời điểm này được coi là ưu việt nhất là điều trị bằng tia laser nhằm trực tiếp làm giảm sự truyền máu giữa hai thai với nhau.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, BS Japaraj, BV Raja Permaisuri Bainun Jalan của Malaysia - người trực tiếp điều trị thành công cho chị Dung và một số bệnh nhân Việt Nam chia sẻ: “Dựa vào số lượng thai phụ Việt Nam mắc chứng truyền máu song thai liên hệ với tôi, tôi nhận thấy số ca bệnh không ít và Việt Nam cần triển khai dịch vụ này sớm cho người bệnh. Lẽ ra, chính BS là người đầu tiên phải nhận thấy điều này. Cách đây 5 năm, BV chúng tôi đầu tư cho hệ thống dịch vụ này bao gồm cả máy móc là không nhỏ, khoảng 120.000 đô la Mỹ. Tôi đang đào tạo các BS Indonesia và sẵn sàng giúp đỡ các BS Việt Nam nếu họ thật sự muốn triển khai kỹ thuật này”.

Chia sẻ về việc tại sao cả nước, nhất là BV Từ Dũ chưa ứng dụng kỹ thuật đốt laser điều trị chứng truyền máu song thai, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc BV Từ Dũ cho rằng: Không phải trường hợp nào bị truyền máu song thai cũng điều trị được bằng tia laser. Mặt khác, tùy từng giai đoạn mà BV sẽ ưu tiên đầu tư phát triển lĩnh vực nào trước, chứ không đủ ngân sách mua máy móc một lúc.

Tuy nhiên, để hạn chế việc chẩn đoán không đúng và nâng cao kỹ năng cho nhân viên, BV đã mời các chuyên gia nước ngoài qua tập huấn về bệnh truyền máu song thai và trong tương lai sẽ đầu tư máy móc để ứng dụng kỹ thuật đốt laser cho người bệnh.

Nhiều BS sản khoa cho rằng, dân số Việt Nam khá đông nên số trường hợp mắc chứng truyền máu song thai sẽ cao hơn một số nước. Vì vậy, cả nước cần có ít nhất một cơ sở điều trị để cứu thai nhi cho dù hy vọng đó có mong manh. Việc đầu tư lâu dài cũng là cách để thu hút bệnh nhân nước ngoài và là minh chứng dễ thấy cho sự thành công trong điều trị hiếm muộn ở Việt Nam. Bệnh nhân cũng sẵn sàng chi trả để cứu thai nhi, thay vì phải ra nước ngoài.

VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI